Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Mùa thi đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) 2012 đang đến gần. Hàng triệu học sinh lớp 12 đang đứng trước sự lựa chọn có tính chất bước ngoặt: chọn ngành, nghề cho cả cuộc đời. Hàng triệu gia đình có cùng nỗi lo với con em họ. Làm thế nào để lựa chọn được ngành, nghề phù hợp với năng lực, trình độ, sở thích… không phải rơi vào tình trạng “sai một ly, đi mấy chặng” là vấn đề không hề đơn giản. Chính vì thế, những thông tin có liên quan đến việc tuyển sinh là điều mà học sinh và các bậc phụ huynh cần quan tâm tích cực.
“Hot” nhưng không dễ theo
Trong giờ học. Ảnh minh hoạ |
Hiện nay, cả nước có 475 trường, cơ sở ĐH, CĐ và hàng trăm trường trung cấp nghề có tuyển sinh với hơn 300 ngành học khác nhau. Theo thống kê của tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai, Phó trưởng ban ĐH và sau ĐH Đại học quốc gia TP.HCM, năm 2011, nhóm ngành kinh doanh có tỷ lệ thí sinh dẫn đầu: 10,98%. Ngành quản trị-kinh doanh có sức hút nhất trong nhóm các ngành kinh tế bao gồm nhiều chuyên ngành như: quản trị nhân sự, quản trị kinh doanh tổng hợp, quản trị dịch vụ, quản trị du lịch, quản trị kinh doanh quốc tế, thương mại, quản trị chất lượng, marketing, quản trị truyền thông… Hầu hết các trường ĐH, CĐ trong cả nước đều có ngành học này. Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm việc trong nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, công ty… thuộc mọi lĩnh vực trong nước và quốc tế, các tổ chức nghiên cứu và quản lý kinh doanh, các tổ chức xã hội và phi chính phủ. Điểm chuẩn của ngành học này cũng không phải cao lắm và tuỳ vào từng trường: ĐH Ngoại thương từ 18 - 24 điểm, ĐH Kinh tế quốc dân: 18 - 22,5, ĐH Thương mại: 19. Cũng có nhiều trường như ĐH Công đoàn chỉ 16,5, ĐH Thuỷ lợi: 16, ĐH Công nghiệp Hà Nội: 15,5… Còn hầu hết các trường ĐH dân lập lấy bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, không phải ai cũng “làm nên chuyện” khi chọn các ngành nghề “thời thượng”.
Thực tế, lắm khi việc chọn ngành nghề của học sinh thường theo phong trào, theo bạn bè, số đông… chứ chưa có sự tìm hiểu kỹ, cân nhắc thấu đáo. Không ít học sinh khả năng có hạn mà cứ thích chọn vào những ngành “hot”, yêu cầu cao nên đã cảm nhận được sự khó khăn ngay từ đầu. Cũng không ít em chọn ngành không phù hợp, vào học được một hai năm rồi lại phải bỏ để thi ngành khác. Đó là sự lãng phí lớn về thời gian và của cải.
Năm 2012: thêm nhiều ngành học mới
Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đặt mục tiêu phấn đấu đưa tỷ lệ nhân lực qua đào tạo từ 40 lên 70%. Trong đó tỷ lệ nhân lực ngành nông, lâm, ngư nghiệp tương ứng là từ 15,5% lên 50%, công nghiệp từ 78% lên 92%, xây dựng từ 41% lên 56%, dịch vụ từ 67% lên 88%. Chiến lược nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 quan tâm phát triển nguồn nhân lực trình độ cao trong các lĩnh vực có tính đột phá: kinh doanh, kinh tế, luật, môi trường, đô thị, mở ra nhiều cơ hội việc làm cao hơn nhưng cũng đặt ra yêu cầu cao hơn nhiều so với trước. Ngoài trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, các ứng viên còn phải có những kỹ năng mềm khác như: giao tiếp, làm việc theo nhóm, thuyết trình, thuyết phục.
Năm nay Bộ GD-ĐT đã tổ chức thêm khối thi A1 (Toán- Lý- Ngoại ngữ) cho các ngành cần đến ngoại ngữ. Nhiều trường mở ra những ngành học mới. Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh) mở thêm ngành dược (tuyển khối A, A1, B, D1), kỹ thuật tài chính- quản lý rủi ro (tuyển A, A1); ĐHCN mở thêm các ngành điều dưỡng, xây dựng, luật; ĐH Tài chính- Marketing mở thêm ngành kinh doanh quốc tế, bất động sản, quản trị khách sạn với hàng trăm chỉ tiêu.
Hiện nay, dự án nhà máy điện hạt nhân đang được khởi động. ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đón đầu bằng việc mở ngành kỹ thuật hạt nhân với các chuyên ngành năng lượng và điện hạt nhân, kỹ thuật hạt nhân, vật lý y khoa, mỗi trường khoảng 50 chỉ tiêu, được trợ giúp học bổng và có điều kiện du học. Trong tương lai ngành học này sẽ có nhu cầu rất lớn.
Học sinh Trường chuyên Hoàng Lê Kha Tây Ninh tham gia buổi tư vấn, hướng nghiệp của ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM |
Học viện Báo chí - Tuyên truyền cũng mở thêm các ngành: công tác xã hội, quản lý Nhà nước (tuyển khối C, D). Ngành công tác xã hội hướng tới mục đích tạo ra một thế hệ thiện nguyện mới làm công tác xã hội chuyên nghiệp chứ không chỉ là “phong trào” như hiện nay. Trong khi ngành quản lý Nhà nước sẽ đào tạo những con người biết quản lý Nhà nước một cách khoa học, bài bản.
Nên cân nhắc kỹ
Trong việc lựa chọn ngành nghề, học sinh và phụ huynh cũng cần tham khảo ý kiến các chuyên gia để có quyết định sáng suốt. Trong thực tế, rất nhiều ngành, nghề tưởng như không đáng quan tâm nhưng học xong là có việc làm ngay, lại có thu nhập cao, có cơ hội thăng tiến.
Nhiều chuyên gia cho rằng các ngành như hoa viên cây cảnh, nuôi trồng thuỷ sản, khuyến nông, phát triển nông thôn, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ thực phẩm… là những ngành mà thí sinh ít có thông tin, ít lựa chọn nhưng lại rất có triển vọng.
Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệ p- Thương mại Việt Nam (VCCI) có nói: “Một số doanh nhân nước ngoài phàn nàn: muốn mua một cái ốc vít tử tế ở Việt Nam cũng không có. Như thế thị trường có nhu cầu mà ta chưa quan tâm. Tại sao các bạn trẻ không tìm hiểu xem các ngành da giày, dệt may, cơ khí, ô tô, xe máy… làm gì để có sản phẩm Made in Việt Nam, hàm lượng Việt Nam? Người nông dân đang chờ đợi các bạn, môi trường đang cần các bạn không phải chỉ là hoạt động phong trào mà là một sự nghiệp nghiêm túc…”.
Năm 2012 sẽ là một năm đầy khó khăn, thách thức nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều cơ hội cho mọi thành viên trong xã hội, trong đó có các bạn trẻ năm cuối bậc học phổ thông. Trong lúc “nấu sử sôi kinh” để chuẩn bị “vượt vũ môn”, các bạn trẻ cũng cần suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ để mai này khỏi phải ân hận vì trót chọn nhầm nghề...
DIỆU MAI