Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ngày nay, nhiều người dân vẫn quen gọi An Thạnh là Gò Dầu Thượng. Điều lạ và lý thú nơi đây là nhiều tên ấp của An Thạnh chỉ độc một âm như ấp Bến, ấp Voi...
Chùa An Phước, toạ lạc tại ấp Voi, xã An Thạnh.
Theo sách Truyền thống cách mạng huyện Bến Cầu (1945-1975), “Năm 1844, ông Thiện cùng cha là cụ Trần Văn Tiến và em là Trần Văn Dệ đệ đơn xin quan phủ Tây Ninh (thuộc triều đình Huế) cho khai khẩn vùng đất Bến Cầu. Kết quả lập được 4 thôn là Long Chữ, Long Giang, Long Khánh và Long Thuận”.
Sách Địa chí Tây Ninh 2006 có ghi: “Vào thời kỳ Pháp thuộc (năm 1872), Tây Ninh có 2 quận: Thái Bình gồm 7 tổng, 34 làng và Trảng Bàng gồm 3 tổng, 16 làng. Ba tổng của quận Trảng Bàng là Hàm Ninh Hạ có 6 làng, Triêm Hoá 5 làng và Mỹ Ninh 5 làng (gồm An Thạnh, Lợi Thuận, Phước Thạnh, Phước Lưu, Thạnh Phước)”. Như vậy, làng An Thạnh thuộc tổng Mỹ Ninh. Mãi đến năm 1957, nguỵ quyền Sài Gòn chia tỉnh Tây Ninh thành 3 quận, 10 tổng, 52 xã (Nghị định 01/BNV/HC/NĐ), trong đó 3 quận là Châu Thành, Trảng Bàng và Gò Dầu Hạ.
Năm 1959, Gò Dầu Hạ được chia thành hai quận: Hiếu Thiện và Khiêm Hanh. Quận Hiếu Thiện gồm 3 tổng, 15 xã: An Thạnh, Bình Thạnh, Lợi Thuận, Phước Lưu, Phước Chỉ, Phước Hiệp, Phước Trạch, Thanh Phước, Thạnh Đức, Long An, Long Chữ, Long Giang, Long Khánh, Long Thuận, Tiên Thuận (theo “Sơ thảo lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh” tập I, năm 1981).
Năm 1961 về phía chính quyền cách mạng, cùng với khu căn cứ C1000 (tên khu căn cứ địa mới thuộc Trung ương Cục miền Nam) đổi thành khu căn cứ 105 trực thuộc R (mật danh của Trung ương Cục miền Nam), huyện Bến Cầu được thành lập với 8 xã: Long Thuận, An Thạnh, Tiên Thuận, Lợi Thuận, Long Khánh, Long Giang, Long Chữ và Rừng Nhum (Long Phước ngày nay). Mỗi địa danh làng xã đều có đặc điểm riêng.
Chẳng hạn, tên gọi An Thạnh có từ khi những bậc tiền nhân đến đây mở đất lập nghiệp, mang theo cả ước nguyện được sống trong không khí an bình, làm ăn sung túc, thịnh vượng. Tên gọi An Thạnh bắt nguồn từ đó.
An Thạnh ngày trước còn có tên gọi Gò Dầu Thượng, là làng ở thượng lưu sông Vàm Cỏ Đông. Trước kia, đây là vùng đất hoang vu, có nhiều rừng rậm và thú dữ, được bao bọc bởi đầm lầy, sông rạch, ở giữa có một cái gò cao, nhiều cây dầu, có cây lớn cỡ bằng 3-4 ôm tay người lớn.
Vào thời kỳ xa xưa, cùng với lịch sử hình thành đất phương Nam giữa thế kỷ XVII thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, nội chiến kéo dài, dân tình đói khổ, một số đồng bào miền Trung rời bỏ quê đi vào Nam, đến Cần Giờ, Bến Nghé… làm ăn sinh sống.
Một bộ phận tiếp tục theo đường sông đi lên phía Bắc, đến vùng đất Trảng Bàng khai hoang lập nghiệp. Trong số này có 16 gia đình ở làng Nhật Tảo (Cần Giuộc - Tân An) gồm các họ: Lê, Nguyễn, Trần, Cái, Trương… theo sông Vàm Cỏ đến vùng đất hoang vu An Thạnh rồi dừng chân lập nghiệp, quyết định đặt tên cho làng là Gò Dầu Thượng.
Một góc con đường trong khu dân cư ấp Bến, xã An Thạnh.
Ngày nay, nhiều người dân vẫn quen gọi An Thạnh là Gò Dầu Thượng. Điều lạ và lý thú nơi đây là nhiều tên ấp của An Thạnh chỉ độc một âm như ấp Bến (được hiểu là nơi đây có bến nước, bến thuyền), ấp Voi (theo quan niệm của người dân, khu vực này thời xưa có nhiều voi đi qua và để lại nhiều dấu tích)...
Theo quan sát của các nhà địa lý học, thời bấy giờ, đất An Thạnh nằm trong vùng đất “Đầu rồng, đuôi voi” hứa hẹn sự sung túc, hoá “rồng” trong tương lai; trong đó, “đầu rồng” thuộc địa phận ấp Chánh- ấp trung tâm của xã An Thạnh, còn “đuôi voi” thuộc địa phận ấp Voi.
Có dịp về An Thạnh mới thấy nhiều sự thay đổi ở vùng quê này, đó là những con đường vào khu dân cư đã được tráng nhựa, bê tông phằng phiu thay cho các con đường đất nắng bụi, mưa lầy. Chẳng hạn đường từ trung tâm xã (quốc lộ 22A) rẽ vào chợ hay đường liên ấp - ấp Chánh đi qua khu dân cư ấp Bến, từ quốc lộ 22A rẽ vào khu dân cư ấp Voi, và nhiều con đường ngõ hẻm khác.
Chợ An Thạnh cũng được xây cất đàng hoàng, không còn cảnh người dân mua bán trong chợ lụp xụp hay trên lòng, lề đường như trước. Ngôi trường tiểu học, trường THCS được xây dựng khang trang, đạt chuẩn quốc gia. Khu di tích Gò Dinh Ông, Gò Bà Đao được người dân trông nom chăm sóc bảo vệ.
Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ cũng nằm trong khuôn viên Gò Dinh Ông được người dân thường xuyên quét dọn sạch sẽ. Điều quý báu hơn nữa là ở gò Bà Đao (ấp Chánh) và gò Dinh Ông (ấp Voi) có nhiều di vật cổ trong lòng đất.
Ở di tích Gò Dinh Ông, nhiều năm qua, Bảo tàng Tây Ninh phối hợp cùng Viện Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh khai quật trên diện tích chỉ 66m2, phát hiện, thu giữ đến 150 công cụ đá các loại, rìu đá tứ giác, rìu đá có vai, đục, hàng chục ngàn mảnh gốm, 1 sưu tập xương động vật (nai, hươu, chó rừng, hoẵng) và nhiều vỏ sò, vỏ ốc, các loại nhuyễn thể sống vùng sông nước.
Tại di tích Gò Bà Đao, qua khai quật phát hiện, thu được 79 chiếc rìu đá, hàng chục chiếc đục và cuốc đá, 10 chiếc bàn mài bằng đá sa thạch, nhiều mảnh gốm và mảnh vỡ của công cụ đá như mảnh lưỡi rìu, mảnh chuôi…
Những khu vực này có tiềm năng trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn tại vùng biên giới. Với những di vật nằm trong lòng đất cho thấy cộng đồng dân cư nơi đây đã có cuộc sống sinh động, ổn định, đoàn kết từ ngàn xưa.
Khu di tích Gò Dinh Ông đang được sửa chữa.
An Thạnh ngày nay còn có nhà máy chế biến gạo xuất khẩu công suất xay xát bình quân 80.000 tấn sản phẩm/năm (tương đương tiêu thụ 160.000 tấn lúa hàng hoá/năm). Nông dân có nơi tiêu thụ lúa thuận lợi, góp phần giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập người dân địa phương.
Theo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của UBND xã An Thạnh, từ đầu năm 2021 đến nay, xã đã vận động, huy động được 6,438 tỷ đồng nâng cấp đường giao thông nông thôn; xây dựng nhà đại đoàn kết; quà tết cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (900 phần quà tương đương tiền 483 triệu đồng).
Người dân đều được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sạch hợp vệ sinh; chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định, giữ gìn cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn, phấn đấu đến cuối năm 2021 An Thạnh đạt 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới.
Thuỳ Dung