BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyển mục đích sử dụng đất ở khu vực nông thôn: Nhiều vấn đề cần quan tâm 

Cập nhật ngày: 04/01/2021 - 00:59

BTN - Theo HÐND tỉnh, qua khảo sát một số địa phương, công tác triển khai pháp luật đất đai chưa đầy đủ, dẫn đến cán bộ, công chức cấp huyện, xã chưa nắm và hiểu đúng quy định. Cụ thể là về việc thực hiện đăng ký biến động đất đai, việc chuyển đổi đất nông nghiệp khác, việc cho các hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn ký cam kết khi xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp.

Ðoàn giám sát của Thường trực HÐND tỉnh khảo sát tình hình thực hiện công tác quản lý Nhà nước về đất đai tại thị xã Trảng Bàng.

Theo báo cáo kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất tỉnh Tây Ninh năm 2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), toàn tỉnh có khoảng 6.567 ha đất đang sử dụng khác với hồ sơ địa chính, trong đó chủ yếu thuộc đối tượng hộ gia đình, cá nhân.

Nguyên nhân chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp, người sử dụng đất thường chạy theo xu hướng của thị trường nên tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trong đất nông nghiệp, mà không đăng ký hoặc xin phép với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Ở một số nơi, do trước đây việc quản lý đất đai chưa chặt chẽ, nên người sử dụng đất tự ý xây cất nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Mặt khác, một số trường hợp đã được đo đạc, thành lập hồ sơ địa chính từ rất lâu, đến nay thực tế sử dụng biến động rất nhiều về loại đất so với thời điểm đo đạc, lập bản đồ địa chính… Do vậy, rất cần có cơ chế, quy định pháp luật và hướng dẫn của Bộ TN&MT để có thể đồng bộ hồ sơ địa chính và hiện trạng người dân đang sử dụng đất.

Ông Phạm Thành Thuế- Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu cho biết, việc chuyển từ đất lúa sang đất ở nông thôn gắn với tốc độ phát triển và nhu cầu của người dân- nhất là về đất ở. Qua kiểm tra, trên địa bàn có một số trường hợp xây nhà không phù hợp với quy hoạch đất ở, cũng có trường hợp phù hợp quy hoạch đất ở nhưng người dân không chuyển mục đích sử dụng đất. Tình trạng trên chủ yếu xảy ra ở ven các đường giao thông chính, khu vực đất lúa nằm xen kẽ trong khu dân cư.

Trong thời gian tới, xã sẽ tăng cường quản lý, nắm bắt thông tin thông qua ấp, ban, ngành, đoàn thể nhằm kiểm tra, phát hiện kịp thời trường hợp vi phạm để hướng dẫn người dân thực hiện việc sử dụng đất đúng quy định.

Bên cạnh đó, địa phương sẽ đề xuất UBND cấp huyện đưa vào quy hoạch đất ở đối với những diện tích đất lúa nằm xen kẽ trong khu dân cư trong việc lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, trong đó, có kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu 2021-2025.

Vừa qua, đoàn giám sát của Thường trực HÐND tỉnh khảo sát tình hình thực hiện công tác quản lý Nhà nước về đất đai ở một số địa phương trên địa bàn, trong đó có thị xã Trảng Bàng. Tại buổi làm việc, ông Phan Văn Tấn- Phó Chủ tịch UBND phường Gia Lộc cho biết, hiện nay, nhiều người dân có nhu cầu xây dựng nhà ở nhưng khi đi xin chuyển mục đích sử dụng đất, vì lý do không phù hợp với quy hoạch nên không thể chuyển.

Theo bà Trần Nguyễn Thị Linh- Chủ tịch UBND phường Lộc Hưng, hiện nay, người dân có nhu cầu xây cất nhà trên đất lúa, xuất phát từ thực tế khi con cái ra riêng, lập gia đình. Tuy nhiên, căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối 2015-2020, có một số vị trí chưa phù hợp nên chưa thể chuyển mục đích sử dụng đất.

Phường đã ghi nhận và dự kiến trong kế hoạch cũng như quy hoạch kỳ tới sẽ đưa những tuyến trục chính, những tuyến mà người dân có nhu cầu cao vào kế hoạch sử dụng đất để làm cơ sở, tạo điều kiện cho người dân chuyển mục đích sử dụng đất.

Theo Sở TN&MT, đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật, kiến nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết dứt điểm, bảo đảm đúng định hướng quy hoạch chung của địa phương; nếu phù hợp, đề nghị địa phương thông báo cho chủ sử dụng chuyển mục đích cho phù hợp với thực trạng.

Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Trảng Bàng, quy định chuyển mục đích sử dụng đất là phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hằng năm và căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất của Trảng Bàng (quy hoạch này được duyệt vào năm 2013).

Tuy nhiên, công tác quy hoạch kế hoạch sử dụng đất chưa được điều chỉnh kịp thời theo tình hình phát triển KT-XH của địa phương- nhất là sau khi Trảng Bàng đạt đô thị loại IV và được công nhận thị xã. Do đó, trên bản đồ quy hoạch, một số diện tích đất nông nghiệp còn xen lẫn, “da beo” trong khu dân cư.

Ông Nguyễn Văn Lam- Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng cho biết, trong khu dân cư hiện hữu, một số người dân có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất, về mặt quy hoạch, kế hoạch chưa phù hợp thì tới đây sẽ điều chỉnh cho phù hợp rồi mới cho chuyển.

Theo HÐND tỉnh, qua khảo sát một số địa phương, công tác triển khai pháp luật đất đai chưa đầy đủ, dẫn đến cán bộ, công chức cấp huyện, xã chưa nắm và hiểu đúng quy định. Cụ thể là về việc thực hiện đăng ký biến động đất đai, việc chuyển đổi đất nông nghiệp khác, việc cho các hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn ký cam kết khi xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp.

HÐND tỉnh kiến nghị với UBND tỉnh, năm 2020 là năm cuối của kỳ quy hoạch sử dụng đất, cần có sự rà soát, đánh giá toàn diện, cụ thể kết quả thực hiện trong cả giai đoạn 2011-2020, để làm cơ sở cho việc lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021 cấp huyện, bảo đảm khắc phục những hạn chế, bất cập trong kỳ quy hoạch trước. Ðồng thời, chú trọng việc tích hợp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch và giữa quy hoạch của các ngành, lĩnh vực trong quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030.

Cần có quan điểm chỉ đạo, thống nhất về một số vấn đề như việc xử lý các trường hợp xây dựng công trình nhà ở trên đất nông nghiệp (đặc biệt đối với trường hợp các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã cho ký cam kết); việc hiểu về giao chỉ tiêu và thực hiện chỉ tiêu sử dụng đất được giao trong kỳ quy hoạch và xây dựng kế hoạch sử dụng đất hằng năm cho phù hợp, đúng quy định.

Giang Hà

Theo HÐND tỉnh, một thực trạng cần quan tâm là trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện là đất trồng lúa nhưng ở khu vực đó, người dân xây dựng nhà ở kiên cố hoặc trồng cây lâu năm từ lâu; có nơi còn tình trạng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng lúa, thực tế nơi đó đã là nhà ở, là khu đông dân cư, là đất gò hoàn toàn không thể trồng lúa, nhưng quy hoạch vẫn là đất lúa.

Ðây là việc bất hợp lý diễn ra ở không ít nơi và đã được phát hiện, nhưng quá trình rà soát, điều chỉnh lại cho đúng hiện trạng đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chậm, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý sử dụng đất, cũng như việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về chuyển mục đích sử dụng đất của người dân.