Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyện mới và cũ ở ấp Khmer Hiệp Phước
Thứ tư: 13:56 ngày 29/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cũng xin nói trước là ở đây không có những nhà sàn lớn và đẹp như ở ấp Khmer Kà Ốt, huyện Tân Châu. Chùa ở đây cũng nhỏ, dù khuôn viên đất chùa vẫn rộng thênh thang, chứa được thêm cả một nhà văn hoá ấp. Đi vào các ấp có người Khmer sinh sống đều có một cảm giác giống nhau, đấy là bình yên, thư thái. Gặp nhau là thân ái chào đón, tay bắt mặt mừng.

Lò thiêu trong sân chùa Hiệp Phước.

Đấy là ở ấp Khmer Hiệp Phước, thuộc xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành. Gặp lại, già làng Un Miệt hồ hởi dẫn ra chùa xem ngay công trình mới. Ông bảo, lần này huyện đầu tư  hơn 2 tỷ đồng, làm cho một cái lò thiêu xác. Dân ấp mừng lắm, bởi từ nay không còn cảnh phải thiêu người đã mất bằng củi, trên những giàn thiêu tự tạo ở bên ngoài xóm ấp.

Vâng! Người Khmer Hoà Thạnh có tập quán thiêu xác người đã mất. Vậy là cũng “văn minh” hơn ở nhiều nơi; khi mà tập quán phổ biến vẫn là chôn cất (địa táng). Có điều, ý tưởng thì văn minh, nhưng cách làm còn tuỳ tiện. Phần nhiều là phải dựng giàn thiêu bằng củi, thiêu ngay ở ngoài đồng.

Lò thiêu lần này làm hẳn hoi bằng bê tông cốt thép, được dựng ngay ở phía sau chùa. Đấy là kiểu lò thiêu đã được thịnh hành ở miền Tây Nam bộ, cũng do thợ chuyên môn từ miền đất ấy lên làm.

Vào tháng 6.2020, tháp đã xây, đúc gần xong phần khung, cột, mái bằng bê tông. Cũng là kiểu nhà 3 gian, 3 nhịp cột tròn, giằng mái uốn cong. Nhô lên là 2 tầng mái và cột ống khói cao đến 18 mét. Phần lò sẽ được chế tạo đưa lên sau khi phần xây dựng đã hoàn thành.

Rời chùa, Un Miệt dẫn tôi đi vòng quanh xóm, xem mấy ngôi nhà sàn còn lại. Không nhiều lắm, chỉ mười ngôi. Có ngôi đã được xây mới theo kiểu hiện đại, với cột bê tông, tường tầng trệt xây gạch nhưng tường vách ngăn trên lầu được làm bằng tôn, thép.

Cũng có ngôi trở lại thuần tuý kiểu xưa, khung cột gỗ cây, vách bưng toàn bằng lá thốt nốt. Mái nhà lợp tôn hoặc ngói, được trau chuốt trên từng bờ nóc ngói hoặc mái đua. Ngay cả ở ngôi nhà lá, vách lá thốt nốt cũng được nẹp tre theo lối ô vuông, vừa đẹp mắt lại vừa bền chặt.

Xóm làng có vẻ vẫn như xưa nhưng thật ra cũng đã khác nhiều. Đấy là không còn những chuồng trâu bò ở phía trước, hoặc ngang với các ngôi nhà ở. Chuồng trại được làm ở khuất nẻo sau vườn. Đường thôn ngõ xóm sạch sẽ phong quang. Vì thế cái gầm nhà sàn đã trở thành nơi kê bàn học cho các em, hoặc trải chiếu cho mẹ con hủ hỉ bên nhau, còn các bác các ông mắc võng nằm thanh thản sau một buổi đi làm ngoài ruộng rẫy.

Phần lớn nhà ở người Khmer Hiệp Phước đã được xây tường cột, mái tôn theo lối người Kinh. Nhà khá giả hơn thì cửa ra vào kính chớp long lanh, tôn giả màu ngói đỏ. Nhiều ngôi nhà tường được xây theo Chương trình 134 của Chính phủ vẫn còn đó.

Đã trên dưới 15 năm, vẫn nổi bật lên màu tường vôi trắng, cửa sơn xanh. Chỉ có vài mảng tường phía trước vương màu bụi đỏ. Già làng Un Miệt cũng ở một ngôi trong số đó. Sân đất rộng thênh thang, dù ông đã xây thêm cho con một ngôi nhà giống hệt nhà mình.

Phía trước là rào cây ngăn cách với con đường, hoe hoe hoa râm bụt đỏ. Chung quanh nhà còn là dừa, xoài và những lùm cao cây thốt nốt nhô lên. Nhà nước đang đầu tư xây dựng một con đường mới ngang qua Hiệp Phước.

Mặc cho nắng lửa mùa khô đất đỏ bụi lầm, những chiếc xe lu nhẫn nại lăn lại, lăn đi trên con đường băng qua một vườn tràm xanh óng. Ấp Hiệp Phước vẫn tiếp tục được đổi thay, mỗi ngày một thêm khang trang mà hài hoà đầm ấm. Như một nếp sống cộng đồng tin cậy và bảo bọc lẫn nhau của những làng ấp Khmer từ thuở xa xưa.

Già làng với dây nần.

Trở ra con đường trục liên xã Hoà Hội - Hoà Thạnh - Biên Giới giờ đây đã cực kỳ êm thuận, bởi có mặt đường bê tông nhựa. Băng qua một cánh đồng người Hiệp Phước đang canh tác, thì ra đã có những cánh đồng lúa chuyển sang trồng rau màu. Con kênh chảy dọc cánh đồng loang loáng trời mây in bóng nước.

Ấy là khi già làng Un Miệt tìm về một nơi xưa cũ nhất của cộng đồng. Đấy là đất cũ của ngôi chùa xưa, có từ trước cuộc kháng chiến chống Pháp, khi mà xã còn mang tên là Praha Miet thuộc tổng Khăn Xuyên, sau đó là tổng Chơn Bà Đen thời thuộc Pháp.

Hai cuộc kháng chiến đã qua đi. Rồi cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương đã giành thắng lợi. Người Khmer Hoà Thạnh luôn thuỷ chung, sát cánh cùng bộ đội  bảo vệ quê hương nguyên vẹn hình hài. Nhưng, chùa xưa đã thành đống tro tàn gạch nát. Sau hoà bình, xây dựng lại, Đảng uỷ, chính quyền quan tâm sắp xếp lại xã, ấp, chọn phần đất đẹp và lớn nhất ở trung tâm khu dân cư làm điểm xây chùa mới.

Phần đất cũ của chùa xưa vẫn được gìn giữ, nâng niu như một điểm gò rừng- của rừng Hoà Thạnh đang được người Khmer chung tay cùng người Kinh gìn giữ. Rừng Hoà Thạnh ở bên kia đường, đang lưu giữ một di tích quý giá là Căn cứ Huyện uỷ Châu Thành, bên này đường là một ngôi nền cũ của chùa xưa theo hệ phái Nam tông của người Khmer Nam bộ.

Lạ một điều, giữa mùa khô mà quanh cái gò chùa này luênh loang đầy nước. Phía Tây là ruộng, sóng xôn xao lắp xắp bờ cỏ chân gò. Phía Đông vẫn còn một cái ao con, thông với một đường hào nước có từ xa xưa. Rừng vẫn rậm rịt các loài cây hoang dã. Đó đây vẫn còn vài viên tán đá (kê chân cột) của chùa xưa. Luồn vào tới đỉnh gò, mới thấy dấu vết của mùa khô với lá khô rơi đầy gốc, những tổ mối vàng khô màu đất gan gà.

Vậy mà vẫn có một loài dây leo xanh óng ả từ thân cho tới lá, thân nhỏ như ngón tay mà mọc đầy gai. Già làng Un Miệt bảo:- Dây củ nần đấy! Thời kháng chiến nó là loại thức ăn chống đói cho dân quân bám đất, bám rừng chống giặc.

Ôi, dây củ nần đấy ư! Sao mà thân cành lại xanh và mềm oặt thế này. Tây Ninh từng có một địa danh là Giồng Nần, chính là nơi có tổ Đảng đầu tiên ngay từ năm 1930. Nay địa danh ấy thuộc về xã Long Vĩnh. Nhưng củ nần trên đất giồng xưa mà nó mang tên cũng đã tuyệt giống rồi! Ai cần tìm, lấy giống xưa về trồng lưu giữ kỷ niệm một thời, thì hãy đến gò chùa xưa ở Hoà Thạnh mà tìm.

Chúng vẫn giăng díu đầy trên mặt đất, cành cây. Thân găm xuống đất khô, mà tích tụ giữa nắng, gió và khí trời thành một loại củ giúp con người trong gian khó. Già làng nâng trên tay một dây nần, mắt xa xăm nhớ lại chuyện ngày xưa.

TRẦN VŨ

Từ khóa:
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục