BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện thời sự

Chuyện sau ngày kỷ niệm chiến thắng 45 năm trước

Cập nhật ngày: 07/01/2024 - 22:16

BTN - Anh em phấn khởi, an tâm lắm ông ạ, vì sau 45-47 năm, anh em nào trẻ nhất hồi đó bây giờ cũng đã trên dưới 65 tuổi rồi còn gì!

- Một buổi tối cuối tuần trước tôi có xem một chương trình toạ đàm về ngày chiến thắng cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam 7.1.1979, tôi bỗng nhớ lại không khí hết sức kinh hoàng, đáng sợ hơn 45 năm trước.

Nói cho đúng là khoảng 47, 48 năm trước, tức là vào khoảng năm 1977, 1978 khi bọn diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary tràn qua biên giới tàn sát hàng ngàn người dân mình ở các xã Tân Lập (huyện Tân Biên), Long Phước, Long Khánh (huyện Bến Cầu), trong đó có cả 11 thầy cô giáo Trường tiểu học Tân Lập mà hầu hết là dân thị xã mình đi dạy, ở tập thể trên ấy...

- Ờ, mà đâu chỉ ở các địa phương vùng biên giới, ngay cả dân ở huyện, thị xã nội địa như mình ở đây cũng có nhiều người chết, bị thương đến tàn tật do pháo tầm xa của bọn chúng từ bên kia bắn sang loạn xạ nữa chứ!

-Đúng rồi, tôi nhớ không lầm là thời gian chiến tranh ấy ông cũng có tham gia lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) của tỉnh đi phục vụ chiến đấu trên biên giới nữa mà?

- Vâng, tôi cũng có thời gian tham gia TNXP, góp phần cùng các lực lượng đứng chân bảo vệ biên giới, giúp đỡ đồng bào vùng biên khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, đồng thời phục vụ bộ đội chiến đấu đẩy lùi bọn diệt chủng sang bên kia biên giới... Nhưng thật ra cũng chỉ trong thời gian ngắn trước ngày bọn diệt chủng Pol Pot bị lực lượng vũ trang Campuchia yêu nước, có sự ủng hộ của quân tình nguyện nước ta đánh tan, giải phóng thủ đô Phnom Penh, cứu dân tộc Khmer khỏi thảm hoạ diệt chủng thôi.

Vì khi lực lượng của Mặt trận Cứu nước Campuchia tiến công chống Pol Pot thì chỉ có một số đơn vị quân tình nguyện Việt Nam sang bên ấy giúp đỡ trong lúc lực lượng bạn còn non trẻ, mỏng hơn quân địch và chưa có kinh nghiệm chiến đấu cũng như xây dựng, bảo vệ chính quyền mới thành lập.

Riêng lực lượng TNXP thì không theo giúp bạn mà ở lại tiếp tục đứng chân trên biên giới, tiếp tục giúp đỡ đồng bào và tham gia sản xuất, gây lại màu xanh trên biên giới. Về phía nước bạn, sau khi được giải phóng khỏi thảm hoạ diệt chủng vẫn chưa đủ sức để giữ vững và phát huy thành quả cách mạng, cũng như không đủ sức để chống lại tàn quân Pol Pot vẫn còn trốn chạy vào rừng, rút lên biên giới phía Tây đất nước bạn và vẫn còn sự hỗ trợ, giật dây của các thế lực phản động thù ghét cả bạn lẫn ta.

Do vậy, sau đó còn có thêm các đoàn chuyên gia các ngành của nước ta sang giúp bạn khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế xã hội, cho đến khi lực lượng cách mạng của bạn đủ mạnh ta mới hoàn toàn rút hết lực lượng quân tình nguyện và đoàn chuyên gia ta về nước vào năm 1989...

- Rồi sau đó tôi nhớ là có cả lực lượng của Liên Hợp Quốc sang giúp đỡ Campuchia gìn giữ hoà bình nữa hả ông?

- Đúng vậy, phải nói là lúc ấy hết sức khó khăn cho cả ta lẫn bạn, là lực lượng yêu nước chân chính của Campuchia. Ta thì vì chuyện quân tình nguyện sang giúp nước bạn xoá bỏ chế độ diệt chủng Pol Pot, chế độ đã từng thảm sát chính nhân dân Campuchia với con số bị giết tới hàng triệu người, mà bị các nước, nhất là các nước trong khu vực Đông Nam Á cô lập, lên án là ta xâm lược Campuchia; rồi trên biên giới phía Bắc nước ta cũng bị nước lớn láng giềng kéo quân sang đòi “dạy cho Việt Nam một bài học”; và ngay cả kẻ mới vừa thua trận trong chiến tranh Việt Nam của quân xâm lược Mỹ cũng cay cú hằn học, bao vây cấm vận nước ta đến mười mấy, hai mươi năm trời mới bình thường hoá quan hệ ngoại giao đó chứ!

- Phải rồi tôi cũng nhớ là sau Hội nghị quốc tế ở Paris năm 1991 về vấn đề Campuchia, thì Liên Hợp Quốc tổ chức một lực lượng chuyển tiếp, viết tắt là UNTAC sang Campuchia giải quyết vấn đề nội bộ năm phe bảy phái ở nước này sau khi Pol Pot bị ta và bạn tiêu diệt. Sau đó nước bạn lập lại chế độ quân chủ lập hiến và tổ chức bầu cử ở Vương quốc Campuchia...

Với thắng lợi vẻ vang của Đảng Nhân dân Campuchia trong cuộc bầu cử, lực lượng cách mạng chân chính từng cứu dân tộc Campuchia, có cả Hoàng gia Campuchia, thoát hoạ diệt chủng, đã tiếp tục nắm chính quyền và lãnh đạo đất nước Campuchia hoà bình, ngày càng phát triển và bang giao hữu nghị với nước ta cho đến ngày nay.

- Thực tế lịch sử ấy tôi cũng có nắm được phần nào. Thế còn đội ngũ TNXP mấy ông ngày ấy bây giờ ra sao rồi nhỉ?

- Tất nhiên những người có công với nước dù ít hay nhiều không bao giờ bị lãng quên, bỏ sót. Với vai trò “nhân chứng lịch sử”, Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh ta đã khảo sát nắm lại toàn bộ đội ngũ khoảng hơn 1.300 cán bộ, đội viên TNXP biên giới Tây Nam và lập thủ tục đề nghị giải quyết chế độ theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy rằng chế độ trợ cấp một lần không nhiều lắm vì thời gian anh em tham gia không lâu, nhưng quan trọng là anh em được hưởng bảo hiểm y tế với mức chi trả của Nhà nước là 100% cho đến trọn đời. Anh em phấn khởi, an tâm lắm ông ạ, vì sau 45-47 năm, anh em nào trẻ nhất hồi đó bây giờ cũng đã trên dưới 65 tuổi rồi còn gì!

Bàn Dân