Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Câu chuyện cuối tuần
Chuyện quanh Ngày Di sản văn hoá Việt Nam
Thứ sáu: 23:58 ngày 23/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 23.11.1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65 giao cho Đông phương Bác cổ Học viện (Vietnam Oriental Institute), còn gọi là Viện Phương Đông Việt Nam, nhiệm vụ bảo tồn tất cả cổ tịch, cổ tích trong toàn cõi Việt Nam.

- Hôm nay, 23.11, trên tờ lịch bloc có ghi “Ngày Di sản văn hoá Việt Nam (2005)”. Lẽ nào nước ta xác định tầm quan trọng của di sản văn hoá dân tộc lại muộn màng quá vậy ông?

- Không muộn đâu, mà sớm đấy, từ 23.11.1945 lận.

- Thế là thế nào, tui không hiểu?

- Ngày 23.11.1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65 giao cho  Đông phương Bác cổ Học viện (Vietnam Oriental Institute), còn gọi là Viện Phương Đông Việt Nam, nhiệm vụ bảo tồn tất cả cổ tịch, cổ tích trong toàn cõi Việt Nam.

Đây là Sắc lệnh đầu tiên của nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hoá dân tộc. Mà hoàn cảnh ra đời của sắc lệnh 65 cũng rất đặc biệt: nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lúc đấy còn non trẻ lắm (mới 2 tháng 21 ngày tuổi) lại đang trong tình thế bị giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm hoành hành, bao vây, uy hiếp, vậy mà trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” và “ngàn cân treo sợi tóc” đó, Nhà nước ta vẫn bình tĩnh, ung dung bàn về bảo tồn “Di sản văn hoá”, “là việc rất cần trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam” (1). Điều đó cho thấy tầm nhìn văn hoá của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa rộng lớn vừa sâu xa đến vô cùng…

- Vậy con số (2005) nói lên điều gì?

- Đó là năm Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg (2) về việc lấy ngày 23.11 hằng năm là “Ngày Di sản văn hoá Việt Nam”, nhằm “phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc”… À mà này! Ông có điện thoại thông minh, hãy gõ từ khoá “sắc lệnh 65 năm 1945” để đọc toàn văn sắc lệnh ấy đi, rất ngắn gọn, chỉ 314 từ.

….

- Đọc xong rồi hả? Có cảm tưởng gì không?

- Tui thấm cái “Điều thứ tư: Cấm phá huỷ những đình chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành, quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá huỷ những bi ký, đồ vật, chiểu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính sách tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn”. Hồi miền Nam mới giải phóng, đơn vị tui ấu trĩ, tả khuynh tới mức coi những cẩm nang, sự vụ lệnh, văn bản, giấy má, sách vở, sổ tay, báo chí, sơ đồ bố trí đồn bót, hành quân… của chế độ cũ đều là tàn tích “phản động, đồi truỵ”, nên ngoài số tài liệu quy định nộp về trên, còn lại đều đem đốt hết, báo hại sau này viết lịch sử truyền thống đơn vị, thông tin tư liệu về địch (và cả ta) trên địa bàn đứng chân đều hạn chế, khiếm khuyết mới cảm thấy tiếc rẻ thì sự việc đã muộn màng.

- May là cấp trên của chúng ta đã không như thế. Nhưng thôi bỏ đi, ông cảm nhận thế nào việc bảo tồn di sản văn hoá hiện nay?

- Mừng lo lẫn lộn. Mừng vì nước ta có khá nhiều di sản văn hoá được UNESCO vinh danh. Lo vì việc “đánh đổi văn hoá lấy phát triển du lịch” đang trở thành hiện tượng phổ biến tại không ít địa phương, dẫn đến tình trạng di tích lịch sử cũng như di sản văn hoá ở những nơi ấy bị xâm hại, xuống cấp nghiêm trọng.

THIÊN HẠ

-------------------

(1) Vị ngữ trong câu mở đầu Sắc lệnh 65

(2) Ngày ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg: 24.2.2005

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh