Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chơi dài cả người ra vẫn chưa hết tháng. Nào ngày mùng 4 lên núi khai hội mùa xuân cấp quốc gia. Rồi đến hội khai sơn, hạ nêu ở các miếu, đình. Đến rằm thì cao trào với một loạt lễ hội dân gian cấp xã phường, hay thôn ấp.
Cánh đồng dưới chân núi Bà. Ảnh: Đ.H.T
Bao giờ cho đến tháng hai
Con gái làm cỏ, con trai be bờ
Gái thì kể phú ngâm thơ
Trai thì be bờ kể chuyện bài bây.
Thì ra tháng Giêng đã dài từ thuở ngày xửa ngày xưa! Có câu ca dao trên làm chứng cớ. Dài quá! Nên mới lại có câu: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Để rồi: “Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà…”. Mấy câu ca dao này có lẽ chỉ đúng với miền Bắc nước ta. Còn ở miền Nam hiện nay thì đậu, khoai, cà lúc nào mà chẳng có. Tết này, tôi muối cả một mớ cà, để ăn tết cho lạ miệng, thay thế cho củ kiệu với dưa hành.
Thế nhưng tháng Giêng này dài quá cơ! Cô chuyên viên văn phòng một cơ quan than thở. Hỏi sao dài, thì cô bảo: túng tiền tiêu. Mà nhìn quẩn quanh thì có vẻ ai cũng đều đang chờ đợi tháng lương đầu lãnh trong năm mới. Ai bảo náo nức nhận hai tháng lương liền trong năm cũ để còn mua sắm tết. Quá tay một chút là ra Giêng ngơ ngẩn cả người. Các bà các chị đi chợ có lâu hơn, vì cứ phải tần ngần tính toán… Chẳng bù cho tháng Chạp, thời gian trôi nhanh như điện giật. Ai nấy đều tất bật lo toan, đi như chạy trên đường.
Vậy mà ra Giêng. Chơi dài cả người ra vẫn chưa hết tháng. Nào ngày mùng 4 lên núi khai hội mùa xuân cấp quốc gia. Rồi đến hội khai sơn, hạ nêu ở các miếu, đình. Đến rằm thì cao trào với một loạt lễ hội dân gian cấp xã phường, hay thôn ấp.
Đến 14.2 (10 tháng Giêng) thì có lễ hội tình yêu Valentine. Tiếp theo là huyện, thị nào cũng mở hội tòng quân. Cấp tỉnh có thêm lễ hội truyền thống động Kim Quang của huyện Hoà Thành và hội thơ Nguyên tiêu của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh.
Đạo Cao Đài thì có đại lễ Vía đức Chí tôn mùng 8 tháng Giêng kéo dài cho đến mười rằm. Đi cho hết nhưng vẫn còn ngày còn tháng. Đành đi thêm mấy hội hoa lan, thi chim chào mào của các hội chơi chim và hoa kiểng. Dài ơi là dài, hỡi tháng Giêng!
Thế có nghĩa rằng thời gian cũng co giãn như cao su đấy bạn! Cứ ngắm quang cảnh hai tháng vừa qua thì đã nghiệm đúng rồi. Khi ta tất bật trong tháng Chạp lo tết thì thời gian trôi như chạy loạn. Còn khi ta ung dung chơi cho đủ các hội hè tháng Giêng, thì thời gian cứ thủng thẳng mà đi. Điều này đã được nhà bác học Einstein chứng minh rồi! Bằng một lý thuyết gọi là tương đối. Theo đó, khi ta di chuyển với tốc độ nhanh hơn vận tốc ánh sáng thì thời gian bên ta chậm lại. Đủ cho ta bay tới sao Kim, sao Hoả mà không bị già đi.
Nhẩm lại khái quát lý thuyết này, lại thấy giống một truyền thuyết ở ta thì phải. Chẳng phải kho tàng văn nghệ dân gian Việt Nam có chuyện Từ Thức gặp tiên đó sao. Anh chàng này lên chùa gặp và bênh vực một cô gái đẹp lỡ tay làm gãy một cành hoa. Rồi anh được người đẹp đưa vào động núi. Ba năm sau anh tìm về chốn cũ thì ở quê anh, thân thích chẳng còn ai. Ở làng chỉ còn lưu chuyện ông cụ cố có tên Từ Thức bị lạc vào trong núi. Thế là mấy trăm năm đã trôi qua. Ba năm chơi nhởi của anh cũng là mấy trăm năm ở trần gian đã qua rồi.
Thôi, chuyện đã quá xa xôi, chẳng thể xác minh thực, hư, sai, đúng. Trở lại với quê ta đi thôi, miền sông Vàm Cỏ, núi Bà Đen. Mà lần này là đúng chuyện của núi rồi đây, thưa bạn. Tin vui trước, là tới ngày 10.2, tức mười bốn tháng Giêng, núi đã có một triệu lượt khách đến dự hội xuân và viếng núi. Tin buồn sau, xem trên VTV1 chiều 20.2. Đấy là núi Bà đang bị vấn nạn rác do quá đông du khách.
Trong bản tin này có hình ảnh đống rác bộn bề dưới chân khu nhà vệ sinh, gần ga cáp treo mới. Đến nay chưa rõ trách nhiệm dọn dẹp đống rác này thuộc về ai, nên Hội Tự quản đành thuê người dồn rác vào bao, nhờ cáp treo cho xuống núi.
Nhưng trước mắt, hỡi những người yêu núi Bà Đen hằng năm đều đến núi! Các bạn trước hết phải tự mình bảo vệ núi thôi, bằng cách: hãy chỉ để lại dấu chân mình và những tấm hình ghi trong máy ảnh. Đừng để sót lại bất cứ thứ gì mình đã mang theo khi tới núi Bà Đen.
NGUYỄN