Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyện thời sự: Chậm hay nhanh?
Chủ nhật: 21:51 ngày 26/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đến cuối năm 2013, Chính phủ mới có nghị quyết cho nâng cấp thị xã Tây Ninh lên thành phố với lãnh thổ và dân cư cùng với nền kinh tế - xã hội phát triển như hiện nay

-Ông Bàn Dân nè, không biết ông cảm nhận thế nào, chớ tui thì tui có cảm giác như là thời gian trôi qua trong thời bình nhanh hơn trong thời chiến nhiều lắm ông à!

-Uý trời, xin lỗi nghen, chắc ông đã có tuổi nên hoá lẩn thẩn rồi chăng? Mắc gì hôm nay ông lại thắc mắc thời chiến, thời bình, thời gian nhanh hay chậm?

-Không sao, khỏi lo lỗi phải gì hết. Sở dĩ tôi có thắc mắc như vậy là do tôi sực nhớ lại hồi trước, từ lúc tôi còn học bậc tiểu học cho tới ngày chấm dứt chiến tranh, đất nước hoà bình, thống nhất là đúng mười năm.

Còn bây giờ, từ ngày thị xã Tây Ninh mới nâng cấp lên thành thành phố đến nay cũng vừa tròn mười năm. Hai cái khoảng thời gian một “thập niên” ấy, tôi cảm thấy sao mà “cái ngày xưa” quá lâu, còn “cái ngày nay” thì… nhanh hết biết, loáng một cái đã là mười năm. Tui với ông cùng “đồng chạng”, ông có thấy như tui vậy không?

-Bàn Dân nghĩ rằng hồi xưa mình còn nhỏ, cứ mong thời gian qua mau cho… mau tới tết, mà cứ hễ mình càng mong thì càng thấy thời gian chậm qua. Còn ngày nay ai cũng “sấp mặt, cắm mũi” lo làm ăn, ngơi tay một chút là hết tháng, hết năm nên mình cảm thấy thời gian qua nhanh là vậy. Ờ mà với chuyện kỷ niệm mười năm thành lập thành phố Tây Ninh, ông có còn nhớ được điều gì không mà cảm thấy mười năm trôi qua rất nhanh?

-Sao lại không, tui còn nhớ rất kỹ là hồi đó tui có hỏi ông, tại sao Nghị quyết Chính phủ ký ngày 29.12.2013 mà tới 14.02.2014 tỉnh mình mới tổ chức lễ công bố thành lập Thành phố? Ông chưa trả lời ngay mà hỏi lại tui: Ông đọc thử coi, có phải là “mười bốn không hai, hai không mười bốn” đọc xuôi đọc ngược gì cũng như nhau, có phải là dễ đọc dễ nhớ lắm không? Rồi ông mới nói thêm với tui là ý của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố lúc bấy giờ chậm công bố là để chờ qua Tết Giáp Ngọ cho thư thả công việc; và ngày 14.02.2014 lại đúng “ngày Tình yêu” và trùng luôn ngày rằm tháng Giêng âm lịch, “tốt ngày” quá đi chớ, không chọn sao được!

-Đúng là ông nhớ dai thật! Hồi đó ông hỏi Bàn Dân như vậy, giờ ông cho phép Bàn Dân hỏi lại ông một câu nhé. Hồi xưa ông nói Thị xã tỉnh mình “chậm” lên thành phố quá, ông còn tìm hiểu và cho biết, Thị xã mình lên thành phố là “áp chót”, trong cả nước chỉ còn có một thị xã chậm hơn mình, chưa lên thành phố thôi.

Rồi bây giờ Thành phố mình kỷ niệm 10 năm thành lập thì ông lại bảo là “nhanh”. Vậy ông có thể giải thích và so sánh ý nghĩa của cái “chậm” ngày xưa và cái “nhanh” bây giờ cho Bàn Dân hiểu được không?

-Thôi đi ông ơi, ông “hỏi đố” kiểu đó thì… ngoài cảm nhận “chậm” nâng cấp đô thị ngày trước và cảm giác thời gian qua nhanh bây giờ, tui không biết ý nghĩa gì khác. Ông có biết thì nói luôn cho tui “nâng cao nhận thức”, tui cảm ơn!

-Thật ra mười năm trước tỉnh mình mới nâng cấp Thị xã tỉnh lỵ lên thành phố thuộc tỉnh, so với các thị xã khác trong nước là có chậm trễ hơn. Nhưng khi nói lên điều đó, ta cũng phải “trông trước, trông sau”.

Không nói đâu xa, ngay ở những tỉnh lân cận, giáp ranh tỉnh mình, tỉnh nào cũng đã có thị xã tỉnh lỵ với mức độ đô thị hoá cao từ hồi đầu thế kỷ 20, như các thị xã Vũng Tàu, Biên Hoà, Thủ Dầu Một, Tân An, Mỹ Tho.

Còn ở tỉnh mình, mãi cho đến năm 1942, tức là gần giữa thế kỷ 20, Thống đốc Nam kỳ mới chuẩn y cho Tỉnh trưởng Tây Ninh lập “khu thị tứ” là một phần xã Thái Hiệp Thạnh, của quận Châu Thành, sau là quận Phú Khương (thị xã Hoà Thành ngày nay).

Rồi từ đó xuyên suốt hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân đế quốc, khu vực gọi là tỉnh lỵ Tây Ninh vẫn là “khu thị tứ” xã Thái Hiệp Thạnh chứ không hề có “thị xã Tây Ninh”.

Mãi cho đến sau ngày 30.4.1975 tỉnh mình mới chính thức có “thị xã Tây Ninh” với bộ máy chính quyền cách mạng từ chiến khu về, còn địa giới hành chính chỉ có ba “vùng” 1, 2, 3 (tức các phường 1, 2, 3 ngày nay); còn xã Bình Minh đến năm 1981 mới thành lập.

Cho đến đầu thế kỷ 21, với Nghị định 46/2001/NĐ-CP, thị xã Tây Ninh mới được Chính phủ điều chỉnh địa giới huyện Hoà Thành 5 xã phía Bắc sáp nhập vào để mở rộng Thị xã. Rồi cho đến cuối năm 2013, Chính phủ mới có nghị quyết cho nâng cấp thị xã Tây Ninh lên thành phố với lãnh thổ và dân cư cùng với nền kinh tế - xã hội phát triển như hiện nay.

-Vậy thì không phải đến khi lập thành phố mới chậm, mà ngay việc lập thị xã mình cũng đi “sau rốt” ở miền Nam. Nhưng còn chuyện “nhanh” thì ông có thấy thành phố Tây Ninh có “đi nhanh” được gì không?

-Vâng, cũng có thể nói là thành phố Tây Ninh mình phát triển khá nhanh. Chỉ có 10 năm mà từ một thị xã “còn rừng chồi xen vào tới trung tâm” như ở khu chợ phường 3, ở chùa Ông Cọp, ngã ba Lâm Vồ, nay thì Thành phố đã có mật độ đô thị hoá khá cao. Về kinh tế thì chỉ cần nêu 2 con số thu nhập đầu người dân Thành phố năm 2013 là 2.100 USD đến năm 2023 là 3.900 USD là cũng đủ nói nhiều điều lắm đó ông!

Bàn Dân

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh