BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện một ông già 16 năm lưu lạc

Cập nhật ngày: 13/04/2010 - 11:39

Ngày 1.4.2010, gia đình anh Vũ Công Hồng (phường Trang Hạ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) bỗng dưng được Phó chủ tịch phường mời đến nhận thư. Điều ngạc nhiên là lá thư đó được gửi tới từ miền Nam. Cả gia đình anh Hồng-tính luôn cả dòng họ, không có ai là bà con thân thuộc ở miền Nam, vì vậy, anh Hồng ngạc nhiên khi đọc tên người gửi là Nguyễn Khắc Truyện – ngụ ở thị xã Tây Ninh.

Lá thư đó kể về… người cha của anh Hồng, cụ Vũ Công An. Bức thư nêu hoàn cảnh cụ An đang đơn độc một mình trên chiếc giường bệnh ở Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh (BVĐK Tây Ninh). Người viết thư vốn không quen biết, nhưng đã chạnh lòng khi thấy ông bơ vơ, không người thân thăm nom chăm sóc. Lần hồi, mới hỏi được địa chỉ nhà ông.

Nước mắt ngày gặp lại

Cha con anh Vũ Công Hồng gặp lại nhau sau 16 năm xa cách.

Đọc lá thư đến cả hàng trăm lần, anh Hồng vẫn không dám tin vào mắt mình. 16 năm cha anh bỏ đi, không ai nhận được một dòng tin tức nào. Mẹ anh ngày nào cũng ra vô đầu ngõ, chờ đợi một hình ảnh quen thuộc đã mấy chục năm gắn kết. Thế nhưng, càng ngày bà càng héo hon đi vì chờ đợi và thất vọng. Người làng không ai nhìn thấy ông An đi đâu, gia đình bặt tăm ông! Một năm, rồi 5 năm, 10 năm, 15 năm… cuộc tìm kiếm trở nên vô vọng. Gia đình anh Hồng đã xem như ông cụ đã mất tích.

Lá thư từ miền Nam ra đem đến cho anh Hồng và gia đình niềm hy vọng to lớn. Thế nhưng, nhiều người trong nhà vẫn bán tín bán nghi, cho rằng có ai đó cố ý đùa giỡn. Nhưng anh Hồng bảo, linh tính của anh cho biết, đó chắc chắn là người cha mất tích đằng đẵng 16 năm trời của anh. Vả lại, người viết thư còn ghi rõ ràng danh tính, số điện thoại và chỉ dẫn cặn kẽ đường đi nước bước như thế nào. Anh Hồng quyết định liên hệ với ông Nguyễn Khắc Truyện, tác giả bức thư.

11 giờ 30 ngày 3.4, anh Hồng có mặt tại BVĐK Tây Ninh. Theo lời chỉ dẫn trong thư, anh đến thẳng phòng bệnh số 6, khoa Nội B. Trước mắt anh hiện ra hình ảnh một người đàn ông nhỏ thó đang nằm lặng lẽ trên giường cuối phòng. Thỉnh thoảng, từng cơn ho phát ra, người ông lại run lên bần bật. 16 năm xa cách, một khoảng thời gian đủ dài để người ta có thể quên đi một bóng hình nhưng tình phụ tử thì không! Anh Hồng run rẩy, lần bước đến bên giường, rồi bật ra tiếng kêu: “Bố! Phải bố An đây không? Ôi, đúng là bố rồi…”.

Sụt sùi trong nước mắt kể chuyện với phóng viên, ông Vũ Công An vẫn còn xúc động vì cuộc gặp bất ngờ với con trai. Tôi hỏi ông vì sao ngày ấy lại ra đi? Ông bảo có nhiều lý do lắm, không tiện nói ra nhưng quả thật bản thân ông không ngờ rằng mình lại phiêu bạt tận miền Nam, xa cách gia đình đến cả 16 năm trời. Ông nói, ngày đi, ông chỉ đạp chiếc xe đạp và đem theo 2 bộ quần áo. Lần mò theo xe đến tận TP.HCM, rồi trôi dạt lên Tây Ninh, ông kiếm sống bằng cách bán vé số dạo, cuộc sống đủ cái ăn nhưng nỗi nhớ gia đình lại cồn cào ruột gan ông từng ngày. “Nhớ, nhưng biết lấy gì về quê đây cháu? Thôi thì phó mặc số mình cho ông trời…”- ông An bảo.

Tình người nhân hậu

Nhiều người thấy ông già lụm cụm phải buôn bán khổ cực, bèn đưa ông vào trại dưỡng lão. Ông An không nhớ được tên trại nhưng theo lời kể, chúng tôi đoán là trại dưỡng lão thánh thất xã Trường Tây (Hoà Thành). Được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được chăm sóc chu đáo cơm nước hằng ngày nên ông An cũng nhẹ lòng phần nào. Thế nhưng, tuổi già bệnh tật triền miên, đến khi nằm viện, ông tủi thân bật khóc. Người ta xung quanh có con cháu thăm nom, ông thì lủi thủi một mình. “Thấy tôi buồn, một người nằm giường bệnh kề bên hỏi thăm. Tôi khóc, người ấy nói sẽ giúp tôi tìm lại gia đình mình. Tôi không tin vào điều đó, nhưng cũng nói địa chỉ cho người ta”- ông An kể. “Mà bác ấy tốt thật cháu ạ! Mới nói với bác ấy chỉ dăm ba hôm thế mà hôm nay tôi được gặp con trai của mình tại đây. Ơn này, tôi nhớ suốt đời”-giọng ông An nghẹn ngào chia sẻ.

Bệnh tình ông An đã thuyên giảm rất nhiều. Hôm chúng tôi vào thăm, anh Vũ Công Hồng bảo, có lẽ chỉ vài ba hôm nữa là anh làm thủ tục cho bố anh xuất viện, hai cha con sẽ về Bắc Ninh ngay lập tức. Mẹ anh ngày nào cũng gọi điện vào thăm hỏi, bà đang trông ngóng từng giờ chờ đón người chồng thất lạc hơn mười mấy năm trời. Khi tôi hỏi về ông Truyện, người viết lá thư làm nhịp cầu cho cha con họ gặp nhau, thì anh Hồng bảo: bác Truyện có vào bệnh viện thăm ông An hôm trước, hôm nay thì không thấy. Tôi có gọi đến số điện thoại mà ông Truyện đã cho anh Hồng nhưng dường như chưa có duyên gặp mặt. Chỉ biết về ông qua lá thư anh Hồng đang nắm giữ: “Tôi là Nguyễn Khắc Truyện, đã hơn 70 tuổi. Tôi ngụ tại đường 3.2, khu phố 2, phường 3, thị xã Tây Ninh. Tôi viết lá thư này gửi đến gia đình, chỉ vì muốn tìm giúp người em tôi vừa quen trong bệnh viện người thân của chú ấy. Xin gia đình đừng nghĩ ngợi gì, tôi là người tu tại gia, không nói dối gia đình đâu. Nếu cần tôi giúp gì, xin gia đình đừng ngại…”.

Anh Hồng bảo, Bắc Ninh là nơi bố anh được sinh ra và lớn lên, còn từ nay Tây Ninh sẽ là quê hương thứ hai của ông cụ, bởi ở đây có những con người tốt bụng, thật thà, sẵn sàng giúp đỡ những người gặp cảnh không may mắn như bố anh. Qua báo chí, anh Hồng muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến những người tốt trong trại dưỡng lão ở huyện Hoà Thành, tập thể y bác sĩ BVĐK Tây Ninh đã tận tình chăm sóc bố anh khi ông ốm đau, không nơi nương tựa, đặc biệt, anh chân thành cảm ơn ông Nguyễn Khắc Truyện, người đã giúp anh tìm lại được tông tích người cha thân thương. Lá thư ông Truyện gửi, anh xem như vật kỷ niệm thiêng liêng của gia đình mình. 

Yên Khuê