Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
2 giờ đêm, khi đơn vị còn chìm trong giấc ngủ, các chiến sĩ nuôi quân bắt đầu công việc của một ngày mới. Dưới ánh đèn điện, không khí làm việc thật trật tự và tất bật. Mỗi người một việc theo sự phân công, đôn đốc của bếp trưởng.
Chiến sĩ nuôi quân Sư đoàn 5 chuẩn bị bữa ăn cho bộ đội.
Một ngày đầu tháng 5, tôi có dịp trực tiếp đi thăm một số bếp ăn, gặp và trò chuyện cùng nhiều chiến sĩ nuôi quân ở Sư đoàn 5. Trọn một ngày chứng kiến, tôi mới thấu hiểu hơn nỗi vất vả, tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương đồng chí, đồng đội, cùng bàn tay khéo léo trong từng công việc của các chiến sĩ "Lê Anh Nuôi". Phía sau những chiến công của đơn vị, họ luôn là người lặng lẽ, âm thầm đóng góp công sức của mình.
2 giờ đêm, khi đơn vị còn chìm trong giấc ngủ, các chiến sĩ nuôi quân bắt đầu công việc của một ngày mới. Dưới ánh đèn điện, không khí làm việc thật trật tự và tất bật. Mỗi người một việc theo sự phân công, đôn đốc của bếp trưởng.
Người vo gạo, nấu cơm; người chuyển những sọt rau đã rửa sạch, những rổ đựng đầy các loại củ quả đã thái sẵn từ kho thực phẩm vào bếp. Sau một giờ nổi lửa, khắp gian bếp đã dậy lên mùi thơm nồng nàn, quyến rũ của các món như canh rau, đồ kho, đồ xào…
Ðến 4 giờ 30 phút, công việc hoàn tất. Họ lại lặng lẽ chia khẩu phần ăn và dọn bàn. Khoảng 5 giờ 45 phút, công việc chuẩn bị cho bữa ăn sáng của đơn vị mới tạm xong. Trong nhà ăn, trên mặt bàn inox sáng bóng, cơm, canh còn nóng hổi, các món thịt gà kho, rau cải xào, đậu hũ, nước chấm được chia theo từng khẩu phần trong các đĩa inox loại 4 ngăn, đậy điệm kỹ càng. 6 giờ sáng, từ các đại đội, chiến sĩ đi thành từng hàng ngay ngắn, tiến về nhà ăn.
Việc chuẩn bị cho bữa ăn trưa và chiều trong ngày được bắt đầu từ 7 giờ và 13 giờ 30. Công việc đầu tiên là nhặt rau, chế biến thực phẩm. Mọi việc thường kết thúc vào lúc gần 12 giờ và hơn 17 giờ.
Nhìn bảng thực đơn trong ngày của các bếp ở Sư đoàn 5, tôi càng cảm nhận được sự vất vả của những người lính nuôi quân. Toàn bộ cả ba bữa sáng, trưa, chiều trong ngày đều phải đảm bảo thực đơn: món có hàm lượng đạm cao như thịt, cá, đậu hủ… một món rau luộc hoặc xào; canh, nước chấm. Ngoài ra, mỗi bàn ăn còn có thêm các hũ gia vị như nước mắm, giấm ớt, giấm tỏi, tiêu… Riêng bữa trưa còn có trái cây tráng miệng.
Tại bếp ăn của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 4, vừa kiểm tra xong nồi cá kho dùng cho bữa trưa, Hạ sĩ Nguyễn Ngọc Trai- Trung đội phó Trung đội nuôi quân tâm sự: nhập ngũ năm 2017, kết thúc chương trình huấn luyện chiến sĩ mới, Trai đăng ký đi học lớp đào tạo tiểu đội trưởng chuyên ngành bộ binh.
Trở về đơn vị, Trai được phân công vừa trực tiếp nấu ăn, vừa quản lý, chỉ huy trung đội phục vụ. Ban đầu Trai lo lắm, vì công việc được phân công không đúng với chuyên ngành học, chuyện bếp núc chưa quen, chưa có kinh nghiệm, nhất là quân số đơn vị đông, phục vụ cho hàng trăm người.
Vì thế, thời gian đầu khi có “sự cố” cơm sống, cơm nhão, Trai vô cùng bối rối. Sau đó, anh được bếp trưởng, rồi trợ lý hậu cần Tiểu đoàn hướng dẫn, kết hợp với học hỏi từ đồng đội, anh nhanh chóng thành thạo hết các công. Cũng nhờ làm anh nuôi, nên có đợt tranh thủ về thăm gia đình Trai bèn trổ tài nấu ăn, cả gia đình ai cũng bất ngờ, tấm tắc khen ngon.
Còn với binh nhất Nguyễn Minh Kha, trước khi nhập ngũ, anh hoàn toàn không biết nấu một bữa ăn hay rửa chén, đũa. Huấn luyện chiến sĩ mới xong, Kha được biên chế về trung đội phục vụ. Kha kể, sau mỗi bữa ăn của đơn vị, bộ phận nhà bàn khẩn trương vệ sinh lại nhà ăn.
Tiếp đến, rửa sạch sẽ, để ngay ngắn trên kệ khoảng gần 500 chiếc khay, gần 100 chiếc cơ, chậu và trên 200 chiếc muỗng. Tháng đầu, Kha vô cùng chán nản, gọi điện, viết thư về gia đình anh vẫn kể chuyện huấn luyện, diễn tập, hành quân dã ngoại… không dám nói thật công việc của mình. Sau đó, được chỉ huy đơn vị giải thích rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của mỗi công việc, từng bước Kha quen dần và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thiếu tá Trương Ðình Phú- Phó Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 5 giải thích: mỗi bếp ăn có một trung đội phục vụ với 3 bộ phận gồm: bộ phận sơ chế, tinh chế; bộ phận chế biến nhiệt (hay còn gọi là nấu ăn) và bộ phận nhà bàn, vệ sinh.
Các chiến sĩ nuôi quân phải giỏi công việc của bộ phận mình, biết làm nhiệm vụ của bộ phận khác. Sơ chế, tinh chế yêu cầu phải phân loại, làm sạch sẽ các loại thực phẩm, rau, củ, quả. Ðặc biệt khi thái thực phẩm như thịt, cá, rau, củ, quả… phải đẹp, đúng kích cỡ để khi chia món ăn theo khẩu phần, bảo đảm đều như nhau cả về số lượng, chất lượng.
Mấy năm nay, các bếp ở Sư đoàn 5 đều sử dụng lò hơi công nghệ mới. Từ cuối năm 2017 đến nay, Sư đoàn đã đầu tư mua sắm máy thái các loại thịt, xương, bắn chả cá viên… do đó việc nấu ăn có thuận tiện hơn. Vất vả, khó khăn nhất của chiến sĩ nuôi quân đó là các đợt phục vụ đơn vị hành quân dã ngoại và diễn tập.
Khi đó, chiến sĩ nuôi quân vừa phải triển khai làm hệ thống bếp Hoàng Cầm đúng quy cách, bảo đảm yếu tố bí mật, sát thực tế chiến đấu, vừa phải có kế hoạch tiếp phẩm, khai thác chất đốt, nguồn nước tại chỗ, lo khẩu phần ăn cho bộ đội đúng, đủ, ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Dù trong tương lai, chiến tranh có phát triển theo xu hướng số hoá, công nghệ cao... thì chiến sĩ nuôi quân vẫn miệt mài với nồi niêu, xoong chảo, mắm muối, suất ăn. Hình ảnh và công việc của chiến sĩ nuôi quân ở Sư đoàn 5 gợi cho tôi nhớ tới lời bài hát “Nổi lửa lên em” của nhạc sĩ Huy Du:… “vũ khí ta mang đâu có là tên lửa, chỉ bếp than hồng ủ chín hơi cơm…”.
Xuân Thu