Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyện về căn cứ Suối Môn
Thứ tư: 09:33 ngày 01/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong kháng chiến chống Mỹ, căn cứ Suối Môn là nơi đóng quân của Chi bộ, lực lượng vũ trang xã Phan.

“Hồi sáng, khi mới vừa tới đây, tôi đốt bó nhang đi cắm vòng vòng dưới chân căn cứ Suối Môn, vì hồi chiến tranh có một số anh em hy sinh, đích thân tôi tự tay chôn cất, nhưng tới giờ vẫn chưa tìm thấy hài cốt”- ông Nguyễn Tân Hiệp, nguyên cán bộ cách mạng hoạt động ở căn cứ Suối Môn chậm rãi bắt đầu câu chuyện kể về căn cứ như thế.

Ông Nguyễn Tân Hiệp- nguyên cán bộ cách mạng hoạt động ở căn cứ Suối Môn kể lại chuyện thời chiến tranh ở căn cứ Suối Môn.

Trong kháng chiến chống Mỹ, căn cứ Suối Môn là nơi đóng quân của Chi bộ, lực lượng vũ trang xã Phan. Căn cứ rộng khoảng 5ha, kéo dài từ chân núi lên độ cao gần 400m, thuộc địa phận ấp Phước Long 2, xã Phan, huyện Dương Minh Châu (DMC) ngày nay.

Nơi đây đã từng trực tiếp chống càn, diệt ác, phá kiềm, đào phá đường, ngăn chặn các cuộc tấn công của địch vào các cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam trong chiến khu DMC. Đồng thời là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm, phục vụ bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực trong suốt cuộc kháng chiến cho đến ngày miền Nam giải phóng.

Căn cứ cũng là nơi mà cán bộ các cơ quan của Huyện uỷ DMC trú đóng, như Ban Kinh tài, Ban An ninh, Ban Quân y và nhiều đơn vị khác, như Đoàn 82 của Trung ương Cục, Sư đoàn 5, Sư đoàn 7, Sư đoàn 9. Nơi sườn núi này đã có không ít cán bộ xã, cán bộ Huyện uỷ DMC hy sinh trong những trận càn, những trận oanh kích bằng pháo binh, bằng máy bay của kẻ thù, do bom đạn cày đi, xới lại mà chưa thể tìm thấy xác. 

Trong buổi họp mặt nhân dịp kỷ niệm 44 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975- 30.4.2019), đông đảo cán bộ, đoàn viên, thanh niên, học sinh trong huyện đã được nghe những người từng hoạt động cách mạng ở căn cứ Suối Môn kể về những năm tháng đầy gian khó ở những hang động trên sườn núi này, để hiểu và thương, trân trọng những sự hy sinh, mất mát của lớp cha anh thời kháng chiến.

Ông Nguyễn Tân Hiệp, 78 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, hiện ngụ xã Hiệp Tân, huyện Hòa Thành, kể: Năm 1969, Mỹ đưa ra chiến thuật “giữ và quét”- “tức là càn quét bên ngoài, giữ bên trong”, ông Hiệp giải thích thêm. Lúc đó, địch tập trung đánh phá ác liệt ở rừng huyện DMC. Chi bộ xã Phước Hội (xã Phan ngày nay) họp bàn phải đưa một bộ phận lên Suối Môn này để vận động quần chúng đấu tranh, bẻ gãy âm mưu của địch.

Sau khi bàn bạc, Chi bộ thống nhất cử ông Hiệp (lúc bấy giờ là Phó Bí thư Chi bộ Phước Hội) và ông Nguyễn Văn Đang (5 Đang) cùng một số cán bộ và 4 du kích lên căn cứ Suối Môn. Lên căn cứ được mấy ngày, chưa chuẩn bị lương thực, thực phẩm bao nhiêu thì địch bao vây, càn quét căn cứ này. “Sáng ra, pháo bắn quyết liệt lên sườn núi. Bắn xong, máy bay ném bom. Sau đó, máy bay trực thăng chở quân đổ bộ trên đồng ruộng. Một lát sau, thấy mấy chiếc xe lội nước càn vô. Chúng bao vây núi một thời gian, anh em trên căn cứ hết lương thực. Tết năm đó, anh em không về nhà ăn tết và người dân cũng không vô ra núi được, nên cán bộ chiến sĩ ở đây không liên lạc được với bên ngoài”- ông Hiệp kể.

Thời điểm đó, trong căn cứ có một số người bị bệnh sốt rét nhưng không có thuốc men, lương thực, hằng ngày phải hái rau rừng luộc ăn. Ăn riết rồi chịu đựng hết nổi, ông Hiệp và ông Đang bàn nhau liều mình xuống núi tìm lương thực.

Hai người cải trang thành người dân đi kiếm bò bị lạc. Khi xuống núi, ông Hiệp và ông Đang may mắn gặp được bà Bảy Đò- một người dân ở ở Bàu Sen, đang làm ruộng. Sau khi trình bày hoàn cảnh hết lương thực, thực phẩm, bà Bảy Đò chỉ cho một chỗ dưới gốc tre- nơi bà đã chôn giấu sẵn một ít thức ăn. Hôm sau, hai ông bí mật đến nơi bà Bảy Đò chỉ dẫn đào bới, thì tìm được khoảng 10 lít gạo và 10 lon cá mòi. Sau khi đem lương thực này về căn cứ liền nấu cháo với rau. “Cứ mỗi ngày lấy 2 lon gạo nấu cháo với rau cho 10 người ăn. Anh em nào bị bệnh thì ăn cháo nhiều hơn một chút”, ông Hiệp nhớ lại.

Lãnh đạo huyện, xã và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm trước căn cứ Suối Môn.

Điều ông Hiệp trăn trở nhất là từ ngày được bà Bảy Đò giúp đỡ, sau giải phóng ông Hiệp đã nhiều lần tìm kiếm nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy ân nhân này.           

Nhưng điều khiến ông Hiệp đau đáu hơn là trong quá trình hoạt động cách mạng ở Suối Môn, có nhiều cán bộ cách mạng đã hy sinh, hơn 40 năm nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt.

Chỉ về phía những hố bom dưới chân căn cứ Suối Môn, vị cán bộ lão thành cách mạng này kể tiếp: “Lúc ấy, tôi chôn chỗ đó 3 người và một số người chôn riêng, nhưng đến nay vẫn chưa  tìm được mộ”. Ông Hiệp giải thích, thời đó, hầu hết mọi người ở đây đều bị sốt rét, sức khỏe rất yếu. Khi có đồng đội hy sinh, anh em chỉ đủ sức đào huyệt sâu khoảng 5-7 tấc, để thi thể xuống và lấp lại.

Trong những năm tháng chiến tranh, bom đạn của kẻ thù bỏ xuống đây rất nhiều, tạo thành những hố bom quanh chân núi. Cộng với điều kiện tự nhiên, nước mưa xói mòn và sau ngày miền Nam giải phóng, người dân đến đây khai khẩn đất đai để trồng chuối, trồng xoài. Tất cả những điều đó làm thay đổi hiện trạng, nên đến nay chưa tìm được hài cốt của những người đã hy sinh.

Cuối buổi họp mặt, ông Hiệp bày tỏ mong muốn các thế hệ trẻ hiện nay cố gắng gìn giữ, tôn tạo, tu bổ cho căn cứ cách mạng này ngày càng hoàn chỉnh hơn. Đây cũng là vấn đề lãnh đạo, chính quyền địa phương rất quan tâm. Trao đổi với chúng tôi về việc đầu tư xây dựng căn cứ Suối Môn, ông Huỳnh Trung Tài- Bí thư Đảng ủy xã Phan cho biết, vừa qua xã đã đầu tư sửa sang, mở rộng mặt sân của căn cứ Suối Môn để tổ chức lễ họp mặt truyền thống dễ dàng hơn. Sắp tới, xã sẽ cùng với UBND huyện DMC đầu tư xây dựng đường giao thông nối liền từ đường 792 vào căn cứ Suối Môn cho dễ đi lại và tiếp tục mở rộng mặt bằng khu vực sân lễ của căn cứ này để căn cứ Suối Môn ngày càng khang trang hơn.

Ông Ngô Hồng Cơ, 54 tuổi, người làm nghề trồng rau ở gần căn cứ Suối Môn cho biết, ở đây có nhiều hang động nối liền nhau, tạo thành một hệ thống giao thông hào tự nhiên dưới lòng núi. Từ miệng hang này có thể đi ngang trong lòng núi, rồi “trổ” lên một miệng hang gần chùa Bà và một địa điểm ở lưng chừng núi.

Ông Nguyễn Tân Hiệp (đội nón) trao đổi tư liệu lịch sử về căn cứ Suối Môn với ông Trần Văn To- Chủ tịch UBND huyện DMC

Trong những năm tháng chiến tranh, cán bộ, chiến sĩ của xã Phan đã dùng ván lót và cây rừng để bắc cầu qua những nơi khó đi hoặc hố sâu trong hang động, tạo thành một đường giao thông thông suốt. Bản thân ông cũng đã nhiều lần đi lại trong hệ thống hang động này.

Theo người nông dân này, hiện nay các ván lót, cầu cây trong đường hầm này đã bị mục nát, không còn đi lại được nữa. Các miệng hang cũng bị dây leo chằng chịt, rất khó vào. Nếu nơi đây được đầu tư, phục hồi sẽ trở thành một điểm du lịch sinh thái rất lý tưởng.

Theo quan sát của chúng tôi, căn cứ Suối Môn nằm ở vị trí rất đẹp. Xung quanh có nhiều cây xanh che mát, tiếng chim hót véo von không ngừng. Trước Căn cứ còn nguyên vẹn một hố bom in sâu xuống lòng đất. Đây là di tích chiến tranh còn giữ lại, rất có ích cho việc giáo dục truyền thống, lịch sử cho thế hệ trẻ.

Cách đó không xa, một con suối nước trong veo, mát lạnh, chảy róc rách quanh năm. Dưới lòng suối còn vài khóm môn mọc rải rác, nghiêng nghiêng trong gió. Trên bờ suối là vườn xoài cổ thụ cả trăm năm tuổi. Mỗi thân cây xoài to cỡ hai vòng tay người lớn, trái xum xuê oằn xuống sát mặt đất. Nếu nơi đây được chính quyền địa phương đầu tư phục hồi, tôn tạo và đẩy mạnh công tác quảng bá thì chắc chắn Suối Môn sẽ trở thành một “địa chỉ đỏ” được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tìm đến.

Đại Dương

Báo Tây Ninh
Tin liên quan