Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Họ thường viện lý do bận đi làm ăn không nhận được thư mời. Thế là một loại “thư mời có đuôi” (phần ký tên của người nhận thư mời được xé rời ra khi đã giao thư cho người nhận) đã được áp dụng…
Phòng chống bạo lực gia đình là một công tác lớn, huy động toàn xã hội tham gia |
Phòng chống bạo lực gia đình là một vấn đề đáng quan tâm đang được các cấp chính quyền, đoàn thể cơ sở ra sức tuyên truyền, giáo dục ở các địa bàn dân cư. Tuy nhiên, theo ông Tô Thành Được, Trưởng ấp Trường Thiện, Trường Hoà (HT), để làm được công tác này thật không phải dễ, nhất là đối với những hộ gia đình lao động nghèo, trình độ nhận thức chưa cao, còn nặng tư tưởng phong kiến, gia trưởng.
Ông Được cho biết, bạo lực gia đình ở nông thôn hiện nay thường xuất phát từ người chồng. Nhưng nhiều vụ bạo hành ít được phát hiện xử lý vì ít ai thưa kiện. Thường thì người vợ sợ “xấu thiếp hỗ chàng” nên cứ cúi đầu cam chịu. Những chuyện nho nhỏ như thỉnh thoảng “tặng” cho vợ vài bạt tai, vài cú đấm, cú đá… từ những ông chồng có máu vũ phu, hoặc khi uống rượu say từ lâu đã là chuyện thường ngày ở ấp. Loại hình bạo lực này tuy “nhỏ” nhưng lại là nguyên nhân “lớn” làm tan vỡ hạnh phúc gia đình. Từ ngày được bầu giữ chức vụ Trưởng ấp, thực hiện nhiệm vụ đăng ký xây dựng Ấp văn hoá cho ấp Trường Thiện, ông Được rất lưu ý giáo dục, cảm hoá các đối tượng hay “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” trong các gia đình. Ông đã chủ động can thiệp, giải quyết tệ nạn đánh đập vợ con ngay từ lúc mới phát sinh chứ không chờ khi có đơn thưa kiện, tố cáo. Các đối tượng được mời đến ấp, “tội” nhẹ thì khuyên nhủ giải thích, nặng thì buộc viết kiểm điểm, cam kết không tái phạm. Thế nhưng việc triệu tập các ông chồng loại này thường rất khó. Họ hay “cãi bướng”: “vợ con tôi, tôi có quyền… đánh” hoặc: “đèn nhà ai nấy sáng, chính quyền làm sao hiểu mà xen vào…?”. Họ thường né tránh, không chịu đến ấp, viện lý do bận đi làm ăn không nhận được thư mời. Thế là một loại “thư mời có đuôi” (phần ký tên của người nhận thư mời được xé rời ra khi đã giao thư cho người nhận) đã được áp dụng từ sáng kiến của ông Được. Các đối tượng hết đường chối cãi là: “em không nhận được thư mời”.
Tính tình hiền hoà, ông Tô Thành Được được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng ấp sau một thời gian dài làm Tổ trưởng tổ tự quản, đồng thời ông Được còn được bà con đề nghị kiêm luôn Tổ trưởng tổ hoà giải ấp, một nhiệm vụ thường được cơ cấu cho Tổ công tác MTTQ. Là một thợ may cần kiệm nuôi con ăn học, hộ ông Được nhiều năm liền đạt danh hiệu “Gia đình hiếu học”.
Mới đây, ấp Trường Thiện vừa củng cố được một “hồ sơ đánh vợ” đưa đối tượng ra công khai hoá trước dân, thử thách đối tượng 12 tháng, nếu tái phạm sẽ truy tố ra pháp luật tội hình sự. Về chuyện này, Trưởng ấp Tô Thành Được nói: “Đưa anh này ra công khai hoá trước dân thấy cũng… tội nghiệp. Nhưng vợ anh ta là cô giáo mà anh ta cứ đánh sưng mặt hoài làm sao đi dạy học ?”.
Phòng chống bạo lực gia đình là một công tác lớn, huy động toàn xã hội tham gia. Nhưng trước hết mỗi ấp đều có một Trưởng ấp như ông Được thì công cuộc xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn dân cư mới thực sự có hiệu quả.
ÁO THƯỜNG DÂN