Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyện về những giáo viên trường y
Thứ hai: 09:35 ngày 24/02/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hàng chục năm qua, Trường trung cấp Y tế tỉnh là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Y tế địa phương, góp phần thực hiện công tác chăm lo sức khoẻ cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Duyên nghề…

Hơn 10 năm gắn bó với trường, Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hiếu- giáo viên bộ môn Dược cho biết, sau khi tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Dược, chị có hơn 10 năm làm việc cho công ty dược ngoài tỉnh. Có gia đình, chị muốn về làm việc gần nhà nên trở về quê. Năm 2013, chị Hiếu được tuyển về làm giáo viên tại trường. Thay đổi môi trường làm việc, nhưng do đã có sự chuẩn bị nên chị cũng không mấy bỡ ngỡ. Chị học thêm nghiệp vụ và kinh nghiệm từ các thầy cô chung trường để nhanh chóng nắm bắt công việc mới. “Lúc đầu không phải là đam mê, nhưng sau này gắn bó với nghề, tôi lại ngày càng yêu thích nó”- chị Hiếu tâm sự.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Hiếu và học sinh 

Khi đi dạy ở Trường trung cấp Y tế, chị được tiếp cận nhiều đối tượng học sinh ở các độ tuổi khác nhau. “Tôi thích nhất được đứng lớp vì sự gần gũi, thoải mái, được truyền đạt những kinh nghiệm thực tế của mình cho học sinh” - Hiếu chia sẻ.

Để nâng cao chuyên môn, cô giáo Hiếu không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức cho bản thân. Sau khi về trường, chị học lên cao học ngành Dược, đại học chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, Kỹ thuật xét nghiệm. Theo chị, có vốn ngoại ngữ, việc nghiên cứu tài liệu giảng dạy thuận tiện hơn.

Chị Hiếu liên tục tìm tòi, áp dụng các phương pháp sáng tạo trong làm tiểu luận, thảo luận, thuyết trình nhóm… giúp phát huy tính năng động của học sinh. Chị bày tỏ: “Công tác tại ngôi trường này, tôi luôn nỗ lực truyền đạt toàn bộ kiến thức của mình cho học sinh. Đây là công việc tôi đã lựa chọn và gắn bó lâu dài nên đặt hết tâm huyết của mình vào đó”.

Một giáo viên khác cũng có nhiều gắn bó với Trường trung cấp Y tế là cô Trương Thị Tâm- giáo viên bộ môn Điều dưỡng. Tốt nghiệp Cao đẳng ngành Y tại tỉnh Thanh Hoá, chị có hơn 10 năm gắn bó với nghề điều dưỡng ở quê nhà và Trung tâm Y tế huyện Tân Biên. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề y nên chị được hướng theo nghề sau khi tốt nghiệp THPT.

“Sau này khi làm việc thực tế tôi thấy nghề y ngoài việc trực tiếp cứu người còn có thể kêu gọi giúp đỡ những bệnh nhân khó khăn giúp họ vượt qua nguy khốn. Đây là những việc làm tôi thấy rất ý nghĩa”- chị Tâm nói.

Cô Trương Thị Tâm (bên trái) trong lễ kết nạp Đảng tại trường

Năm 2020, chị Tâm chuyển về Trường trung cấp Y tế tỉnh làm công việc hành chính. Đến cuối năm 2023, chị được giao nhiệm vụ đứng lớp. Chị Tâm chia sẻ: “Lúc đầu, tôi cũng thấy lo. Nhưng được sự tin tưởng của lãnh đạo trường, sự hỗ trợ của đồng nghiệp, tôi có thêm tự tin. Đến giờ tôi đã quen và dần yêu thích công việc giảng dạy”. Theo chị, dù làm công tác chuyên môn hay giảng dạy thì đều có những trải nghiệm thú vị.

Công tác ở trường cuối năm 2009, cô giáo Trần Thị Phương Kiều cũng có những trải nghiệm quý tại đây. Cô là giáo viên tiếng Anh. Đây là môn học chung nên tất cả học sinh, học viên của trường đều phải học. Tiếp xúc với nhiều đối tượng học sinh ở nhiều lứa tuổi khác nhau, cô có cách truyền đạt kiến thức và ứng xử khác nhau. “Học sinh trẻ sẽ tiếp thu môn học nhanh hơn. Trong số những người lớn tuổi, có người có nền tảng ngoại ngữ khác. Vì vậy, tuỳ đối tượng mà tôi có cách dạy, ứng xử khác nhau”- cô Kiều nói.

Cô Trần Thị Phương Kiều và học sinh trong ngày lễ nhà giáo 20.11

Ngoài chuyên môn, cô Kiều còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ, Công đoàn… “Tham gia hoạt động đoàn thể, đặc biệt là Đoàn Thanh niên, tôi được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều bạn trẻ. Họ giúp tôi có thêm năng lượng và sự nhiệt huyết với mong muốn góp phần đào tạo ra đội ngũ y tế không chỉ giỏi chuyên môn mà còn có kỹ năng mềm. Để sau khi ra trường các em có thể thích ứng với môi trường công tác một cách tốt nhất”- cô Kiều bày tỏ.

…Và nhiều kỷ niệm đáng nhớ

Nhiều năm gắn bó, song hành cùng các thế hệ học sinh, học viên của trường, các cô có rất nhiều kỷ niệm.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Hiếu nhớ về lớp đầu tiên mình chủ nhiệm. “Đó là lớp đầu tiên chủ nhiệm nên tôi ấn tượng mãi, các em học giỏi lắm. Sau này dù mỗi người có cuộc sống riêng nhưng những ngày lễ, kỷ niệm đều vẫn nhớ để gửi lời chúc mừng cô hay tổ chức gặp mặt. Tôi vui lắm!”- chị hạnh phúc chia sẻ.

Chị Hiếu luôn thân thiện, gần gũi với học sinh của mình nên được nhiều thế hệ học sinh quý mến. Tình cảm của học sinh là một trong những điều khiến chị gắn bó với nghề suốt hơn chục năm nay và cả sau này.

Công tác đoàn thể giúp chị Trần Thị Phương Kiều làm được nhiều việc ý nghĩa. Chị từng viết bài đăng tập san Nghề y về gương một em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ bài viết đó, em được một đơn vị hỗ trợ giúp tiếp tục việc học hành. Hay những ngày giữa đại dịch Covid-19, chị thường xuyên hỗ trợ lương thực cho một học sinh bị nhiễm bệnh khi tham gia phòng, chống dịch, động viên em vượt qua khó khăn. Đến giờ, các em đều có việc làm ổn định. Đó chính là hạnh phúc đối với người giáo viên như chị.

Đối với cô giáo Trương Thị Tâm, câu chuyện về một bệnh nhân tại thị trấn Tân Biên, nhờ sự tận tình chăm sóc, hỗ trợ của cô từ khi nằm viện đến lúc về nhà mà bây giờ thân quen như người nhà là một câu chuyện thực tế đáng quý. Đó cũng là điều chị muốn truyền dạy cho học sinh của mình: lương y như từ mẫu.

Vi Xuân

Tin cùng chuyên mục