Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyên trách lao ở xã, phường: Nhiều áp lực và không ít thiệt thòi
Thứ hai: 10:38 ngày 04/04/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trước đây, cán bộ chuyên trách lao tuyến xã, phường được hưởng phụ cấp độc hại hệ số 0,4% lương căn bản nhưng nay mức này đã bị giảm xuống còn 0,1%, tương đương 73.000đ/tháng.

Trước đây, cán bộ chuyên trách lao tuyến xã, phường được hưởng phụ cấp độc hại hệ số 0,4% lương căn bản nhưng từ 3 năm nay mức này đã bị giảm xuống còn 0,1%, tương đương 73.000đ/tháng. Các chế độ bồi dưỡng như đường, sữa cũng bị cắt. Một số cán bộ chuyên trách ở các trạm y tế cho rằng, áp dụng mức phụ cấp độc hại 0,1% lương dành cho những người phụ trách điều trị lao gián tiếp là không thoả đáng.

Sau khi được khám, xét nghiệm, chẩn bệnh ở tuyến trên, bệnh nhân lao được đưa về chăm sóc điều trị lâu dài (khoảng 8 tháng) tại các cơ sở y tế tuyến xã, phường. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, để hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ phụ trách chương trình phòng chống lao tuyến xã, phường, thị trấn đã phải nỗ lực hết sức để chăm sóc bệnh nhân.

Điều dưỡng Kim Huyền thăm một gia đình có người mắc bệnh lao đã được chữa khỏi

Bác sĩ Mai Thị Thu Minh, Trạm Y tế xã Bình Minh (Thị xã) cho biết: là cán bộ chuyên trách lao, chị vừa làm công việc chăm sóc bệnh nhân vừa phải thực hiện khâu vận động, tuyên truyền. Bệnh nhân đến trạm có biểu hiện ho kéo dài, gia đình có tiền sử bệnh lao, chị động viên họ đến Trung tâm Y tế để làm xét nghiệm. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo, thường không tích cực tham gia điều trị, một phần cũng do họ mặc cảm, sợ bị kỳ thị. Những trường hợp như thế, bác sĩ phải tìm đến tận nhà, giải thích động viên. Nhờ công tác tuyên truyền, phòng chống lao được làm tích cực, số bệnh nhân lao trên địa bàn xã Bình Minh đã được kéo giảm. Hiện tại, trên địa bàn chỉ còn 5 bệnh nhân đang điều trị. Cũng theo lời kể của bác sĩ Thu Minh, có một bệnh nhân nữ khi biết mình bị nhiễm lao đã mất tinh thần, muốn buông xuôi mọi thứ, bác sĩ Thu Minh đã phải cố công động viên một thời gian dài, cuối cùng thì bệnh nhân cũng chịu hợp tác điều trị. Nhưng đó chưa phải ca khó nhất, trên địa bàn đã từng có bệnh nhân HIV tử vong do lao. Bệnh nhân nhiễm HIV dễ bị lao nhưng nhiều người lại không tích cực theo đuổi điều trị, phần do mặc cảm, phần do tâm lý bi quan, chán nản. Cán bộ chuyên trách phải chịu khó thuyết phục rất vất vả.

Các trạm y tế xã khá thiếu thốn về trang thiết bị, y cụ. Bác sĩ Phan Thị Liên, trưởng Trạm Y tế xã Trường Hoà (Hoà Thành) cho biết: cán bộ y tế xã hoàn toàn có thể xét nghiệm phát hiện lao cho bệnh nhân nhưng trạm lại không có máy xét nghiệm. Vì thế, ca nào nghi nhiễm cũng đều phải giới thiệu lên tuyến trên. Trạm Y tế xã Trường Hoà đang được mở rộng xây dựng, chị mong mỏi sắp tới, trạm sẽ được trang bị đầy đủ hơn. Theo chị Huỳnh Thị Kim Huyền, cán bộ chuyên trách lao xã Trường Hoà, hiện địa phương xã đang quản lý 12 bệnh nhân lao các thể: lao hạch, lao phổi, lao xương… Điều trăn trở nhất của cán bộ phụ trách lao là hoàn cảnh bệnh nhân thường nghèo khó, sức khoẻ kém. Bên cạnh việc dùng thuốc đúng phác đồ điều trị, bệnh nhân cũng cần được ăn uống bồi dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý, tinh thần lạc quan. Thế nhưng nhiều bệnh nhân nghèo không thể đáp ứng được yêu cầu này.

Cũng theo chị Kim Huyền: cấp trên nên xem xét bỏ chỉ tiêu BK(+) để bớt áp lực cho cán bộ chuyên trách. BK+ là một thuật ngữ y học dùng để chỉ những người có kết quả xét nghiệm đàm dương tính với vi trùng lao. Để đủ chỉ tiêu mỗi năm tìm cho được 14 người có BK(+), cán bộ y tế cơ sở phải chủ động tìm kiếm đối tượng nghi nhiễm lao trong dân. Việc giao chỉ tiêu này nhằm mục đích sớm phát hiện người bị bệnh lao. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ khi nào thấy sức khoẻ có biểu hiện bệnh thật rõ ràng, cụ thể thì người bệnh mới tìm tới cơ sở y tế. Cán bộ chuyên trách phòng chống lao đồng thời phải phụ trách nhiều chương trình khác nhau, bên cạnh đó còn phải lo công tác chuyên môn hằng ngày nên áp lực công việc khá lớn.

Trước đây, cán bộ chuyên trách lao tuyến xã, phường được hưởng phụ cấp độc hại hệ số 0,4% lương căn bản nhưng từ 3 năm nay mức này đã bị giảm xuống còn 0,1%, tương đương 73.000đ/tháng. Các chế độ bồi dưỡng như đường, sữa cũng bị cắt. Một số cán bộ chuyên trách ở các trạm y tế cho rằng, áp dụng mức phụ cấp độc hại 0,1% lương dành cho những người phụ trách điều trị lao gián tiếp là không thoả đáng. Bởi ở các trạm y tế, dù không trực tiếp làm xét nghiệm, nhưng cán bộ chuyên trách lao vẫn phải trực tiếp điều trị cho bệnh nhân qua thăm khám, chích thuốc, tiếp xúc với bệnh nhân, nên nguy cơ bị lây nhiễm không phải là không có, vì lao rất dễ lây qua đường hô hấp.  

Đ.V.T

 

 

Từ khóa:
Tin liên quan