Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyện những người lính đi tìm hài cốt liệt sĩ
Thứ sáu: 12:00 ngày 26/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Khi có thông tin mộ, việc phải dậy từ 2-3 giờ sáng, ăn vội vàng bát cơm để lên đường và kết thúc công việc tầm 2-3 giờ sáng hôm sau là hết sức bình thường. Thậm chí, có những điểm xa, chúng tôi phải mắc võng ngủ lại giữa rừng để kịp hôm sau làm nhiệm vụ”- Thiếu tá Tâm kể lại.

Thiếu tá Bùi Văn Tâm đưa hài cốt các liệt sĩ vừa được quy tập trong mùa khô 2018-2019 về phòng Khánh tiết của Đội.

“Nhiều hôm may mắn có thông tin chính xác, anh em tìm được những phần mộ liệt sĩ. Nhưng cũng có lúc mất nhiều ngày đào, tìm kiếm mà không thấy mộ, trong thâm tâm anh em luôn cảm thấy có cái gì đó bồn chồn, chưa yên lòng”. Đó là một chút chia sẻ về công việc của những người lính đi tìm hài cốt liệt sĩ - Đội K71, Bộ CHQS tỉnh. 

Chính vì lẽ đó, mà suốt 18 năm qua, cứ đến mùa khô, cán bộ, chiến sĩ Đội K71 lại lên đường. Các anh lần theo từng chút thông tin ít ỏi về nơi các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để tìm kiếm và đưa hài cốt về với đất mẹ quê hương. 

Dãi nắng dầm sương trên nước bạn

Đội K71 được thành lập năm 2001. Thiếu tá Bùi Văn Tâm - người đã tham gia hầu hết các chuyến quy tập tại Campuchia cho biết: "Thời điểm đó, hầu hết các vùng đất Campuchia còn rừng rậm, đường đi lại giữa tỉnh Tây Ninh và các tỉnh Kampong Cham, Siem Reap, Banteay Meanchey… còn vô vàn khó khăn. Mỗi lần qua làm nhiệm vụ, chúng tôi phải ngủ tạm trên võng, ghế xếp trong các tiểu khu quân sự của Campuchia. Đường đi cũng hết sức gian nan vì toàn đường đất mấp mô, lầy lội về mùa mưa, bụi mù trời vào mùa khô, phương tiện di chuyển là xe tải. Có những đoạn chỉ hơn 20km nhưng phải đi mất cả buổi". 

“Khi có thông tin mộ, việc phải dậy từ 2-3 giờ sáng, ăn vội vàng bát cơm để lên đường và kết thúc công việc tầm 2-3 giờ sáng hôm sau là hết sức bình thường. Thậm chí, có những điểm xa, chúng tôi phải mắc võng ngủ lại giữa rừng để kịp hôm sau làm nhiệm vụ”- Thiếu tá Tâm kể lại.  

Vào năm 2002, trong một lần tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ tại huyện Trảng Bàng, một thành viên trong Đội thử dùng một cây sắt để dọi xuống đất, hy vọng tìm được những phần mộ nằm sâu bên dưới. Và đúng như các anh nghĩ, khi rút cây sắt lên, dính theo mảnh tăng được dùng liệm người đã mất. Ngay sau đó, đơn vị đã đặt làm 30 cây xom với phần mũi có ngạnh nhỏ để tiện cho việc phát hiện hài cốt.

“Cây xom chỉ phát huy tác dụng ở các vùng đất mềm, nếu có hài cốt bên dưới sẽ rất dễ phát hiện. Sau khi có cây xom, ngay đợt đó, chúng tôi đã tìm thấy hơn 100 hài cốt liệt sĩ. Từ đó, việc tìm kiếm hiệu quả hơn, chính xác và nhanh hơn trước rất nhiều”- Thiếu tá Bùi Văn Tâm cho biết. 

Không chỉ gặp khó khăn vì thiếu thốn, vì thời tiết khắc nghiệt, Đội K71 còn bị nhiễu loạn thông tin do “nhà ngoại cảm”. Thời điểm 2010-2011, cả nước rộ lên phong trào tìm mộ liệt sĩ thông qua nhà ngoại cảm. Nhiều gia đình phía Bắc đã tốn hàng trăm triệu đồng để đưa "nhà ngoại cảm" đi tìm mộ liệt sĩ ở các tỉnh phía Nam, thậm chí sang tận Campuchia. Theo lời kể của các anh em trong Đội, có trường hợp “nhà ngoại cảm” đi theo cùng đoàn sang Campuchia.

Khi vào rừng, đang đi, họ giả vờ “lên đồng” rồi ngã lăn ra cạnh gốc cây rừng to gần trăm năm tuổi, khẳng định có người được chôn bên dưới. Hoặc giữa trưa nắng, họ để quả trứng gà thẳng đứng tại một vị trí nào đó và cho rằng, nơi đó có người hy sinh. Với những trường hợp đó, các anh phải nghĩ cách để “lật tẩy” họ, như hô to có con sâu đang bò khiến nhà ngoại cảm dù đang “lên đồng” cũng phải bật dậy ngay, hay chuyện quả trứng để đứng giữa trưa nắng, anh em cũng làm được để cho thấy, “nhà ngoại cảm” hoàn toàn không có cơ sở. 

“Khoảng thời gian đó, có rất nhiều "nhà ngoại cảm" đi theo đoàn, và những thông tin họ đưa ra hầu như không chính xác. Cụ thể, chúng tôi đã gửi đi 200 mẫu sinh phẩm do “nhà ngoại cảm” chỉ cho gia đình cất bốc ra Hà Nội để xác định ADN, thì chỉ có 1 trường hợp là xương người, còn lại hoàn toàn là xương động vật”- Thiếu tá Bùi Văn Tâm cho biết. 

Với các chiến sĩ trẻ, để có thể thành thạo, làm tốt công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt các anh hùng liệt sĩ, trước khi tham gia, họ đều được các cán bộ, chỉ huy hướng dẫn cách sử dụng các dụng cụ, phương tiện để tìm kiếm hài cốt.

Chiến sĩ Lưu Tuấn Anh lần đầu tiên tham gia quy tập hài cốt trong 4 tháng từ 24.2 đến 30.6.2019 cho biết, trong ngày đầu đến Campuchia, khi được sự hỗ trợ của người dân phía nước bạn, đơn vị đã tìm được một hài cốt. “Khí hậu bên đó khắc nghiệt hơn Việt Nam mình, nhất là vào mùa khô, trời rất nóng. Nhưng, đã xác định làm nhiệm vụ cho Tổ quốc, bản thân tôi và các đồng đội đều không nghĩ đến khó khăn mà chỉ mong sao tìm được các chú, các bác để đưa về an nghỉ trên quê hương của mình”, chiến sĩ Lưu Tuấn Anh bộc bạch. 

Luôn dựa vào dân   

Trải qua 18 đợt quy tập hài cốt liệt sĩ, với cán bộ chiến sĩ Đội K71, nguồn tin từ nhân chứng lịch sử, đặc biệt là từ người dân địa phương luôn có vai trò quyết định đến sự thành công của mỗi đợt tìm kiếm. Có những chuyến tìm kiếm tưởng như rơi vào vô vọng nhưng tình cờ may mắn gặp đúng người biết chính xác thông tin, Đội đã quy tập được hài cốt liệt sĩ. Chính vì vậy, những người lính K71 dù ở nơi đâu cũng luôn giữ mối liên hệ, sự đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhân dân, chính quyền địa phương nơi đến- nhất là đợt công tác dài ngày ở Campuchia.

Các anh chia sẻ, không phải ngay từ đầu, nhân dân nước bạn đã đồng thuận giúp đỡ mình. Nhất là thời điểm năm 2001 - khi Đội mới triển khai lực lượng tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Có những nơi khi thấy bộ đội Việt Nam đến, người dân tìm cách gây khó dễ vì họ sợ đào mất đất mang đi, họ cũng chưa hiểu được công việc các anh làm. Hay cũng có những người dân dù biết có hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam ở ngay trong vườn nhà, dưới chân cầu thang gia đình họ nhưng không báo. Bởi vì họ sợ đào hư hỏng vườn cây hoặc cho rằng nhờ có "hương hồn" bộ đội Việt Nam phù hộ nên gia đình họ mới làm ăn khấm khá... 

Một kỷ niệm rất đáng nhớ của Đội K71 đó là năm 2015, đơn vị mất nhiều ngày để vận động một chủ vườn tiêu ở xã Chhngar Kaeut, huyện Memot, tỉnh Tboung Khmum cho Đội quy tập hài cốt liệt sĩ. Khu đất này rộng khoảng 2.000m2, trước đây là nơi an táng liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam. Chủ vườn sợ bộ đội Việt Nam đào làm hỏng vườn tiêu nên kiên quyết không đồng ý. Đơn vị đã phải nhờ chính quyền địa phương tác động và cam kết với chủ vườn là việc đào không ảnh hưởng đến nọc tiêu, mãi sau họ mới đồng ý.

Đội K71 đã sử dụng xom sắt thăm dò từng vị trí có hài cốt rồi cẩn thận đào theo kiểu khoét hàm ếch để không ảnh hưởng đến rễ tiêu. Tại vị trí này, Đội đã cất bốc được hơn 20 hài cốt liệt sĩ của Trung đoàn 209, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4. Hoàn thành công việc, đơn vị cho kiểm tra lại toàn bộ vườn và giữ đúng cam kết ban đầu không hư hỏng vườn tiêu. Đơn vị cũng đã mua phân bón, cho gia đình người dân đó. 

Đến địa phương nào, Đội K71 cũng kết hợp giúp dân sản xuất, tu sửa nhà cửa, các điểm văn hoá công cộng, tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí. Các dịp lễ tết truyền thống của nước bạn, Đội đều phối hợp với chính quyền địa phương để giao lưu, từng bước gây dựng được tình cảm đoàn kết tốt đẹp với người dân Campuchia. Cũng nhờ đó, người dân Campuchia dần có cảm tình, tích cực giúp đỡ bộ đội Việt Nam tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Thiếu tá Bùi Văn Tâm nhớ lại: “Có đợt, tại tỉnh Siem Reap, đơn vị được thông tin có 5 hài cốt tại một khu vực, nhưng đào suốt 2 ngày liền vẫn không tìm thấy gì. Tình cờ có một cụ già đi ngang qua hỏi thăm, khi biết được đơn vị đang tìm hài cốt liệt sĩ, cụ đã nhiệt tình chỉ một ở vị trí khác cách đó khoảng 50m. Không những tìm được đúng 5 hài cốt liệt sĩ cho các gia đình đi theo đoàn mà còn tìm thêm được 2 liệt sĩ nữa”. 

Công cuộc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong tỉnh cũng tương tự, nhân dân chính là kênh thông tin quan trọng quyết định sự thành công của mỗi đợt tìm kiếm. Cách đây vài ngày, chúng tôi tìm đến gia đình ông Trần Ngọc Dũng, ấp 5 xã Suối Ngô, huyện Tân Châu. Ông Dũng cho biết, năm 2004, trong một lần đưa máy móc làm bờ bao rừng cao su, ông phát hiện có hài cốt liệt sĩ và thông báo chính quyền địa phương, Ban CHQS huyện Tân Châu.

Ngay sau đó, Đội K71 đã triển khai quy tập và mở rộng tìm kiếm các khu vực xung quanh, kết quả quy tập được 128 hài cốt liệt sĩ. Khu vực này được xác định là nơi an táng các thương binh điều trị tại khu A của Bệnh viện K71 trước đây. Không chỉ cung cấp thông tin, hỗ trợ nhiệt tình cho Đội K71 trong các đợt tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên đất của gia đình, ông Dũng còn hiến 1.000m2 đất rừng cao su của gia đình để chính quyền địa phương xây dựng bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Đáng quý hơn, hầu như năm nào ông cũng tiếp đón, dẫn các đoàn thân nhân liệt sĩ đi tìm kiếm, thắp nhang tưởng niệm.  

Ông Trần Ngọc Dũng chia sẻ: “Nếu không có những bậc tiền bối đã cống hiến, hy sinh xương máu cho Tổ quốc thì làm sao có hoà bình ngày hôm nay để chúng tôi yên tâm làm ăn sinh sống. Đối với thân nhân liệt sĩ khi đến tìm, tôi không bao giờ cảm thấy bị làm phiền, mà luôn sẵn sàng giúp đỡ, thậm chí cho họ ở trong nhà cả mấy ngày. Người ta lặn lội từ xa tới, có người đi cả hàng ngàn cây số từ miền Bắc vào đây, dù không tìm được mộ cũng thắp được một nén nhang cho người thân để yên lòng. Hầu hết tôi đều chỉ cho họ lên Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên (Đồi 82) vì nhiều hài cốt liệt sĩ chưa xác định danh tính được quy tập về nghĩa trang này, biết đâu trong đó có người thân của họ”.

Những bước chân không mỏi

Thượng tá Trần Văn Ngọc - Đội trưởng Đội K71 cho biết, với sự hỗ trợ tích cực của những người như ông Dũng, người dân Campuchia, từ khi thành lập đến nay, Đội đã quy tập được 2.622 hài cốt các liệt sĩ hy sinh ở nước bạn Campuchia trên địa bàn 6 tỉnh: Kampong Cham, Tboung Khmum, Siem Reap, Banteay Meanchey, Oddar Meanchey và Battambang. Riêng mùa khô 2018-2019 này, Đội K71 đã quy tập được 189 hài cốt từ Campuchia trên địa bàn 3 tỉnh Siem Reap, Banteay Meanchey và Oddar Meanchey. 

Theo thông tin từ Bộ CHQS tỉnh, vẫn còn trên 300 thông tin mộ liệt sĩ ở Campuchia, giai đoạn cuối năm 2019, Đội K71 sẽ tiếp tục sang nước bạn quy tập ở 3 tỉnh được Quân khu giao phụ trách là Siem Reap, Banteay Meanchey, Oddar Meanchey. Đối với địa bàn trong tỉnh, tới đây, Đội sẽ tìm kiếm, quy tập khu mộ tập thể của Trung đoàn 65, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 hy sinh ở khu vực ấp Con Trăn, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu. 

Càng về sau, việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ngày càng khó khăn hơn bởi tài liệu thất lạc, nhân chứng lịch sử ngày càng già yếu, nhiều người đã mất đi, địa hình thay đổi cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, dù khó khăn đến đâu, những người lính K71 vẫn nỗ lực hết mình. “Còn thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, chúng tôi sẽ còn tổ chức tìm kiếm, quy tập” - đó là mệnh lệnh và cũng là phương châm của những người lính K71.

Theo Thượng tá Trần Văn Ngọc, Đội trưởng Đội K71, trước đây, điều kiện ăn ở của anh em cán bộ, chiến sĩ đều tạm bợ, dã chiến, mọi người phải ngủ trên võng, ghế xếp. Nhưng từ đầu năm 2019, với sự quan tâm của Quân khu và Ban Chỉ đạo 515 của tỉnh, nơi ăn ở, sinh hoạt cho anh em đàng hoàng hơn. “Hiện nay, chúng tôi đã sửa sang, đầu tư lại chỗ ăn, ngủ tại Tiểu khu Quân sự Siem Reap và Tiểu khu Quân sự Banteay Meanchey. Hai điểm này được trang bị 50 cái giường làm chỗ nghỉ ổn định cho anh em. Ngoài ra, tại các tỉnh còn được xây dựng nhà khánh tiết khang trang, tươm tất để thờ cúng hài cốt liệt sĩ trước khi đưa về nước an táng”, Thượng tá Trần Văn Ngọc cho biết. 

Do đặc thù công việc, để động viên anh em cán bộ, chiến sĩ, theo Thượng tá Trần Văn Ngọc, khi tham gia các đợt quy tập hài cốt, mọi người đều được hưởng lương và hệ số cao gấp 2, cùng với đó, anh em còn được hỗ trợ tiền ăn gấp đôi, phụ cấp công việc hằng ngày 220 ngàn đồng.

Ngọc Diêu - Phương Thuý

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục