Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyện trong ngành: Có nên duy trì kỳ thi thử ?
Thứ năm: 12:50 ngày 26/05/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Kết quả của kỳ thi thử không chỉ phản ánh được học lực mà còn cho thấy thái độ, động cơ của người học. Có một điều mà không biết những người trong ngành có để ý hay không, đó là đề thi thử thường khó hơn đề thi thật. Điều này không chỉ diễn ra trong vài năm gần đây mà cả trước đó, khi chưa có kỳ thi “hai trong một”.

Học sinh lớp 12 tham gia buổi tư vấn nghề nghiệp được tổ chức tại Trường THPT Lý Thường Kiệt hôm 16.5

Năm học 2015 – 2016 là năm thứ hai Sở Giáo dục – Đào tạo Tây Ninh (Sở GD – ĐT) tổ chức cho học sinh lớp 12 (bao gồm cả thí sinh tự do) thi thử kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Sau khi tổ chức thi thử xong, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh đã bày tỏ ý kiến về kỳ thi này.

Trong số đó, có ý kiến cho rằng kỳ thi thử vừa qua, đề thi do Sở ra quá khó nên một tỷ lệ không nhỏ học sinh không làm được bài, nhất là môn Toán. Nhiều em ngồi trong phòng thi chỉ trông chờ đến giờ để… ra về (theo quy định, thí sinh chỉ được rời phòng thi khi đã hết hai phần ba thời gian làm bài). “Các em không mặn mà gì với kỳ thi này thì phải” – một giáo viên coi thi nhận xét như thế.

Ngoài đề thi khó, những người làm nhiệm vụ liên quan còn phàn nàn thời điểm tổ chức kỳ thi không hợp lý, vì cách đó chỉ vài ngày, học sinh vừa kiểm tra học kỳ hai xong, cả thầy lẫn trò đều mệt mỏi, có tâm lý muốn nghỉ ngơi nên không muốn tham gia kỳ thi thử. Mặt khác, do vừa kiểm tra học kỳ xong, học sinh chưa có thời gian để ôn tập kiến thức của học kỳ 1, trong khi đề thi lại mở rộng ra cả năm học, không riêng gì kiến thức của học kỳ hai. Để hợp lý hơn- có ý kiến đề xuất rằng nếu sang năm vẫn duy trì kỳ thi thử thì nên để đến cuối tháng 5 hãy tổ chức. Vì kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD – ĐT tổ chức diễn ra vào đầu tháng 7. Như vậy, học sinh vẫn còn đủ thời gian để ôn tập, củng cố kiến thức.

Một hiện tượng nữa, theo tin từ nhiều trường: số học sinh bỏ thi không ít. Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở khối giáo dục thường xuyên mà cả ở khối phổ thông. Một số giáo viên và cán bộ quản lý đề nghị Sở GD–ĐT xem xét có nên duy trì kỳ thi thử nữa hay không, vì kỳ thi này không có tính ràng buộc. Kết quả của kỳ thi không tính vào kết quả học tập của năm học nên học sinh không “mặn”, thích thì thi, không thì thôi.

Trước luồng ý kiến như trên, ông Nguyễn Hữu Tài- Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT cho rằng: kỳ thi THPT quốc gia là một kỳ thi kép, đề thi dùng cho cả học sinh dự thi để lấy bằng tốt nghiệp và tuyển sinh đại học; cấu trúc của đề thi bao gồm 60% dùng cho xét tốt nghiệp và 40% làm căn cứ tuyển sinh đại học. Học sinh có học lực trung bình và trung bình yếu cảm thấy đề thi khó cũng là điều bình thường. Trong số các câu hỏi dành cho việc xét tốt nghiệp, không phải câu nào cũng dễ. Đề thi thử vừa qua bám sát đề mẫu của Bộ GD–ĐT, Sở không có lý do gì để ra đề khó. “Cả giáo viên và học sinh cần nhìn nhận kết quả kỳ thi một cách bình tĩnh, khách quan để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi chính thức” – ông Tài nói.

Liên quan đến việc nhiều học sinh bỏ thi, ông Tài cho biết, đa số học sinh bỏ thi thuộc diện thí sinh tự do của khối giáo dục thường xuyên. Vì một lý do nào đó, nhóm đối tượng thí sinh này đã không tham gia kỳ thi, còn đa số học sinh phổ thông vẫn tham gia đầy đủ, làm bài nghiêm túc. Đối với những học sinh có vào phòng thi nhưng không chịu làm bài, có thể do các em suy nghĩ giản đơn: kỳ thi thử không tính vào kết quả học tập nên chỉ cần tham gia cho có lệ. Điều này cũng cho thấy, ý thức học tập của một bộ phận học sinh chưa cao, các nhà quản lý giáo dục, giáo viên cần lưu tâm đến vấn đề này.

Trả lời ý kiến cho rằng thời điểm tổ chức thi thử không hợp lý, theo ông Tài, kiểm tra học kỳ hai chỉ để đánh giá kiến thức trong phạm vi chương trình của học kỳ này. Sau khi kiểm tra học kỳ hai xong, tổ chức cho học sinh thi thử thì cũng hợp lý. Tổ chức thi thử sớm ngày nào tốt ngày đó, dành thời gian còn lại để các em học sinh ôn tập, bồi dưỡng trước khi kỳ thi chính thức diễn ra vào tháng 7.

Về câu hỏi năm học tới có nên duy trì kỳ thi thử nữa hay không, vẫn theo lời ông Tài: Bộ GD-ĐT đang khuyến khích các địa phương tổ chức cho học sinh thi thử nhằm giúp học sinh cuối cấp được cọ xát, làm quen với đề thi. Kỳ thi thử cũng không có mục đích nào khác ngoài việc giúp giáo viên và học sinh nhìn lại kết quả dạy và học của mình để chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt, bao gồm cả kiến thức lẫn tâm lý trước khi kỳ thi chính thức diễn ra. Kỳ thi thử hoàn toàn miễn phí, người dự thi không phải đóng bất kỳ khoản tiền nào, do vậy, có ý kiến nói rằng việc tổ chức kỳ thi chỉ vì “lý do này nọ” là hoàn toàn không có cơ sở. Đến thời điểm này, mặc dù các trường đã chấm bài xong nhưng vẫn chưa công bố được kết quả bài làm của học sinh, vì đang tổng hợp từ các đơn vị để làm báo cáo- ông Tài cho biết thêm.

Theo người viết bài này, việc tổ chức cho học sinh lớp 12 thi thử vẫn nên duy trì. Những học sinh có động cơ học tập đúng đắn, nghiêm túc, mục đích rõ ràng thì kỳ thi thử là một cơ hội cho các em tự đánh giá học lực của mình để biết lượng sức trong kỳ thi chính thức. Kết quả của kỳ thi thử không chỉ phản ánh được học lực mà còn cho thấy thái độ, động cơ của người học. Có một điều mà không biết những người trong ngành có để ý hay không, đó là đề thi thử thường khó hơn đề thi thật. Điều này không chỉ diễn ra trong vài năm gần đây mà cả trước đó, khi chưa có kỳ thi “hai trong một”. Tại các kỳ thi thử tốt nghiệp THPT từ năm 2013 trở về trước, ở tất cả các môn thi, đề thi thử thường khó hơn đề thi thật, tỷ lệ học sinh đủ điểm đỗ tốt nghiệp tại kỳ thi thử thấp hơn kỳ thi chính thức. Có vẻ như những người ra đề thi thử muốn “trừ hao”, để “cảnh báo” học sinh của mình.

VIỆT ĐÔNG

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục