Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyện về các bà Tổ sáng tạo Phước Lưu cổ tự
Thứ tư: 08:26 ngày 19/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bà Trần Thị Nên là mẹ của ông Mai Văn Lực, sau này là Hoà thượng Trừng Lực, người được coi là Tổ đời thứ nhất của Phước Lưu cổ tự. Một người phụ nữ khác, được coi là thuộc nhóm “Tổ sáng tạo” chùa Phước Lưu, chính là sư cô Diệu Thiện.

Chùa Phước Lưu.

Dân gian thường gọi những người khai sáng lập chùa là các vị “khai sơn tạo tự”. Trên miền đất quê hương của núi Bà Đen, có nhiều ngôi chùa do phụ nữ “khai sơn”, nhiều nhất là ở các ngôi tịnh xá của hệ phái khất sĩ. Đấy là nơi tu hành của các vị ni sư. Ngay ở thành phố Tây Ninh, ta có thể dễ dàng tìm thấy vài ngôi, như tịnh xá Ngọc Ninh, Ngọc Truyền trên địa bàn phường 1.

Trong hệ thống chùa Phật Bắc tông ở Tây Ninh, cũng có một số ngôi do các bà sáng lập. Đấy là chùa Phước Hoà và chùa Hội Phước Hoà ở xã An Hoà, huyện Trảng Bàng. Thành phố Tây Ninh có chùa Như Lai, còn gọi là chùa Ông Hổ do bà Nguyễn Thị Có lập ra vào năm 1930. Bà từng phát nguyện xuất gia tại chùa Thiền Lâm - Gò Kén dưới thời trụ trì của Hoà thượng Từ Phong (Như Nhãn).

Xa xưa nhất và có tiếng tốt vang xa nhất là các bà đã “khai sơn tạo tự” chùa Phước Lưu nay thuộc thị trấn Trảng Bàng. Khi mới lập, đó mới chỉ là một am cốc nhỏ vừa là nơi ở, vừa là chốn tu hành. Ngay tại trang đầu bản chép tay Lược sử nguyên thỉ chùa Phước Lưu cổ tự, Hoà thượng Thích Huệ Tánh, đời thứ 5 trụ trì chùa đã khẳng định: “Chùa Phước Lưu nầy là của Hai Bà sáng tạo, còn đến ngày hôm nay”. Gốc hai bà này là phiêu lưu lục tỉnh, ông bà xui khiến đến Trảng Bàng, mới trụ lại chỗ gốc chùa Phước Lưu hôm nay…”.

Hai bà ấy, theo Vương Công Đức trong sách Trảng Bàng phương chí, một bà là Nguyễn Thị Tử (hoặc Trinh) (1837-1884) pháp danh Chơn Trinh, tự là Diệu Tiết. Bà thứ hai là Trần Thị Nên (1836-1909), pháp danh Chơn Tăng, tự là Tiên Cốt. Bà Tử có nghề ngồi đồng, còn bà Nên lại chuyên nghề bắt mạch, kê đơn bốc thuốc cho dân khắp xứ Trảng Bàng.

Cái am tranh do hai bà cùng nhau tạo dựng, nhưng bà Tử đứng tên làm chủ, nên còn được gọi là am bà Đồng. Sân trong của chùa Phước Lưu hiện nay vẫn còn hai ngôi mộ của các bà, bia đá khắc ghi bằng chữ Hán. Trên bia mộ bà Trần Thị Nên có khắc thêm một dòng chữ, dịch là “giới Ni cô đương chủ”, thêm một lần khẳng định các bà là người đầu tiên “khai sơn tạo tự” chùa này.

Cần nhắc lại rằng, bà Trần Thị Nên là mẹ của ông Mai Văn Lực, sau này là Hoà thượng Trừng Lực, người được coi là Tổ đời thứ nhất của Phước Lưu cổ tự. Một người phụ nữ khác, được coi là thuộc nhóm “Tổ sáng tạo” chùa Phước Lưu, chính là sư cô Diệu Thiện. Sư cô là em gái út (thứ bảy) của Hoà thượng Trừng Lực, nên còn được gọi là “Bà Bảy Diệu Thiện”.

Theo Hoà thượng Huệ Tánh: “Bà cũng là vị chơn tu, đặc biệt là có đi khoá luật trường Hương tại chùa Long Triều ở chợ Đệm, các vị Hoà thượng Giác Hải, Long Triều lúc còn sanh tiền đều biết bà. Bà Bảy là người phái nữ đầu tiên đi khoá luật, chẳng những ở Tây Ninh, mà có thể kể cả Nam kỳ lục tỉnh…”.

Theo Long vị thờ tại chùa thì bà Bảy có tên huý là Tâm Tánh, pháp danh Thích nữ Diệu Thiện. Bà mất năm 1938, thọ 71 tuổi theo âm lịch. Tính ra là bà sinh năm 1868. Hoà thượng Huệ Tánh viết: “Bà thuộc nhóm người sáng lập chùa Phước Lưu và là vị viên tịch sau chót trong nhóm ấy”.

Có một “chuyện tình” của ông Nguyễn Vạng Bửu, nguyên Cai tổng Hàm Ninh Thượng, quận Trảng Bàng có liên quan đến bà Bảy Diệu Thiện. Bản chép tay Lược sử nguyên thỉ chùa Phước Lưu cổ tự có đoạn chép rằng: “Thời gian còn trẻ, trước khi thọ giới xuất gia, bà cũng được một quan chức ở Trảng Bàng đến viếng chùa và thấy bà bưng nước đãi khách nên ngỏ ý muốn cưới bà.

Cụ Tổ (ý nói về sư Trừng Lực) đã khuyên dạy bà không nên theo đường thế tục, và bà lẩn trốn trong lu lớn mỗi khi quan chức ấy đến tìm gặp bà. Bà Bảy đã giữ trọn đời tu hành giải thoát cho đến khi viên tịch tại chùa…”.

Về câu chuyện này, trong cuốn Vạng Bửu tự thuật, tác giả có viết hẳn một mục tựa đề Oan trái éo le. Đấy là vào năm 1892, khi ông Vạng Bửu vừa 40 tuổi, mới lên chức Cai tổng hạng 3, đây cũng là lúc: “về nhìn gia đạo trước sau đều vắng lạnh, lửa lòng leo lét…”.

Tại chùa Phước Lưu, có cô vãi hiệu là đạo Thiện, tuổi còn nhỏ, sắc còn nồng mà lại sớm gửi thân vào chốn thiền đường, mạnh mẽ chí tu trì để rửa lòng trần tục. Thấy thế, tôi rất cảm đến người nhược chất, thừa lúc rảnh giờ tôi viết đại một bài (thơ) để đọc chơi giải buồn, mặc dầu viết rồi tôi cũng biết khua động là có tội…”.

Năm 1892, tức là cô Diệu Thiện mới 24 tuổi, và mới chỉ là “bà vãi” chưa phát nguyện tu hành.

Bài thơ có tựa là Mong ước với 2 câu mở đầu:

“Trước kính mô Phật má, và mô Phật các sư huynh

Sau mô Phật một chữ tình, là mô Phật cô Đạo Thiện”. Tiếp theo là 25 câu nữa, xin trích một vài câu:

“Phận cô áo từ bi gài vãi/ Lòng tôi mong mở cửa động đào/ Dẫu đặng không cũng đánh một quào/ Phật có quở thì tôi Nam mô a di đà Phật/ Bớ cô Đạo Thiện ơi!/ Cửa bồ- đề lòng cô mong đóng chặt/ Lấy chước gì để trả nợ ba sinh/ Mùi say sưa cô nên giả chút tình/ Đừng ngơ ngác mà ngậm hờn về chín suối…/ Ý mầng răng cũng theo dõi với tình/ Bịnh đoạn trường lương dược chữa được không/ Cô phải ngả mặn mới an mọi chứng”.

Theo ông Vạng Bửu, bài thơ để trên bàn chứ không có ý gửi, nhưng vô tình mà một người giúp việc thấy, lẻn đem đi dán trước cổng chùa. Sau có một bổn đạo cao tuổi cầm thư đến gặp, đại ý là bà thân của cô Diệu Thiện nhờ đến hỏi:- Nếu thực lòng như lời thơ viết, thì nhà chùa sẽ cân nhắc việc cho cô Đạo Thiện để tóc.

Ông Vạng Bửu mới thưa rằng: “Xin ông về trả lời lại với nhà chùa giùm, rằng tôi rất ăn năn và nguyện xin sám hối việc tôi làm. Vì tôi làm động tâm đến một linh hồn đã xa mùi thế tục, thiệt tôi không biết làm sao rửa sạch tội này. Bởi cái buồn của tôi dồn dập quá nên tôi lúc cảm hứng mượn văn chương để gần chốn am mây nhìn thoàn bát nhã- Rồi tôi xin bức thư lại”.

Trên đây mới là chuyện của ba bà “Tổ sáng tạo” chùa Phước Lưu, may được người đời ghi chép lại. Còn biết bao câu chuyện khác của nhiều thế hệ nữ tu Phật giáo đã chìm khuất vào bóng tối thời gian hàng trăm năm quá khứ. Nhưng hình bóng của họ vẫn còn đó đây trên nhiều ngôi chùa và tịnh xá Tây Ninh.

Những bóng dáng màu đà hoặc màu lam, cần cù lao động, chay tịnh tiêu dùng, tương chao hẩm hút, nhưng họ vẫn dấn thân nhập thế, hy vọng làm được nhiều việc thiện hơn để giúp ích cho đời.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục