Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyện người trẻ về quê lập nghiệp
Thứ tư: 18:22 ngày 11/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có không ít trường hợp người trẻ được học hành và có cơ hội thành đạt nơi xứ người vẫn quyết định trở về làm giàu trên chính quê hương mình.

Anh Võ Nguyên Vũ cùng sản phẩm nước cốt dâu, rượu dâu được anh dùng trái dâu tằm của chính vườn nhà chế biến.

Không ít người trẻ, sau khi tốt nghiệp đại học, quyết bám trụ Thành phố Hồ Chí Minh để lập nghiệp, không muốn trở về nơi chôn nhau cắt rốn- một tỉnh lẻ vốn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp người trẻ được học hành và có cơ hội thành đạt nơi xứ người vẫn quyết định trở về làm giàu trên chính quê hương mình.

Phát huy sức trẻ

Thời gian gần đây, mô hình du lịch tham quan và thưởng thức các loại trái cây vườn trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách, đồng thời mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân. Trong đó, vườn dâu 7 Săng Farm tại ấp Tân Định 1, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu là một trong những địa điểm được nhiều người biết đến.

Chủ vườn dâu tằm này là anh Võ Nguyên Vũ, sinh năm 1987, tốt nghiệp đại học vào năm 2010, có công việc ổn định với mức thu nhập khá ở TP. Hồ Chí Minh nhưng vẫn kiên quyết về quê khởi sự kinh doanh.

Anh Vũ cho biết, sau gần 10 năm bôn ba, đến năm 2019, anh quyết định về quê. Ban đầu, anh Vũ đầu tư trồng hơn 300 gốc dâu tằm trên mảnh vườn khoảng 1 ha đất của gia đình. Ngoài các giống dâu truyền thống của Đà Lạt, anh Vũ còn sưu tầm, đưa về trồng thêm nhiều giống dâu tằm có nguồn gốc từ các tỉnh phía Bắc và giống dâu ngọt của Đài Loan. Sau 1 năm chăm sóc, anh Vũ bắt đầu thu hoạch đợt đầu tiên.

Ngoài cách để dâu tằm ra trái tự nhiên theo mùa, anh Vũ tìm hiểu và xử lý để cây dâu tằm ra trái quanh năm, bằng cách sau mỗi đợt thu hoạch, anh cắt tỉa bớt cành và lặt bỏ hết lá trên cây tương tự như cách tỉa cành lá ở cây mãng cầu.

Sau khi cây đâm chồi mới và ra lá non cũng là lúc những cuống hoa bung ra theo. Cứ như vậy, hiện nay vườn dâu của anh Vũ cho trái quanh năm. Mỗi đợt, trung bình một cây dâu tằm cho thu hoạch từ 10kg đến 20kg dâu tươi.

Tuy nhiên, để bán trái dâu tằm như những loại nông sản khác sẽ rất khó khăn, do đó, anh mày mò chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau như: nước cốt dâu, rượu dâu, sữa chua dâu để phục vụ cho những ai có nhu cầu. Đồng thời, biến vườn dâu trở thành mô hình du lịch sinh thái, để thu hút du khách đến tham quan, thưởng thức những trái dâu tươi ngon ngay tại vườn.

Sau hơn 3 năm, trải qua nhiều khó khăn, anh Vũ cho rằng, để làm nông nghiệp đòi hỏi phải có niềm đam mê rất lớn, việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp không hề đơn giản như những gì mà nhiều bạn trẻ suy nghĩ.

Về quê, ngoài niềm đam mê, cần phải thật sự kiên trì, nỗ lực, vượt khó không ngừng nghỉ. Theo anh Vũ, ngoài việc tận dụng những lợi thế của địa phương để đầu tư, các bạn trẻ cần phát huy tính sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp, không thể làm theo lối mòn. Nông sản làm ra phải là sản phẩm sạch, tích cực quảng bá bằng nhiều hình thức khác nhau để nhiều người biết đến.

Với mong muốn tạo ra những sản phẩm mang tính đặc trưng của quê hương, anh Vũ cho biết, hiện anh thực hiện các trình tự thủ tục để đăng ký thương hiệu vườn dâu “7 Săng” với các sản phẩm đạt chuẩn organic, vì sức khoẻ cộng đồng như nước cốt dâu tằm, rượu dâu tằm…

Đồng thời, anh đang triển khai trồng mới thêm 1 ha dâu tằm tại ấp Bình Lương, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành và bắt đầu liên kết với một số hộ nông dân để tạo vùng nguyên liệu, tiến tới xây dựng thương hiệu đặc sản dâu tằm Tây Ninh.

Giúp thanh niên tiếp cận chính sách để khởi nghiệp

Đánh giá về mô hình, anh Trần Vũ Tân- Bí thư Xã đoàn Suối Đá cho biết, mô hình ẩm thực gắn với vườn trái cây “7 Săng farm” của anh Võ Nguyên Vũ là mô hình khởi nghiệp thành công nhất của đoàn viên thanh niên xã, bước đầu mang lại hiệu quả, thu hút được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh.

Để tạo điều kiện cho những đối tượng là thanh niên về quê hương lập nghiệp, khởi nghiệp, thời gian qua, Xã đoàn phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện để các bạn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, với lãi suất thấp. Xã đoàn cũng đang xây dựng đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp từ nguồn vốn của UBND huyện Dương Minh Châu để hỗ trợ các đối tượng thanh niên phát triển kinh tế.

Anh Trần Đăng Tiến- Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, mong muốn có việc làm ổn định ngay trên quê hương của mình là một ước vọng chính đáng của rất nhiều bạn trẻ. Lập thân, lập nghiệp là một trong những phong trào thiết thực được thanh niên trong tỉnh thực hiện sôi nổi với nhiều mô hình làm ăn mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Công tác hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng luôn được các cấp bộ Đoàn triển khai, phối hợp bằng các hoạt động thiết thực. Trong đó, từ năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã thành lập nguồn vốn “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” từ nguồn tài chính của Tỉnh đoàn, với số tiền khoảng 2,7 tỷ đồng. Đến nay, Tỉnh đoàn đã trao 1,3 tỷ đồng vốn khởi nghiệp cho 12 dự án (đã thu hồi vốn được 235 triệu đồng).

Để cổ vũ, động viên, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên, động lực mạnh mẽ để các thành phần thanh niên khác nhau ra sức sáng tạo khởi nghiệp, trong giai đoạn 2022-2027, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục triển khai chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp" nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trong tìm kiếm thông tin về các nguồn đầu tư, chương trình và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là thông tin về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho khởi nghiệp.

Trang bị kiến thức nâng cao trình độ, trang bị các kỹ năng cần thiết, nâng cao năng lực khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên. Đồng thời, thành lập Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp trên Zalo, quy tụ các bạn trẻ đã khởi nghiệp thành công và các chuyên gia về kinh tế, luật sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ để các bạn thanh niên được tham quan, giao lưu, học tập kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, hoạt động hiệu quả.

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục