Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyện người trồng bưởi da xanh
Thứ sáu: 17:08 ngày 06/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngước nhìn những quả bưởi to xanh đầy trên cành, nửa đùa, nửa thật, tôi hỏi: “Nghe nói trồng bưởi da xanh, giờ kiếm tiền tỷ có không anh?”.

Ông Lộc (thứ 2 từ trái qua) chỉ cách phân biệt độ chín của bưởi da xanh.

Ông Phước Lộc- chủ vườn bưởi da xanh lớn nhất nhì ở xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu đáp nhanh: “Có chứ!”. Rồi ông tính: “Mười mẫu đất này tôi trồng 5.000 gốc bưởi. Bình quân mỗi gốc tôi hái 20 trái. Mỗi trái nặng 1,5kg thôi, giá bán tại vườn thời điểm này bét lắm cũng 15.000 đồng/kg. Tính ra có phải đã hơn hai tỷ không”.

Ông cười kha khả, đặc sệt tính cách nông dân Nam bộ phóng khoáng, thật thà, ruột để ngoài da. Nhưng ông cũng chân tình khuyến cáo: “Những ai có ý định đầu tư trồng bưởi da xanh cũng nên tính toán cẩn thận, tìm hiểu kỹ càng. Đừng thấy tôi tính như vậy, tưởng dễ ăn mà nhào vô. Không ít người, sau vài năm đầu tư cho cây bưởi giờ bán luôn đất trồng mà vẫn không đủ trả nợ ngân hàng…”.

Ông Lộc cho biết vườn bưởi ông trồng đã được 8 năm. Năm 1991, ông mua lại 25 ha đất rừng da beo bạc màu ở huyện Dương Minh Châu để khai phá và trồng cao su. Đến khi cao su tuột giá và không còn khả năng thu lợi tốt so với chi phí đầu tư, ông chặt bỏ gần 10 ha, chuyển sang trồng sầu riêng, nhưng lại bị đuông dừa phá mà không cách gì trị được. Năm 2015, ông phá bỏ vườn sầu riêng chuyển sang đầu tư trồng bưởi da xanh ruột đỏ cho tới bây giờ.

“Tại sao lại chọn bưởi để đầu tư mà không phải chọn một loại cây nào khác?”- tôi thắc mắc. Ông nói: “Không chỉ vì đây là một loại trái cây đặc sản cực tốt cho sức khoẻ với nhiều công dụng khác nhau đã được khoa học chứng minh và đang rất được ưa chuộng trong và ngoài nước, mà còn vì nghĩ là trồng… dễ.

Tôi thấy người ta trồng một, hai cây, chỉ bón phân bò hoặc tấp rác vào gốc mà vẫn có trái quanh năm. Một lý do quan trọng nữa, bưởi là loại cây thu hoạch ít lệ thuộc vào thời điểm chín. Người trồng có thể kéo dài thời gian nuôi trái trên cây được mà không phải lo “deadline” thu hoạch như mãng cầu, xoài…

Tỷ như gặp thời giá rất thấp như hiện nay, chủ vườn có thể neo trái lại trên cây thêm hai mươi ngày hoặc lâu hơn chút cũng không phải lo trái chín thối, hư, rụng… Cuối cùng, cây giống trồng là do người nhà cung cấp nên tôi không sợ lai tạp về chất lượng. Nghĩ là vậy, nhưng giờ đụng vô mới biết trồng bưởi cũng… nhá lửa chứ không phải giỡn chơi. Mệt từ khâu chăm sóc, bón phân đến việc mua bán”.

Ông Lộc thò tay cắt một quả bưởi da xanh căng da trên cành rồi đưa lưỡi dao rạch nhẹ mấy đường dọc thân. Nhìn ông tách vỏ khỏi ruột một cách thuần thục, nhanh gọn mà không múi bưởi nào bị giập, tôi biết đó chỉ có thể là bàn tay của một người lột bưởi thuộc hàng “nghệ nhân” chứ chẳng vừa.

Bàn tay ấy còn làm cho những túi tinh dầu li ti từ vỏ bưởi xanh tươi toả ra một mùi thơm phảng phất, dễ chịu. Đúng là hương bưởi thơm cho lòng tôi bối rối. Một mùi hương đặc trưng mà dân văn chương đã dí dỏm diễn tả rất chi là Phan Thị Thanh Nhàn.

Quả tình, dù ông Lộc bảo chất lượng bưởi da xanh ruột trắng, ruột hồng không kém cạnh gì so với bưởi da xanh ruột đỏ, nhưng nhìn múi bưởi đỏ ao, với các tép bưởi con căng mọng nước tôi vẫn có cảm giác bưởi da xanh ruột đỏ nhà ông ngọt ngào hơn hẳn so với loại ruột trắng hoặc hồng.

Ông đưa múi bưởi vừa tách lớp vỏ lụa cho tôi xem độ mọng nước căng đầy và bảo: “Đây là bưởi có độ chín 10 tuổi. Tức là, có thể ăn liền ngày khi cắt hoặc để dành ăn trong vòng ba ngày trở lại mà không sợ mất bớt đi vị ngon.

Nếu phải di chuyển xa, thương lái có thể tính toán để cắt bưởi có độ chín sớm hơn, lúc độ chín mới 8 tuổi hoặc 9 tuổi chẳng hạn, để khi đến tay người dùng là chất lượng bưởi đảm bảo đủ độ 10, nhưng khi ấy da bưởi sẽ không còn căng đẹp như lúc mới hái”.

Nhìn vườn bưởi tràn ngập trái to xanh mơn mởn trị giá tiền tỷ, tôi nghĩ người hạnh phúc nhất bây giờ chính là ông, người cày bừa sấp mặt bảy tám năm nay, nhưng ông chùng giọng tâm sự như trách móc: “Sau 8 năm bò lên té xuống nhá lửa với năm ngàn gốc bưởi, năng suất thu hoạch năm đầu tiên như hiện tại là tôi thấy hài lòng, thấy ổn nhưng thú thật là tôi chưa dám mở rộng trồng tiếp vì đang nghẽn đầu ra, vẫn phụ thuộc vào thương lái.

Như vườn bưởi của tôi năng suất 150 tấn/vụ, mà năng lực thương lái mỗi lần mua chỉ tầm 2 tấn/lần. Đã vậy, thương lái hẹn mùng 4 lên cắt nhưng mới gọi xin dời lại ngày 13 tức là thêm 10 ngày nữa. Mà hẹn là lên xem, coi vừa ý hay không chứ đâu có nói lên cắt liền vì chưa biết bưởi lúc xem như thế nào, rồi giá cả chưa thoả thuận được làm mà sao cắt? Như vậy, biết chừng nào mới giải quyết xong một vụ bưởi của vườn tôi?”.  

  Tôi bẻ ngang múi bưởi căng tròn mọng nước đưa vô miệng. Âm thanh xịt bụp tung toé nước của những tép bưởi con màu đỏ tươi mang vị ngọt thanh đang tan đều trên đầu lưỡi. Tôi nhắm mắt lại để thưởng thức cảm giác tuyệt vời từ chất lượng của quả bưởi đầu tiên sau 8 năm chăm sóc bón phân đầy tâm huyết của ông chủ vườn.

Ông Lộc nheo mắt như chờ tôi ngấm hết “sự ngon” của quả bưởi mà ông bảo năm sau chắn chắn sẽ ngon hơn cả bưởi da xanh ruột hồng Bến Tre, rồi hỏi: Sao? Tôi hít thật sâu, như muốn cảm nhận thật đầy đủ cái sự ngon của bưởi, rồi chậm rãi đáp: Không ngon… mà là quá ngon! Chủ - khách nhìn nhau rồi cười muốn văng cả “bụi miệng” giữa hàng ngàn gốc bưởi xanh rì đang vào thì chín nhất của gái một con.

Ông dẫn tôi lại gốc bưởi lủng lẳng những quả bưởi to tròn đang chín ở độ 10 tuổi như cách xếp loại của ông. Rồi ông chỉ xuống gốc, nơi có hai bao phân bò còn nguyên dây cột miệng đang để sẵn, nói: “Mỗi năm tôi nhập về 10 ngàn bao như thế này để bón cho rễ bưởi dưới đất ăn. Còn thân cành lá bưởi bên trên, tôi tắm chúng bằng dược thảo hữu cơ phòng ngừa sâu bệnh do tôi tự chế từ tỏi ớt và men vi sinh”.

Theo ông Lộc, để tắm đủ theo chu kỳ đều đặn mỗi tháng một lần cho năm ngàn gốc bưởi, mỗi năm ông đã phải kéo hàng hàng tấn nguyên liệu tỏi ớt về để chế biến sinh phẩm hữu cơ phòng ngừa sâu bệnh chứa đầy trong 140 thùng loại 160 lít sử dụng dần từng đợt.

Chỉ sử dụng phân bò để bón cho cây và trừ sâu rầy bằng sinh phẩm tự chế từ thiên nhiên, ông tuyên bố bưởi vườn ông bảo đảm đúng chuẩn hữu cơ một trăm phần trăm.

Ông với tay, kéo xuống một quả bưởi căng da xanh bóng to như cái đầu đang còn lủng lẳng trên cành rồi vào chỉ vào phần cuống: Bưởi hữu cơ cuống nhìn rất khoẻ mạnh, chắc chắn. Điện thoại trong túi quần ông chợt reo.

Nghe xong ông cười hề hề: “Là cuộc gọi hẹn gặp để hướng dẫn thủ tục đăng ký mã số vùng trồng (Production Unit Code - PUC) của anh Châu- cán bộ trạm bảo vệ thực vật trên huyện”.

Tôi rất ngạc nhiên về việc làm này của người nông dân có tố chất rặc ri Nam bộ như ông. Lão nông U70 này khiến tôi thêm bất ngờ. Ông cũng xài điện thoại thông minh, cũng on-lai (online) nhập hội bưởi da xanh, cũng chat chit dza-lô (Zalo) với thương lái, cũng quẹt Gúc-gồ (google) tra cứu, cập nhật thông tin mỗi ngày… Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng và đó là một trong những tiêu chí đầu tiên để nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Các nước nhập khẩu nông sản từ các vùng trồng đã được cấp mã số, có thể sang Việt Nam để kiểm tra đột xuất bất kỳ lúc nào về tình hình sản xuất, việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng sản phẩm…

Ông cười một cách rất lạc quan: “Bưởi đẹp, ngon, chất lượng an toàn mà đầu ra trong nước tiêu thụ không hết. Xong cái PUC này, bưởi da xanh ruột hồng xứ Suối Đá này tôi cho bay luôn sang Mỹ, Úc…”.

PN. Nguyễn Thiện

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục