Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyện vài địa danh trên đất Tây Ninh
Thứ tư: 08:06 ngày 09/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðầu tiên, chuyện ở huyện địa đầu phía Nam của tỉnh là Trảng Bàng. Tại xã Gia Lộc có một ấp tên là Lộc Trát. Hầu như người cao tuổi nào ở Gia Lộc và thị trấn Trảng Bàng cũng đều biết gốc tích tên ấp có làng rèn nổi tiếng này.

Vàm Trảng Trâu.

Các cụ kể, ngày xưa, ấp Lộc Trát là nơi quần tụ dân cư đầu tiên của thôn Phước Lộc, sau đổi thành Gia Lộc. Do là nơi đầu tiên nên mới có tên là Lộc Trước. Sau đến thời nhà Nguyễn, triều đình có ban sắc phong thần cho đình Gia Lộc thờ cụ Ðặng Văn Trước làm thành hoàng. C

ụ Ðặng là người có công chỉ huy khai phá, mở mang để lập thôn sau đấy là làng Gia Lộc. Vì cụ đã là thần, theo cổ lệ thời phong kiến phải kiêng gọi tên cụ, nên người dân đã đổi Lộc Trước ra thành Lộc Trác. Còn tại sao bây giờ tên ấp lại thành ra Lộc Trát, thì chịu, không làm sao biết được lý do. Bây giờ Lộc Trát đã nghiễm nhiên ngự trên cả bản đồ hành chính tỉnh Tây Ninh (2001, tỷ lệ 1/50000) và các văn bản hành chính khác.

Cũng có một sự biến đổi địa danh tương tự nhưng ở tận thượng nguồn sông Vàm Cỏ Ðông. Ðấy là đoạn sông biên giới giữa các huyện Tân Biên, Châu Thành của Tây Ninh và nước bạn.

Trên tấm bản đồ đã kể, cũng như ở một vài văn bản, người ta đã ghi tên đoạn sông này có một tên riêng, đấy là rạch Cái Bắc. Thật ra tên này phải là Cái Bát mới đúng. Vì ở vàm Trảng Trâu kế cận các xã Biên Giới và Phước Vinh là nơi sông Vàm Cỏ Ðông rẽ về hai ngả, từ dòng chính ngược lên tới đây, rẽ trái là vào rạch Cái Cậy; còn rẽ phải là vào rạch Cái Bát.

Hãy xem một từ điển xưa để thấy rõ lý do người xưa đặt cái tên này. Cuốn Việt Nam tự điển, của Hà Nội/ Imprimerie Trung Bắc Tân Văn 1931, tại trang 33 có mục từ Bát. Ðó là: “Bẻ lái khiến thuyền đi về phía tay phải, trái với tiếng Cạy là khiến thuyền đi về phía bên tay trái…” Người ta còn gọi rạch Cái Bát là Ngã Bát cũng đúng.

Như Nguyễn Ðình Tư trong bài Tây Ninh xưa và nay (Tạp chí Xưa Nay, Hội KH Lịch sử VN, số 96 năm 2001). Bài có đoạn: “Ngày 5.6.1871 hạt Thanh tra Trảng Bàng bị giải thể, nhập địa bàn vài hạt Thanh tra Tây Ninh…Năm 1890 cắt một phần đất dọc theo rạch Ngã Bát nhượng cho Cao Miên. Từ đó ranh giới Tây Ninh được định hình ổn định tới ngày nay…”

Ðịa danh bị biến động nhiều nhất cũng chính ở vùng này là Vàm Trảng Trâu (theo cách gọi đã trở thành thông dụng nhất hiện nay).

Trên những văn tự xa nhất, như sách Tây Ninh xưa của Huỳnh Minh, hay bản văn tế đình Long Thành có từ năm 1952, người ta viết địa danh này là Trảng Châu. Như trang 116, sách Tây Ninh xưa, do NXB Thanh Niên tái bản năm 2001 có đoạn: “…

Cụ cùng các cộng sự viên lên ngã ba Trảng Châu, quy tụ một số dân người Nam và người Thổ (ý nói người Khmer- TV) khai mở từ Trảng Châu lên Lò Gò lập làng tại đây…vùng này rất nhiều thổ sản như cây dầu chai, mây…”

Nơi gọi là Trảng Châu ấy, nay thuộc về ấp Tân Ðịnh xã Biên Giới mà tên trước đây là ấp Lồ Cồ nằm về bên hữu ngạn sông Vàm Cỏ Ðông; còn Lò Gò lại thuộc về bên tả ngạn sông này, nơi còn có tên riêng là rạch Cái Bắc. Ðến nay, vẫn còn tấm bản đồ tỉnh Tây Ninh, tỷ lệ 1/10.000 in trước năm 2000 ghi rõ tên vùng đất này là Trảng Châu.

Vậy mà đến những cuốn sách viết về Tây Ninh in sau năm 1985 lại dùng tên khác cho địa danh ấy. Như cuốn Truyền thống cách mạng xã Phước Vinh, Ban Tổng kết chiến tranh tỉnh Tây Ninh in năm 1985, trang 12 có đoạn: “làng cuối cùng do người Việt và Khmer xây dựng từ Vàm Tráng Trâu lên Lò Gò xong năm 1858 lấy tên là Long Phú thôn…” Về sự sai hay đúng của nội dung trên chúng tôi đã từng có đề cập trong bài viết “Long Phú thôn nay ở đâu?”. Nhưng chi tiết rõ ràng nhất là từ Trảng Châu đã viết thành Tráng Trâu. Nguyên do là ở đâu?

Ông Nguyễn Thanh Hùng, từng làm Chủ tịch huyện Tân Biên trong khoảng cuối những năm 1990, sau làm Phó ban Dân vận Tỉnh uỷ (nay đã mất) đã có lần giải thích chuyện này. Rằng nơi ấy do hai dòng Cái Bát và Cái Cậy dang ra hai bên như một cặp sừng trâu.

Nên cái vàm sông mở ra mênh mang trước cặp sừng ấy được quân dân Tân Biên và cả Châu Thành gọi là Trán Trâu (như cái trán gồ lên trên mắt của con trâu vậy). Quả thật là một trí tưởng tượng kỳ diệu, bởi những năm ấy quân dân cách mạng toàn lấy rừng làm căn cứ địa. Vậy mà trí tưởng tượng đôi lúc vẫn bay cao, để hình dung miền sông nước này như một cái đầu trâu. Ðến nay nhìn vào bản đồ thì thấy quả nhiên là vậy.

Thế là từ Trảng Châu, sang tới Trán Châu, rồi có thể một lúc nào đó trong báo cáo, người viết lại cho thêm một phụ âm g. Gọi cũng thuận miệng, nên lại chuyển thành Tráng Trâu. Khi đất nước yên bình trở lại, người dân khai phá đất trảng hoang vu thành đất cấy trồng. Người ta mới nhớ đến miền đất xưa ông bà gọi là đất trảng.

Mà Tráng trong Tráng Trâu lại chẳng có ý nghĩa gì. Thế là Tráng Trâu trở thành Trảng Trâu. Nghe ra cũng có lý. Vùng đất này dân nuôi nhiều trâu. Thế là không mấy người nhớ lại cái tên xa xưa ông bà đã đặt là Trảng Châu. Ví vùng đất nước này đẹp như một viên minh châu sáng ngời đặt trên một “chạc ba” Vàm Cỏ Ðông ở phía thượng nguồn.

Còn có một chuyện tương tự với địa danh Con Trăn ở ấp cùng tên, thuộc xã Tân Hoà, huyện Tân Châu. Lần này là ở trên phần đất góc Ðông Bắc tỉnh, cách xa TP Tây Ninh tới 70km. Cái tên thời kháng chiến chống Mỹ của nó là sóc Con Trăng. Tấm bản đồ tỷ lệ 1/100.000 xuất bản trước năm 2000, cũng ghi như thế.

Ðây cũng là ấp có bà con người dân tộc Khmer sinh sống. Bà con có mùa lễ hội cúng trăng (còn gọi là Óc om bóc ở miền Tây Nam Bộ). Cái tên rất lãng mạn và đẹp thế mà nay bỗng trở thành Con Trăn, được ghi chính thức trên bản đồ hành chính tỉnh in năm 2001; cũng như được dùng trong các văn bản hành chính huyện Tân Châu. Một cán bộ đã giải thích rất “duy vật” thế này: trên ấy là rừng đầu nguồn hồ Dầu Tiếng. Rừng thì làm gì có con nào là con trăng, mà chỉ có con trăn!

Cũng trên miền đất đông bắc tỉnh này còn một địa danh nghe rất vui, là cái tên Tống Lê Chân. Nghe có vẻ giống tên một vị nữ tướng thời Hai Bà Trưng đuổi giặc. Thật ra, đấy là đoạn sông Sài Gòn phía thượng nguồn còn có tên riêng là Rạch Chàm, bên phía đất Campuchia ghi là Tonle Cham. Quân ta đọc cái tên viết bằng tiếng Pháp kia, nghe rất giống với cái tên Việt là Tống Lê Chân. Vậy là có một địa danh đẹp, mà ai ai cũng vui lòng đồng thuận.

Ðịa danh, sao mà cũng giống với nhân danh- cách đặt tên người.

TRẦN VŨ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục