Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8.3
Chuyện về một nữ kiểm sát viên
Chủ nhật: 08:07 ngày 08/03/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Trong ngành Kiểm sát tỉnh Tây Ninh có một tấm gương để các cán bộ nữ trẻ noi theo. Đó là chị Lê Kim Phượng- Trưởng Phòng Kiểm sát việc giải quyết án dân sự và hôn nhân gia đình, thuộc Viện KSND tỉnh.

Cách đây 20 năm, với tấm bằng tốt nghiệp chính quy Trường đại học Pháp lý, chị Phượng có thể chọn được một công việc phù hợp tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chị đã chọn trở về phục vụ cho ngành Kiểm sát tỉnh nhà từ những ngày còn khó khăn, thiếu nhân lực trầm trọng. Chị đã không ngại khó, ngại khổ, đem hết tâm huyết, trí lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, trang thiết bị còn yếu kém, sơ sài. Bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ, báo cáo án, tham gia phiên toà… là những việc phải xử lý trong giờ hành chính, còn có những buổi trực cuối tuần, ngày nghỉ lễ một mình trong cơ quan vắng vẻ, nhưng chỉ cần có điện thoại là chị lên đường làm nhiệm vụ không chút nề hà. Không phải hiện trường vụ án nào cũng nằm ở trung tâm huyện, thị xã, đường đi lối lại dễ dàng; lại càng không phải cứ đúng giờ hành chính mới đi khám nghiệm, chị vẫn lặng lẽ nghiêm chỉnh làm việc… Công việc của cán bộ kiểm sát viên trẻ như chị lúc ấy cũng không kém phần vất vả, thậm chí nguy hiểm.

Nhiều năm qua, chị Phượng là người trực tiếp hướng dẫn nhiều cán bộ kiểm sát trẻ khi mới vào ngành. Với bản tính hiền hoà, nhân hậu, dễ gần gũi, chị luôn nhiệt tình chỉ bảo các cán bộ trẻ về cách thực hiện nhiệm vụ được giao, cách sắp xếp hồ sơ kiểm sát, cách phân tích các tình tiết của vụ án, đề xuất ý kiến đối với lãnh đạo... Chị thường chia sẻ với đồng nghiệp trẻ: “Muốn thành công, điều duy nhất mà em cần đó là hãy yêu nghề hết mình, sống với cái tâm trong sáng cộng với sự cố gắng của bản thân, chị tin em sẽ làm được tất cả!”. Chính phương châm làm việc “hết việc chứ không hết giờ”, chị luôn cặm cụi chăm chú nghiên cứu những hồ sơ vụ án dày hàng trăm trang, có nhiều tình tiết phức tạp cần phải làm rõ cho đến khi nào tìm ra được phương án giải quyết cụ thể, rõ ràng chị mới cho phép mình được ra về. Theo chị Phượng, sau mỗi một bản án dân sự, hình sự là những mảnh đời lầm lỡ và éo le nên chị luôn nhắc nhở các cán bộ kiểm sát trẻ rằng: “Chúng ta khi thực hiện nhiệm vụ ngoài việc tuân theo quy định của pháp luật cần phân tích cả cái tình, có như vậy mới không làm sai lệch vụ án, xét xử đúng người đúng tội. Bản án cuối cùng là hình phạt của pháp luật còn toà án lương tâm mỗi người mới chính là bản án mà họ mang theo suốt đời”.

Ở cơ quan, chị Phượng là người có một tấm lòng khoan dung, độ lượng và biết sống hết mình. Chị luôn là trung tâm đoàn kết nội bộ và ở chị toát lên sự bình dị, chân thành của tình đồng chí với đồng nghiệp, sự gần gũi thân thiết với cán bộ trẻ như người trong gia đình, nhất là sự chuẩn mực trong cư xử, quan hệ công tác với mọi người. Đối với lãnh đạo đơn vị, chị luôn tâm niệm đây là những người đi trước và có nhiều công sức đóng góp cho sự phát triển của ngành, ở mỗi vị lãnh đạo đều có một đức tính hay, một tài năng đáng học hỏi, có một tầm nhìn vượt trội nên chị luôn phấn đấu và nâng cao tâm lực của mình để có thể trở thành một người có tài, có tâm và có tầm…

Có thể nói, chị Phượng là một nữ kiểm sát viên gương mẫu “công minh, chính trực, khách quan và khiêm tốn” trong công việc, là người giản dị, dịu dàng trong vai trò một người phụ nữ giữ lửa cho gia đình. Chị luôn là tấm gương sáng về học tập cho các em noi theo; là người con hết lòng hiếu thảo phụng dưỡng mẹ già; là người vợ hết lòng chăm lo cho con để chồng có thể yên tâm công tác xa; là người mẹ tâm lý và tình cảm, thương yêu con cái.

XUÂN BÍCH 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục