BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện những cây cổ thụ ở Bến Miễu

Cập nhật ngày: 31/05/2011 - 01:19

Ở ấp Cây Nính, xã Phước Trạch (Gò Dầu) có một địa danh đã có từ hàng trăm năm nay, đó là Bến Miễu. Sở dĩ có tên gọi đó là vì ở đây – tại bến sông Vàm Cỏ Đông này có một ngôi miếu (còn gọi miễu) nhỏ thờ bà Chúa Xứ. Miếu được xây dựng trên một gò cao, xung quanh có nhiều cây rừng to.

Qua bao lần trùng tu tôn tạo, ngày nay ngôi miếu tuy nhỏ nhưng khang trang, xinh xắn với mái ngói đỏ, tường sơn vàng được đặt trên bốn trụ xi măng cao khỏi mặt đất hơn năm tấc. Sân trước và sân sau miếu đều được lát gạch tàu. Anh Lý Văn Tưởng, chủ phần đất có ngôi miếu cho biết, anh không biết chính xác ngôi miếu có tự bao giờ, chỉ biết là đã ngoài trăm năm nay. Nó đã có từ thời ông nội anh mới đến đây lập nghiệp. Cha truyền con nối, giờ đây đến lượt anh hằng ngày giữ gìn, hương khói cho ngôi miếu. Cứ ba năm đáo lệ gia đình anh tổ chức cúng miếu một lần, có mời bà con xung quanh đến dự. Hằng năm, đến ngày cúng đình Phước Trạch, ban quý tế đình thần lại đến thắp nhang thỉnh Bà về dự cúng đình. Cúng đình xong lại đưa Bà về miếu an vị.

Điều đáng quan tâm là phía trước ngôi miếu, nằm cặp bờ sông có khá nhiều cây rừng mọc tự nhiên như xăng máu, dầu, mây... Đặc biệt có 4 cây cổ thụ cao to gồm một cây gõ và 3 cây dầu. Cây gõ nằm sát mé sông. Cách đây vài năm, do gió to nó bị gãy hết một nhánh. Anh Tưởng bán nhánh gãy này được 8 triệu đồng. Hiện nay cây gõ đang nghiêng ra hướng dòng sông. Phía bên trong vài mét là ba cây dầu. Ba cây dầu có kích cỡ khác nhau có lẽ do niên đại khác nhau. Trong đó có một cây rất to, suôn ống, vươn cao lên trời. Hai cây còn lại nhỏ hơn, nhưng cũng to và rất suôn. Anh Tưởng không biết mấy cây cổ thụ này có từ bao giờ. Chỉ nghe kể lại là từ khi ông nội anh đến đây lập nghiệp là đã thấy có chúng rồi, nên ước đoán độ tuổi của nó chừng ngoài 200 năm. Trước đây đã có người đến hỏi mua 4 cây cổ thụ này nhưng gia đình anh Tưởng nhất định không bán. Anh tâm sự: “Tôi muốn giữ gìn di tích của ông bà. Chớ bán lấy tiền được bao nhiêu rồi cũng xài hết, mà di tích không còn”.

Mới đây, do tác động của việc xâm hại môi trường (theo gia đình anh Tưởng và bà con khu vực Bến Miễu là do người ta khai thác cát dưới lòng sông quá mức) một phần đất cặp mé sông của gia đình anh Tưởng đã sạt lở xuống sông, kéo theo nhiều cây cối mọc trên đó (gồm một số cây dầu nhỏ và cây xăng máu…). May là phần đất liền kề có 4 cây cổ thụ nói trên chưa bị sạt lở. Nhưng nếu việc xâm hại dòng sông cứ tiếp tục, mà không có biện pháp bảo vệ, thì phần đất có những cây cổ thụ và ngôi miếu bà Chúa Xứ cũng khó tồn tại.

Đây chính là dấu tích còn lại của người xưa thời khai hoang mở đất, nếu vì lý do nào đó mà bị “xoá sổ” cũng là điều rất đáng tiếc. Anh Tưởng rất mong các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng có biện pháp tích cực để chống sạt lở, kịp thời bảo vệ bờ sông ở khu vực Bến Miễu, trong đó có phần đất của gia đình anh với những cây cổ thụ và ngôi miếu nói trên.

N.H