Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

KỶ NIỆM 43 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG TÂY NINH (25.5.1975 - 25.5.2018)

Chuyện “Samaki” trên một vùng biên 

Cập nhật ngày: 25/05/2018 - 05:51

BTN - Chỉ khi thấy mọi người yên tâm, Ðại uý Seck Van Na mới bật bia bắt đầu buổi tiệc "Samaki" (đoàn kết). Trưa hôm ấy, dù thấm mệt, nhưng tôi vẫn cố gắng “đoàn kết” với những người bạn mới quen ở xứ sở Chùa Tháp, cứ như thân thiết từ lâu lắm rồi!

Thượng tá Phùng Văn Ninh- Chính trị viên Ðồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu trao học bổng cho Sock Chan Ra Vi.

Một lần, tôi có dịp cùng các cán bộ chiến sĩ Ðồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu (huyện Châu Thành) sang thăm và trao học bổng “Nâng bước em đến trường” cho học sinh nghèo xã Doung, huyện Romeas Haek, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia.

Kết thúc buổi làm việc, trời đã quá trưa, đoàn được Ðại uý Seck Van Na- Ðồn trưởng Ðồn Cảnh sát hành chính huyện Romeas Haek mời về nhà dùng bữa cơm với các món quê đồng nhưng đầy hấp dẫn như cá sặc nướng than, canh chua cá lóc, rau rừng...

Chưa kịp và cơm đã thấy cậu bé Sock Chan Ra Vi (học sinh được Ðồn Vàm Trảng Trâu đỡ đầu) khệ nệ mang thùng bia Angko đến.

Biết mấy anh em Việt Nam ái ngại, Ðại uý Seck Van Na vội vàng phân bua: “Ô không, bia này bà xã tôi tài trợ đó, còn thằng bé Ra Vi nó đang phụ bán quán nhà tôi, bà xã bảo nó mang bia đến đó”.

Chỉ khi thấy mọi người yên tâm, Ðại uý Seck Van Na mới bật bia bắt đầu buổi tiệc "Samaki" (đoàn kết). Trưa hôm ấy, dù thấm mệt, nhưng tôi vẫn cố gắng “đoàn kết” với những người bạn mới quen ở xứ sở Chùa Tháp, cứ như thân thiết từ lâu lắm rồi!

***

Mới hồi sáng, đoạn đường từ Ðồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu đến phum Svay Pok của xã Doung chỉ dài chừng 3km, nhưng vì mùa mưa, nhiều đoạn bị hư hỏng nặng, nước lũ cuốn trôi, buộc chúng tôi phải đi vòng sang đường khác, dài gần gấp 3 đoạn đường cũ.

Trên xe, điện thoại của Thượng tá Phùng Văn Ninh- Chính trị viên Ðồn BP Vàm Trảng Trâu liên tục reo, đầu dây bên kia Ðại uý Seck Van Na hỏi đoàn đi đến đâu rồi, biết đường mới không để cử người ra đón…

Xe chạy thêm một đoạn, một cảnh sát chạy xe máy ra tận đầu làng để đưa đoàn đi tiếp… Ấn tượng ban đầu ấy trên vùng biên giới xa xôi này khiến tôi cảm thấy vô cùng gần gũi và ấm áp.

Vừa đến phum đã thấy Ðại uý Seck Van Na và ông Hein Smien- Xã trưởng xã Doung chờ sẵn. Cách đó không xa, dưới bóng cây me tây to đồ sộ, hai, ba phụ nữ đang cười nói vui vẻ, trong đó một người phụ nữ nhỏ nhắn đứng cạnh chiếc xe gắn máy chở đầy bánh kẹo, phía trước treo nhiều túi ni-lông đựng thịt, cá các loại.

Chị nói tiếng Khmer, lâu lâu lại pha vài câu tiếng Việt, thấy “ngồ ngộ”, tôi bước đến làm quen mới biết chị tên Lâm Thị Thu, nhà bên chợ Cầu thuộc xã Biên Giới, huyện Châu Thành.

Chị cho biết đã qua lại, buôn bán như thế này gần 15 năm nay, ngoài việc bán bánh kẹo, thu mua đường thốt nốt mang về Việt Nam bán kiếm lời, người dân Campuchia ai nhờ mua gì, chị đều sẵn sàng giúp đỡ, nhất là thuốc men để điều trị bệnh thông thường.

Chỉ bọc ni-lông chứa quần áo treo trên cổ xe, chị Thu cười: “Người dân ở đây xem như bà con, hôm nay mang theo bộ đồ “vía”, lát trưa bán xong đi dự đám cưới luôn!”.

Tôi hỏi chị: “Lâu nay qua lại biên giới làm ăn có khó khăn gì không?”. Một chị phụ nữ Campuchia tên là Som Nack đứng cạnh lên tiếng thay cho chị Thu bằng tiếng Việt lơ lớ: “Có khó gì đâu! Bà Thu qua đây mỗi ngày luôn, bữa nào bả không qua tụi tui nhớ bả muốn chết! Còn chuyện qua lại biên giới, tụi tui thường xuyên qua bên Việt Nam mua bán, khám bệnh này nọ, mấy chú cảnh sát Campuchia và mấy chú Biên phòng Việt Nam không làm khó làm dễ gì đâu...".

Chị Thu tiếp lời: “Xưa giờ, người Việt và người Cam vẫn chan hoà, tối lửa tắt đèn có nhau. Cột mốc, đường biên phân định rạch ròi, tình người thì có ai phân giới!”.

Ðang nói chuyện vui vẻ, đại diện của phum Svay Pok đến, tôi đành phải chia tay chị Thu và chị Som Nack đến thăm gia đình 2 em học sinh nghèo. Trong căn nhà sàn xập xệ nằm ở cuối phum, Xã trưởng Hein Smien trầm ngâm kể về gia cảnh đáng thương của cô bé Pra Xi Mai.

Nhà nghèo, cha mẹ phải sang Thái Lan làm thuê kiếm sống, để lại 2 đứa em cho một mình Pra Xi Mai chăm sóc. Tương tự, cũng vì nghèo khó nên cha mẹ để Sock Chan Ra Vi ở lại phum nhờ bà con lối xóm cưu mang để lang bạt xứ người tìm kế sinh nhai.

Hơn năm trước, Ra Vi được Bộ đội Biên phòng Việt Nam nhận đỡ đầu bằng học bổng “Nâng bước em đến trường”. Cũng từ ngày ấy, cảm kích trước nghĩa cử cao đẹp của các bạn Việt Nam, Ðại uý Seck Van Na quyết định nhận Ra Vi về phụ bán quán cho gia đình ông để em có thêm thu nhập.

Ðại uý Seck Van Na (bìa phải) cùng Ðồn Vàm Trảng Trâu trao học bổng cho Sock Chan Ra Vi.

Sự sẻ chia của những người lính Biên phòng Việt Nam làm lay động lòng người trong những lần sang thăm các em học sinh nghèo hiếu học, nhìn những giọt nước mắt thay lời tri ân của các em cứ lăn dài trên má, khiến tôi nhớ lại những chuyến đi dọc đường biên hai nước để trao tặng học bổng, nhớ đến lời chị Thu: “Tình người thì có ai phân giới!”

***

Bữa cơm bắt đầu, Ðại uý Seck Van Na nâng cốc, nói rất trịnh trọng: "Người dân Campuchia không bao giờ quên ơn Bộ đội Việt Nam. Ngày xưa nếu không có quân tình nguyện Việt Nam cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi thảm hoạ diệt chủng, không biết ngày nay Campuchia sẽ như thế nào! Bây giờ, các bạn tiếp tục sang đây giúp đỡ bà con nghèo bằng học bổng, bằng các chương trình khám, chữa bệnh.

Thay mặt người dân xã Doung, tôi xin cảm ơn tình cảm chân thành của các bạn Việt Nam, tôi hy vọng tình cảm láng giềng giữa hai quốc gia, hai dân tộc chúng ta đời đời bền vững".

Thượng tá Phùng Văn Ninh đáp lễ: “Bao đời nay, Việt Nam - Campuchia đã có truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Tiếp nối truyền thống đó, chúng tôi hy vọng cùng các bạn chia sẻ yêu thương, sưởi ấm tình đồng loại, tương thân tương ái, cùng nhau xây dựng, bảo vệ, giữ gìn đường biên giới chung hoà bình, hữu nghị”.

Cứ thế, những câu chuyện về Việt Nam - Campuchia tiếp nối trong tiếng cười vui của cả chủ nhà lẫn khách, hai ngôn ngữ Việt - Khmer hoà lẫn vào nhau, bữa cơm "Samaki" khép lại bằng những cái bắt tay thật chặt cộng với lời hứa hẹn lần sau.

Xe vừa ra đến đầu làng, hướng về biên giới, ngoảnh lại phía sau, dưới lớp bụi mờ đất đỏ, tôi kịp nhận ra cậu bé Ra Vi đang cùng mấy đứa trẻ nhỏ trong phum đứng dưới gốc me tây, cố vẫy tay để chào các chú Bộ đội Biên phòng Việt Nam.

Lê Quân