BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện thời sự: Tản mạn chuyện nghề

Cập nhật ngày: 01/10/2023 - 23:29

BTN - Báo Đảng bộ tỉnh nhà ra đời chỉ sau một năm kháng chiến chống Pháp 5.10.1946, tính đến nay là đã tròn 77 năm, bước sang năm thứ 78.

- Ông Bàn Dân nè, nếu tôi nhớ không nhầm thì tuần đầu tháng 10 này có ngày truyền thống của tờ báo Đảng bộ tỉnh mình, phải không ông?

- Ông đúng là bạn tri âm của Bàn Dân, là bạn đọc thân thiết của bổn báo. Ngày 5.10 tới đây là đúng kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống Báo Tây Ninh…

- Vậy hẳn là Chuyện thời sự kỳ này Bàn Dân sẽ bàn chuyện ấy chứ?

- À…Bàn Dân cũng còn hơi lăn tăn, vì… nội dung chuyên mục ấy phải bám vào dòng chủ lưu thời sự, tức là phải bàn đúng vào sự quan tâm chung của bạn đọc, chứ còn…

- Còn gì nữa, quanh năm suốt tháng mấy ông đã nói đủ thứ “chuyện bàn dân thiên hạ” rồi, đến “ngày giỗ” của nhà mình, chẳng lẽ không nói “chuyện mình” một lần được sao?

- Đành là vậy, nhưng… nói đến “chuyện nghề” của bổn báo, Bàn Dân e rằng sẽ không tránh khỏi chủ quan ông ạ!

- Thôi, ông…sợ bị phê phán là chủ quan thì thôi, vậy để tôi nói cho khách quan nghen?

- Vâng, được nghe bạn đọc góp ý là chuyện bổn báo luôn mong mỏi. Ông nói đi, Bàn Dân ghi âm đây.

- Ông làm to chuyện quá, còn ghi âm nữa! Theo tôi á, quý báo có truyền thống 77 năm quả là quý báu thật. Người ta nói “thất thập cổ lai hy”, mà quý báo, là một tờ báo cách mạng, sắp sang tuổi bát tuần không phải là… hơi bị hiếm sao!

- Vâng, Báo Đảng bộ tỉnh nhà ra đời chỉ sau một năm kháng chiến chống Pháp 5.10.1946, tính đến nay là đã tròn 77 năm, bước sang năm thứ 78.

- Đấy, đâu phải là tờ báo Đảng bộ địa phương nào cũng có số năm tuổi đáng tự hào như thế để ghi trên măng-sết báo. Mà ông cho tôi hỏi thiệt nhé, số tirages của báo hiện giờ là bao nhiêu?

- Ông muốn hỏi số tia-ra tức là số lượng bản in mỗi kỳ phát hành báo đó hả?

- Vâng, ông có nắm được chớ?

- Theo số liệu của bên phát hành báo in thì hiện nay báo vẫn ổn định mỗi kỳ phát hành 14.000 bản in; mỗi tuần phát hành 4 kỳ.

- Đấy, theo tôi biết thì đấy cũng là con số phát hành không hề nhỏ của một tờ báo in của các Đảng bộ tỉnh, thành trong nước. Mà nói chung, với tình hình bùng nổ thông tin với hàng hàng, lớp lớp báo điện tử, trang tin điện tử, chưa kể “vô thiên lủng” cái gọi là mạng truyền thông xã hội, mà tờ báo in của tỉnh giữ được con số phát hành ấy không phải là dễ đâu nhen!

- Ông nói đúng, nhưng chưa phải là đủ khi đề cập đến sức sống của một tờ báo…

- Ý ông muốn nhắc nhở là tôi chưa nói đến chuyện người làm báo đã làm gì, làm như thế nào để có được tờ báo đến tay bạn đọc “dài hơi” như thế chứ gì? Chưa chứ không phải là không đâu nhé! Là một bạn đọc lâu năm, và có thể nói là “đối tác của Bàn Dân” mấy chục năm qua, tôi đã có dịp tiếp xúc, làm quen với nhiều thế hệ làm báo, có dịp đọc các ấn phẩm đặc biệt ở những dịp kỷ niệm Ngày truyền thống năm chẵn của quý báo.

Nên tôi cũng có phần nào biết được quá trình tác nghiệp của những người làm báo qua từng bước đi lên trong từng thời kỳ của tờ báo tỉnh nhà. Đồng thời tôi cũng đã được xem bộ phim tư liệu hai tập “Những năm tháng không quên” tải trên ấn bản Báo Tây Ninh điện tử.

Nhờ vậy chuyện làm báo trong mưa bom bão đạn của hai thời kỳ kháng chiến giải phóng đất nước tôi cũng đã biết. Tiếp đó là chuyện làm báo từ sau ngày giải phóng, nhất là giai đoạn “đêm trước đổi mới” và trong “thời kỳ đổi mới” cuối thế kỷ hai mươi, đầu thế kỷ hai mốt, báo tỉnh nhà đã làm gì, đấu tranh chống tiêu cực như thế nào, hưởng ứng, tham gia tuyên truyền về công cuộc đổi mới đất nước, quê hương như thế nào tôi đều đọc được cả…

- Những chuyện ấy ai có theo dõi báo Tây Ninh liên tục đều biết cả rồi ông ơi. Vấn đề Bàn Dân muốn nghe là nhận xét của ông như thế nào đối với quá trình tác nghiệp ấy của bổn báo?

- Để từ từ người ta nói chớ. Tất nhiên đối với chuỗi dài gần “tám thập niên” ấy đã có ít nhất bốn thế hệ làm báo trải qua quá trình tác nghiệp của báo tỉnh nhà. Thế hệ thứ nhất - thời kỳ chống Pháp thì người cuối cùng là ông Năm Choàng mới qua đời hồi năm ngoái; thế hệ thứ hai - thời kỳ chống Mỹ chắc chỉ còn mình ông Võ Hữu Thành, nguyên Phó Tổng Biên tập, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh; thế hệ thứ ba thời kỳ sau giải phóng và thời kỳ đổi mới mà mấy ông quen gọi là “thế hệ lính Sáu Tâm” thì tôi biết là còn một số vị đang “giữ lửa”, “cầm cương” tờ báo hiện nay. Nghĩa là các vị cùng thế hệ làm báo thứ tư đang phấn đấu để “cập nhật” kịp thời chuyện làm báo của “kỷ nguyên số” hiện nay, có phải vậy không?

- Ông nói không sai, nhưng cho mình dừng lại tại đây đi, không khéo “tràn bờ rẻo đất nhỏ” của Bàn Dân rồi!

- Khoan, cho phép tôi nói thêm câu nữa. Vừa qua tôi đọc báo mới biết có hai vị Phó Tổng Biên tập báo vừa được bổ nhiệm đều xuất thân từ phóng viên của báo. Tôi nghĩ sự kiện ấy là rất hay, rất có tính chuyên nghiệp…

- Ông nói vậy thì Bàn Dân cũng xin bổ sung thêm. Tất cả các lãnh đạo Báo hiện nay đều đi lên từ vị trí phóng viên, trực tiếp tác nghiệp vài chục năm rồi. Riêng người đứng đầu, tức Tổng Biên tập không chỉ xuất thân phóng viên mà từng có thời gian làm công tác quản lý Nhà nước về báo chí nữa đấy!

Bàn Dân