Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bẵng đi vài năm, tôi mới có dịp trở lại đảo Nhím (thuộc ấp Suối Nhím, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu). Lần tham quan này, chúng tôi lại tìm thấy thêm nhiều điều hấp dẫn ở hòn đảo nằm giữa mênh mông hồ Dầu Tiếng.

Bảng thông báo chứng tích lịch sử trên đảo Nhím
Chứng tích một thời hào hùng
Sau căn nhà tạm trông coi rẫy của ông Trần Văn Hoà, 45 tuổi, giữa đảo Nhím, có một bảng thông báo, kích thước 1x1m, nội dung: “Tại nơi đây, trước là “Cầu Lâm Phốt”, thuộc tuyến đường Trần Lệ Xuân (cũ), bộ đội và Nhân dân ta đã anh dũng chiến đấu và hy sinh. Năm 1997, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh đã quy tập được 97 bộ hài cốt liệt sĩ trong khu mộ tập thể tại khu vực này”.
Ông Trần Văn Hoà nhớ lại thời điểm ấy, khi mùa nước cạn, một số người dân làm nghề rà sắt phế liệu phát hiện dưới hố nước gần cầu Lâm Phốt có xương người. Sau đó, Đội quy tập hài cốt liệt sĩ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh vào tìm kiếm và quy tập được gần một trăm bộ hài cốt.
Ông Hoà cho biết thêm, trên đảo Nhím có địa danh hốc Xe Tăng. Ấy là vì trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đó có một chiếc xe tăng của Mỹ bị lực lượng cách mạng bắn cháy, nằm lại. “Lúc 7-8 tuổi, tôi vào đây thấy chiếc xe tăng còn nằm tại chỗ. Sau này, chiếc xe không còn nữa”- ông Hoà nói.
Khi lên 10 tuổi, do thường xuyên vào khu vực đảo Nhím để lượm sắt vụn đem về bán, ông nhớ rõ phía sau căn nhà tạm đang ở hiện nay có một đường giao thông hào rất dài, hai bên là rừng le. Trong giao thông hào, cách khoảng 50-70m có một căn hầm hình vuông, sâu tới cổ người ta. Vẫn theo lời ông Hoà, mấy chục năm trước, gần khu vực Cây Cầy trên đảo Nhím còn có một căn hầm y tế. Khi ông đến đây tìm phế liệu, đã nhìn thấy trong hầm có nhiều dụng cụ cứu thương như băng, kéo, ben. Nhiều năm sau, thời tiết, đất cát chài lấp, chôn vùi mất vết tích căn hầm này. Hiện giờ chỉ có những người dân địa phương nhiều năm làm ăn, sinh sống trên đảo mới có thể biết được vị trí căn hầm y tế ở đâu.
Ông Nguyễn Văn Tiến, người dân sinh sống và có thâm niên hàng chục năm làm nghề đưa đò trên đảo Nhím cũng xác nhận: “Những năm đầu khi mới đặt chân lên đảo, tôi còn nhìn thấy đường giao thông hào dài mấy cây số và một căn chòi được dựng lên với nhiều cây lục rất chắc chắn. Dưới hầm y tế, có chiếc máy may cũ và nhiều dụng cụ y tế băng, lọ đựng thuốc. Hiện nay, những chứng tích này đã vị vùi lấp hết, không còn vết tích gì cả”.
Đến đảo Nhím bằng đường thuỷ là một trải nghiệm thú vị đối với du khách
Tiềm năng du lịch còn bỏ ngỏ
Ông Trần Thanh Hạnh, người có hơn 30 năm gắn bó với hòn đảo giữa mênh mông sóng nước này cho hay, hàng chục năm trước, khi gia đình ông cày đất trên đất bán ngập để trồng mì, thường xuyên nhặt được các khay bằng inox dùng để đựng dụng cụ y tế, để lên đầu bờ, rồi bị những người dân nhặt đem đi bán ve chai. “Trước đây, từ khu vực đất bán ngập trên đảo có đường giao thông hào nối dài xuống suối Nhím, có thể để cán bộ, chiến sĩ cách mạng thuận tiện xuống suối lấy nước sinh hoạt. Tuy nhiên, qua nhiều năm cày xới để canh tác nông nghiệp, đến nay, những đoạn giao thông hào này không còn nữa”- người đàn ông này cho hay.
Hơn 10 năm trước, theo trí nhớ của ông Hạnh, có một cựu chiến binh công tác tại Bưu điện TP. Hồ Chí Minh đến thăm đảo. Cựu chiến binh này chắp tay, quay mặt về phía hồ nước mặc niệm rất lâu. Hỏi thăm, thì được trả lời, trong chiến tranh, đây từng là trạm quân y- nơi ông công tác, gần với khu rừng cấm, được xem là chiến khu D, thuộc xã Tân Thành, huyện Tân Châu ngày nay. Vì vậy, vùng đất này hứng chịu nhiều bom đạn của kẻ địch và đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng hy sinh.
Thuỷ sản ở hồ Dầu Tiếng
Hồ Dầu Tiếng đang vào mùa tích nước cao độ. Cái hố sâu- nơi tìm thấy gần 100 bộ hài cốt liệt sĩ đã bị ngập dưới làn nước. Vài tháng nữa, khi hồ xả nước, trên những khu đất bán ngập này sẽ lộ ra hàng chục hố bom với kích thước lớn nhỏ khác nhau. Khi ấy, từ khu rừng cấm của xã Tân Thành, người ta có thể dễ dàng điều khiển xe gắn máy di chuyển qua đảo Nhím và ngược lại.
Những năm gần đây, đảo Nhím đã được đầu tư trồng lại rừng. Trên đảo có ao sen với diện tích khá rộng, bốn mùa hoa lá tốt tươi; có rừng tràm rộng vài chục héc-ta, trở thành nơi trú ngụ của nhiều đàn chim, cò, cồng cộc. Không khí trên vùng sông nước này vô cùng trong lành, mát mẻ, lý tưởng cho những hoạt động du lịch dã ngoại, cắm trại, vui chơi...
Có thể thấy, đảo Nhím còn ẩn chứa nhiều tiềm năng du lịch. Tuy nhiên, đến nay, hòn đảo này hầu như chưa được đầu tư sản phẩm du lịch nào đáng kể. Nếu nơi đây chính quyền địa phương, ngành chức năng đầu tư phục dựng lại những chứng tích lịch sử như giao thông hào, hầm bí mật, trạm quân y, xây dựng bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ... kết hợp du lịch sinh thái và du lịch về nguồn thì sẽ trở thành nơi tham quan thu hút không ít du khách.
Hoạt động đánh bắt thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng
Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh năm 2025. Trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, có nội dung đề nghị hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện án Khu du lịch sinh thái đảo Nhím. Hy vọng trong tương lai không xa, hòn đảo xanh giữa công trình thuỷ lợi nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á này sẽ trở thành một trong những điểm tham quan không thể bỏ qua mỗi khi du khách đến Tây Ninh.
Đại Dương