Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Xin ông vui lòng dụi điếu thuốc hoặc đi ra bên ngoài mà hút!
- Hả? Cái ông này, hôm nay sao khó tính thế?! Quán cà phê mà không cho hút thuốc lá là sao?
- Vì hôm nay là ngày 31.5, Ngày Thế giới không thuốc lá và theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) năm 2012 thì mọi người có quyền “được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá”. Quán cà phê là nơi phục vụ chung cho nhu cầu uống cà phê của nhiều người, chớ không chỉ cho riêng ông, vì thế nó là “địa điểm công cộng”. Theo mục c, khoản 2, điều 11 Luật PCTHCTL, đây là nơi cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà đó ông ạ!
- Vậy ư? Ðúng vậy thì cho mình... xin lỗi nhé!
- Lỗi phải gì ông ơi, chẳng qua là tui thử áp dụng khẩu hiệu “Hãy nhắc người hút thuốc không hút gần mình và những người xung quanh!” trong Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25.5-31.5.2019) xem nó tạo ra hiệu ứng thế nào mà thôi. Ông là bạn cà phê thân thiết mà còn muốn... sửng cồ với tui, nếu là người lạ nóng tính chắc họ “bụp” tui nãy giờ rồi, ông nhỉ?
- Cũng có thể lắm chớ! Ðâu phải ai cũng biết có cái Luật PCTHCTL ấy đâu... Ông nói chỗ này là “địa điểm công cộng”, vậy tại sao chủ quán không treo bảng “No smoking”?
- Chủ quán... lờ đấy! Treo bảng “Không hút thuốc” quán sẽ mất một lượng khách không nhỏ, đó là những người còn ghiền nặng như ông...
- Ðúng vậy! Nếu treo bảng thì tui sẽ đi quán khác! Hm... Hm! Hổng biết mắc cái chứng gì mà nửa đêm tới giờ nghe ngứa cổ, mắc ho quá?!
- Ðến bệnh viện kiểm tra phổi ngay đi ông ạ! Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi”. Ông lưu ý nhé, WHO đã thống kê: 90% người mắc ung thư phổi hằng năm trên thế giới là người hút thuốc lá; 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng là do hút thuốc lá. Còn ở nước ta, theo số liệu của Bệnh viện Ung bướu Trung ương được Bộ Y tế công bố, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm tới 96,8%.
- Ông... hù tui hoài!?
- “Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính”, WHO đã kết luận như vậy, tin hay không là tuỳ ông. Riêng về mặt sinh hoạt xã hội, người ghiền thuốc lá sẽ cảm thấy bức bối đến mức khổ sở, nhất là trong bệnh viện, khi đi tàu, xe, máy bay, vô nhà hàng, khách sạn, trong nhà hát, rạp chiếu phim, đặc biệt là tại các địa điểm công cộng nước ngoài, việc chế tài và mức xử phạt... ôi thôi vô cùng nghiêm khắc! Ghiền thuốc lá chả sướng ích gì: tốn tiền, hao mòn sức khoẻ, gây khó chịu cho người xung quanh và coi chừng có ngày chịu tốn tiền... ngu lãng xẹt (vì bị phạt), vậy thì nên bỏ quách nó đi cho khoẻ cái thân ông ạ!
- Bỏ ba bốn lần rồi mà nào có được đâu! Khó lắm, chuyện không đơn giản...
- Vậy ông hãy gọi 1800-6606, tổng đài tư vấn cai thuốc lá miễn phí, làm theo họ hướng dẫn xem sao? Chớ tui, tui biết hút thuốc lá từ năm 1966, nghiện nặng 40 năm, không nhờ ai tư vấn vậy mà khi dứt khoát “bỏ” thì bỏ một cái rụp, ông ạ!
- Sao hay vậy?
- Cũng chẳng có gì hay, nhờ vừa “giận” vừa “thương” mà bỏ được thuốc lá. Khi đứa cháu nội đầu tiên chào đời năm 2006, tui vẫn còn ghiền thuốc. Ở cơ quan hút không ai cấm, nhưng về nhà, cứ mỗi lần tui đốt thuốc là mỗi lần bà xã tui bất ngờ xuất hiện, bả giựt lấy điếu thuốc từ trên môi tui, dụi, bẻ đôi và ném vô sọt rác kèm theo câu van vỉ “Xin ông đừng cho cháu nội hút thuốc thụ động!”...
- Rồi ông chịu thua bà ấy?
- Giận chớ và cự lại chớ! Nhưng mà bả kiên trì lắm khiến tui phải suy nghĩ lại. Rõ ràng bả nói đâu có sai, mình mới là người hút thuốc lá không đúng chỗ! Thế là, phần vì thương cháu, phần vì xấu hổ trước bà xã và các con, tui quyết tâm “No smoking” hẳn từ đó đến nay, chuyện đơn giản thế thôi ông ạ!
THIÊN HẠ