BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện ở một khu chợ nhỏ

Cập nhật ngày: 29/03/2010 - 05:43

Cái chợ đơn sơ với chỉ hơn chục căn chòi san sát chất đồ hàng bông, những cây dù tạm che nắng che mưa do tiểu thương tự dựng lấy. Ở đây, có vài chục con người, kéo theo là vài chục gia đình hằng ngày phải sống dựa vào đây với những công việc khác nhau. Chợ thường xuyên bị xử lý vì lấn chiếm lòng lề đường. Vì thế, mong ước chung của những người đang hoạt động ở đây là chợ sớm được di dời đến nơi hợp lý (thụt vào bên trong), tạo tâm lý ổn định, yên tâm cho bà con tiểu thương buôn bán.

Cứ vào tầm 8 giờ sáng là khu vực chợ đầu mối hàng bông tại khu vực cầu KT13, ấp Ninh Hoà, xã Bàu Năng, DMC lại bắt đầu rộn rịp cho đến tận sáu bảy giờ tối khi những chuyến hàng cuối cùng được chuyển đi. Với “thâm niên” hơn mười năm tồn tại, khu vực chợ này đang dần trở nên quen thuộc với bất cứ ai đi ngang khu vực này. Từ đây, những loại hàng bông như bầu, bí, mướp, cà, đậu que, đậu bắp… được phân phối đi khá nhiều nơi như các chợ trong tỉnh, cả Bình Long (Bình Phước), Hóc Môn, Củ Chi…

Có mặt tại chợ đúng lúc nhóm họp vào một ngày giữa tháng ba, trong cái nóng bắt đầu làm rát da mới thấy để kiếm miếng ăn ở chợ không phải là chuyện dễ. Hàng chục con người tất bật vào ra tất bật, người nào cũng mồ hôi tuôn ướt áo. Thương lái lo kiểm hàng, những người bốc xếp lo lên xuống hàng, người khác hối hả đóng bao. Những chuyến hàng từ nhà vườn rộn rịp chở ra, chốc chốc lại có xe tải đến lấy hàng… Tiếng gọi nhau í ới.

Chợ vẫn nhộn nhịp dưới cái nắng gắt gỏng của buổi trưa.

Ông Lê Văn Khánh, Phó ban quản lý chợ cho biết: “Khu vực chợ này chính thức thành lập từ năm 2000 và phát triển cho đến ngày nay, tuy quy mô chưa lớn lắm. Chợ có khoảng 15 tiểu thương chính. Chợ đang góp phần tạo công ăn việc làm cho không ít người”.

Ngoài lực lượng bốc xếp gần 20 người còn có nhiều người khác làm những công việc lặt vặt như lựa hàng, đóng gói… Ông Khánh cũng là một trong những công nhân bốc xếp đã gần 10 năm tại đây. Đó mới là công việc chính của ông, mỗi tháng cho thu nhập khoảng 2 triệu đồng. Công việc ở đây có vẻ ổn định, tạo sự yên tâm cho những người đang lao động tại chợ. Làm quen ông Lê Văn An, 46 tuổi (ấp Ninh Phú, Bàu Năng, DMC) khi ông đang tranh thủ nghỉ ngơi vào lúc trống hàng, tôi được biết, ông vốn là giáo viên trước đây nhưng đã nghỉ việc, khoảng 5 -6 năm nay ông bắt đầu làm việc bốc xếp hàng tại chợ với thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng. Ông An nói: “Công việc cũng khá vất vả vì trước đây không quen làm nặng nên lúc đầu cũng thấy khó khăn nhưng riết rồi quen. Bây giờ thì thấy bình thường”. Hai người con trai của ông An cũng cùng làm công việc như cha mình. Thu nhập của ba cha con hằng tháng cũng đủ trang trải cho gia đình năm người. Ông An cười: “Chỉ đủ ăn chứ không có dư”.

Lực lượng làm công ở đây, theo ghi nhận của chúng tôi, có khá đông thanh niên trẻ. Tèo 20 tuổi, nhà ở ấp Ninh Phú, dáng người to khoẻ nhưng có vẻ hơi “khằn” hơn so với tuổi cho biết, do gia đình khó khăn nên cậu  đã nghỉ học từ năm lớp 10 và đến chợ này làm thuê đã gần 5 năm. Hằng tháng, Tèo kiếm được khoảng 1,5 triệu đồng. “Đủ trang trải cho bản thân và… quen bạn gái”, cậu cười, ánh mắt xa xăm…

Làm công ở đây chủ yếu là những người dân thuộc các ấp Ninh Hoà, Ninh Phú, Ninh Bình của xã Bàu Năng, hầu hết đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có ruộng đất canh tác. “Làm việc từ gần mười giờ sáng cho đến tận chiều khi nào hết hàng thì thôi”, ông An giải thích. Theo ông Khánh cho biết: “Chợ cũng khá đông người nhưng tình hình không phức tạp lắm vì chúng tôi - Ban quản lý chợ, theo dõi rất gắt gao, không để những đối tượng lạ trà trộn vào làm mất trật tự. Còn chuyện tranh giành giữa các tiểu thương cũng có nhưng ít. Việc ai nấy làm nên vấn đề lộn xộn rất ít xảy ra”. Ông Khánh cho biết thêm, những người lao động làm thuê tại chợ “nhường cơm sẻ áo” với nhau. Họ sẵn sàng san sẻ công việc cho nhau khi cần trên tinh thần “nương nhau mà sống”. Cái chợ tuy nhỏ nhưng nó lại là nơi bảo bọc cho vài chục mảnh đời trong vòng xoáy của cuộc mưu sinh.

NGÔ TUYẾT