Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyện nước mùa khô…
Thứ hai: 00:22 ngày 11/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có chuyện gì mà mới sáng sớm trông ông có vẻ mặt… chàu quạu vậy, có trút bầu tâm sự với Bàn Dân được không?

- Được đó! Ông có tin là trời chưa sáng tôi đã phải thông cống, súc hố ga trước nhà không? Ông xem lúc này là mùa khô, có mưa gió gì đâu, mà mới sáng sớm lề đường trước nhà tôi đã ngập ngụa, hố ga rút không kịp vì rác nghẹt cứng. Thành thử tôi phải ra tay, rồi phải đi tắm ngay, không thì…

- Sao lạ vậy?

- Chuyện thường ngày ở xóm thôi. Cứ vài hôm thì ông láng giềng nhà tôi lại rửa nhà, rửa xe sớm bửng, nước rửa cuốn rác rưởi, bọt xà bông xả thẳng ra đường. Tôi chịu đựng riết cũng quen. Nhưng hôm nay tôi lại cảm thấy hết sức khó chịu, là vì mới tối qua tôi xem ti-vi thấy có đưa tin cả trăm ngàn hộ dân ở mấy thành phố hạ lưu sông Tiền đang khốn đốn do năm nay miền Tây hạn mặn sớm, thiếu nước ngọt trầm trọng.

Tôi nghĩ mình may mắn sống ở vùng đất quá thuận lợi, quanh năm suốt tháng, mùa mưa cũng như mùa khô, không hề có “tai trời, ách nước” gì cả. Không có thiên tai đã đành, mà tài nguyên thiên nhiên cũng rất dồi dào, riêng cái chuyện nước ngọt là gần như không bao giờ thiếu.

Bởi vậy, một số người ở địa phương mình chủ quan, nước ngọt xài không hết, mới có cái cảnh “xả láng, đầm đìa”, bất kể vừa lãng phí, vừa xả thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, khắp các nơi trong nước mình, gần như địa phương nào cũng bị thiên tai đe doạ, hoành hành, hết giông bão, lũ lụt lại tới hạn hán.

Ngay cả ở miền Nam, tuy ít bị bão, nhưng năm nào cũng bị lũ lụt. Rồi khi đã có cách “sống chung với lũ” thì lại gặp hạn hán, ngập mặn, nước mưa dự trữ bao nhiêu cũng không đủ dùng. Trên ti-vi, tôi thấy cảnh bà con mang bình, mang can đi chở nước ngọt “cứu trợ” về nhà dùng, mà phải dùng tiết kiệm từng giọt thấy thương quá chừng! Đúng là có so sánh với các nơi mới thấy một số người mình ở đây quá “ỷ lại” vào thiên nhiên ưu đãi, sống bất kể cảnh “kẻ ăn không hết người lần không ra”. Tôi cảm thấy vậy, nên nói đại vậy, ông thấy có đúng không?

- Ông nói không sai, nhưng cũng chưa hoàn toàn đúng…

- Là sao?

- Ông nói tỉnh mình được thiên nhiên ưu đãi, nên có một số người “ỷ lại”, sử dụng tài nguyên thiên nhiên như tài nguyên nước không biết “tiết kiệm” là không sai. Nhưng nói tỉnh mình dồi dào tài nguyên nước đến mức “xài xả láng” cũng không hết là chưa hoàn toàn đúng.

- Nghĩa là…

- Nghĩa là tài nguyên nước của tỉnh ta “có vẻ dồi dào”, chứ không hẳn là phong phú “trên mức cần dùng”.

- Ông nói… khó hiểu thấy mồ. Sao là “có vẻ dồi dào”, sao là “trên mức cần dùng”?

- Tức là ý Bàn Dân muốn nói, tài nguyên nước của tỉnh ta cũng có giới hạn nhất định, chứ không phải là “dồi dào” đến mức “vô hạn”. Nhưng mình cảm thấy “có vẻ dồi dào” là vì nhờ tỉnh mình biết cách khai thác, sử dụng tài nguyên một cách hợp lý, khoa học, nên chẳng những mình có dư nước ngọt để dùng mà còn “chi viện” cho các tỉnh, thành bạn nữa đó!

- Ông nói có vẻ… “lý thuyết” quá, mần ơn nói cụ thể, rõ ràng hơn cho dễ hiểu đi.

- Thế này, xứ Tây Ninh mình vốn là vùng đất “nắng nung người”, là vùng bán sơn địa, thế đất tương đối cao nên lẽ ra hễ mưa là trôi thoát hết. Nhưng may là cấu tạo vùng đất tỉnh mình lại có nhiều tầng nước ngầm, cùng với diện tích rừng xưa kia khá lớn, bao phủ gần khắp địa bàn tỉnh nên thảm thực vật rừng góp phần giữ lại nguồn nước mặt cũng rất lớn.

Điều này không phải Bàn Dân nghĩ ra, hay suy đoán ra đâu nghen. Có kết luận của các nhà khoa học, các nhà chuyên môn đàng hoàng đấy. Cụ thể là theo “Báo cáo đánh giá tài nguyên nước mặt tỉnh Tây Ninh” của Tiến sĩ Bùi Đức Tuấn- Phân viện Thuỷ văn phía Nam, thực hiện năm 2001: “Tây Ninh có lượng mưa trung bình hàng năm khá lớn, sau khi cân đối với tổng lượng dòng chảy, chủ yếu là hai dòng sông Vàm Cỏ Đông và Sài Gòn, cân bằng nước toàn tỉnh cho thấy lượng mưa trung bình hàng năm là 1.725 mm. Lượng nước này trong thời gian trước mắt đáp ứng đủ nhu cầu dân sinh, kinh tế trong tỉnh.

Tuy nhiên nếu tính lượng nước (tiềm năng) bình quân đầu người trong tỉnh hiện nay (năm 2001 NV) thì chỉ có khoảng 6.150 m3/năm. Đó là con số khá khiêm tốn so với 12.000 m3/người/năm trên thế giới và 13.000 m3/người/năm ở nước ta.

Trong thời gian tới, cùng với sự bùng nổ về dân số, phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu về nước sẽ tăng nhanh, cả về lượng và về chất, thì có thể sẽ xảy ra khan hiếm nước trầm trọng. Vì vậy thiết tưởng một chiến lược về bảo vệ và sử dụng một cách có hiệu quả tài nguyên nước trong tỉnh là rất cần thiết”.

- Tui cũng như ông, mình không phải là dân chuyên môn ngành cấp thuỷ, nhưng cũng biết là tỉnh mình khai thác, sử dụng tài nguyên nước rất hiệu quả. Đó là việc tỉnh ta đã đã bảo vệ, khôi phục vốn rừng khá tốt, đồng thời đã xây dựng, quản lý và khai thác nguồn nước ngọt hồ thuỷ lợi Dầu Tiếng để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà rất hiệu quả, phải vậy không ông?

- Ông nói chí phải! Và ông bức xúc về chuyện sử dụng nước “xả láng” của ông láng giềng kia cũng chí phải luôn!

Bàn Dân

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh