BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện về những nữ cựu tù kháng chiến

Cập nhật ngày: 29/04/2011 - 08:23

Hội Người tù kháng chiến tỉnh Tây Ninh hiện có xấp xỉ 1.000 hội viên, trong đó hơn 1/3 là nữ. Đã 36 năm kể từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, quá khứ đã lùi xa nhưng ký ức về một thời đấu tranh gian khó mà hào hùng vẫn còn in đậm trong tâm trí của những nữ chiến sĩ cách mạng năm xưa. Những câu chuyện kể về những năm tháng tù đày của họ khiến cho những người trẻ, chưa từng trải qua chiến tranh như chúng tôi phải rùng mình về sự khốc liệt của nó.

Cô Dung tìm niềm vui với các đứa cháu nhỏ

Cô Hồ Thị Dung, hiện ngụ tại khu phố 1, phường 3 (Thị xã) vẫn còn nhớ như in những màn tra tấn mà kẻ thù đã dành cho cô…

Cuối năm 1968, cô gái trẻ tên Dung mới tròn 17 tuổi, bị địch bắt trong một trận càn giữa lúc cô đang phục vụ đội giải phẫu C13, phân khu I, đóng ở Lộc An. Dung là nữ duy nhất trong nhóm 3 người bị bắt. Trong nhà tù của địch, cô gái nhỏ cũng phải nếm trải các ngón đòn tra tấn dã man của địch, như bất cứ chiến sĩ cách mạng bị tù đày nào khác. Cô bị chúng đánh vào đầu, bị đổ nước ớt, nước xà bông vào miệng, bị đóng đinh vào mười đầu ngón tay… Chịu đủ mọi cực hình nhưng vốn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng nên cô gái nhỏ vẫn luôn tỏ ra gan lì, vững vàng, quyết không khai báo những điều có hại cho cách mạng. Cô luôn ghi nhớ lời giáo huấn của một người chị: “Không bao giờ được đầu hàng, không được làm nhục gia đình”. Gan dạ thế nhưng cô gái trẻ hồi ấy cũng còn khờ lắm, có lúc cô không dám ăn cơm vì nghi ngờ kẻ thù bỏ thuốc vào thức ăn, sợ ăn vào sẽ… u mê đầu óc rồi khai báo lung tung! Có lúc cô “cương” với kẻ thù đến nỗi bị đánh gãy cả răng vì không chịu… cúi chào chúng. Cô vẫn thường xuyên cùng các anh chị trong tù dùng lời ca tiếng hát để chống lại kẻ thù.

Cô Võ Thị Việc Lành, 66 tuổi, hiện ngụ tại ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tây (Tân Biên) cũng không lạ gì đòn roi của kẻ địch ở nhà lao Hậu Nghĩa. Cũng xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở An Tịnh (Trảng Bàng), cô Lành sớm giác ngộ và tham gia cách mạng khi mới 13 tuổi. Cô làm nhiệm vụ trong đơn vị Hậu cần tỉnh, chuyên lo quân trang, cứu thương. Có năng khiếu ca hát nên năm 1963, cô được chuyển sang đoàn Văn công Giải phóng của tỉnh. Năm 1966, khi đang trên đường công tác, cô bị địch bắt. Cô bị giam trong vòng 7 tháng- thời gian không dài nhưng cũng kịp để cô gái trẻ khi ấy nếm trải các màn tra tấn “chết lên, chết xuống” chỉ bởi cái tội không chịu hé răng khai báo.

Còn cô Nguyễn Thị Quyền, quê Dương Minh Châu, hiện cư ngụ tại ấp Thạnh Lộc, xã Thạnh Bình (Tân Biên) từng tham gia công tác phụ nữ, y tế, du kích xã thời chiến tranh. Cô bùi ngùi kể: “Gia đình tôi có gần mười người tham gia cách mạng, giờ chỉ hai người còn sống”. Chồng cô Quyền đã hy sinh trong chiến tranh. Trong suốt quãng đời tham gia cách mạng, cô Quyền đã 2 lần bị địch giam cầm. Cô đã sinh đứa con trai út của mình trong nhà lao Thủ Đức năm 1973. Cô không bao giờ quên cảnh vừa sinh con vừa bị còng chân trong tù. Kể chuyện cũ, ánh mắt cô ngời lên niềm xúc cảm: “Trong gian khó mới thấy được hết tình cảm của mọi người. Những chị em tù khác cùng chia sớt cho hai mẹ con tôi từng viên thuốc, miếng ăn. Mọi người thương nhau còn hơn cả người thân trong gia đình nữa”. Chồng hy sinh khi chiến tranh chưa tàn, hoà bình rồi, cô Quyền một mình nuôi 3 con ăn học, giờ đây tất cả đều thành đạt.

Trong số các nữ cựu tù, nhiều người giờ đây vẫn còn âm ỉ đau bởi di chứng của những cực hình năm xưa. Có người thường xuyên bị hành hạ bởi nhiều bệnh tật khác nhau. Bệnh tật, tuổi tác làm cho các bà, các cô, các chị lúc nhớ, lúc quên mọi chuyện nhưng lạ một điều là những kỷ niệm về một thời gian khó nhất của đất nước vẫn không hề mờ phai trong họ. Tuổi xế chiều có người được vui hưởng cảnh êm ấm, sum vầy bên con cháu nhưng cũng có bà, có chị sống cảnh cô đơn, lặng lẽ. Có người cuộc sống đã ổn định nhưng cũng có người vẫn phải xoay xở với khó khăn.

Những chiếc huy chương luôn khiến cô Quyền luôn nhớ về một thời gian khó đấu tranh

Với cô Dung, hạnh phúc của cô bây giờ là được gần các cháu, được nghe tiếng trẻ bi bô. Cô Việc Lành hiện là Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến huyện Tân Biên. Ngoài công việc Hội, cô tham gia các câu lạc bộ dưỡng sinh, tham gia văn nghệ để thấy đời vui hơn. Cô Quyền dù bệnh tật liên miên nhưng hễ khi nào rảnh lại lao vào sinh hoạt Hội ở địa phương để được thấy mình vẫn còn có ích cho đời.

NGÔ TUYẾT