Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyện về xe bánh tráng nướng gắn liền tuổi thơ của các bạn trẻ
Thứ sáu: 16:32 ngày 16/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Gần hai thập kỷ qua, nhiều người ở khu vực thành phố Tây Ninh và thị xã Hoà Thành đã quá quen thuộc với hình ảnh người đàn ông mập mạp, ăn mặc bình dân đứng nướng bánh tráng tại những khu vực đông đúc, nhộn nhịp.

“Xe bánh tráng nướng huyền thoại” hay “xe bánh tráng tuổi thơ” là cách gọi dễ thương mà nhiều bạn trẻ Tây Ninh thường dùng mỗi khi bắt gặp xe bánh tráng nướng mang tên A Lũ. Gần hai thập kỷ qua, nhiều người ở khu vực thành phố Tây Ninh và thị xã Hoà Thành đã quá quen thuộc với hình ảnh người đàn ông mập mạp, ăn mặc bình dân đứng nướng bánh tráng tại những khu vực đông đúc, nhộn nhịp.

Chiếc bánh tráng nướng thơm ngon, hấp dẫn khiến nhiều bạn trẻ thích mê.

Thường xuất hiện trước các cổng trường vào giờ tan học, bánh tráng nướng A Lũ là món ăn vặt nổi tiếng trong giới học sinh. Không chỉ vậy, xe bánh tráng này còn có mặt tại hầu hết các “điểm nóng”, sự kiện tập trung đông người như ở công viên, khu vui chơi, hội chợ, các chương trình ca nhạc...

Chủ nhân của chiếc xe bán bánh tráng nướng ấy là một người gốc Hoa, 46 tuổi, tên Trần Thanh Phong. Anh cho biết: “A Lũ là tên thường gọi ở nhà và tôi cũng thích dùng tên này để mọi người dễ nhớ thương hiệu của mình. Ngày thường, tôi đi bán từ 10 giờ sáng đến 9-10 giờ tối. Bán ở các trường học xong qua Trung tâm Học tập, sinh hoạt thanh thiếu nhi, rồi vòng lên Vincom, sân vận động… Trời mưa thì nghỉ sớm. Những ngày đặc biệt như Noel hay các dịp lễ, tết thì về trễ hơn, nhiều bữa tôi bán ở chợ hoa xuân đến 2-3 giờ sáng vì khách chờ rất đông”.

Ở Tây Ninh hiện nay có nhiều nơi bán món này, nhưng bánh tráng nướng A Lũ được đông người ưa chuộng hơn. Từ những nguyên liệu đơn giản là bánh tráng, trứng gà, thịt bò, hành lá, con ruốc, bơ, tương ớt… trong vòng chưa đầy 2 phút, bên bếp than hồng, anh đã chế biến thành chiếc bánh vàng ươm, giòn rụm có giá 20-30 ngàn đồng. “Tôi bán từ năm 2007. Lúc đó, ở đây chắc chưa có món này nên mấy đứa nhỏ hay nhìn. Dần dần, tụi nó ăn thử thấy ngon rồi quay lại ủng hộ tiếp” - anh nhớ lại những ngày đầu đi bán bánh tráng nướng ở Hoà Thành.

 Xe bánh tráng nướng A Lũ đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong mắt nhiều thế hệ học sinh.

Chỉ bán duy nhất một món là bánh tráng nướng trứng gà, nhưng trung bình mỗi ngày anh bán được khoảng 60-80 cái, những hôm khách đông thì 100-200 cái, cũng có khi hơn 200 cái. Anh tiết lộ: “Lúc còn ở TP. Hồ Chí Minh, có thời gian tôi đi làm bánh, bán trái cây. Tôi biết làm nhiều món lắm, nhưng bây giờ chỉ muốn tập trung bán 1 món thôi. Sau này có mặt bằng mở tiệm thì tôi sẽ làm thêm nhiều món khác”.

Ngoài những chiếc bánh thơm phức, hấp dẫn, cách nói chuyện vui vẻ, gần gũi là điều khiến khách hàng ấn tượng về anh. Đôi lúc, có những học sinh mượn điện thoại của anh để gọi cho phụ huynh đến rước, anh cho mượn ngay. Hay có những vị khách quên mang theo ví tiền, anh bảo để lần sau trả luôn cũng được.

Nhờ tính tình vui vẻ, thoải mái mà suốt mười mấy năm qua người ta thấy anh dường như không già đi. “Đi bán tuy cực nhưng tôi rất vui vì được gặp gỡ nhiều người, nhất là mấy đứa học sinh. Nhiều đứa bây giờ trưởng thành rồi, có gia đình rồi vẫn đi tìm chú A Lũ và lại tiếp tục mua bánh của tôi cho con nó ăn” - anh chia sẻ.

A Lũ có trí nhớ khá tốt nên nhớ mặt nhiều vị khách quen. Một bạn nam 17 tuổi đang chờ mua bánh cho biết: “Em ăn bánh tráng A Lũ từ năm 3 tuổi đến giờ không ngán. Lần nào em cũng gọi cái đặc biệt để ăn cho đã. Mà nhiều khi khỏi cần dặn chú cũng nhớ em ăn gì”.

Ông chủ xe bánh tráng chia sẻ: “Tôi thích được rong ruổi trên đường. Chiếc xe này gắn bó với tôi hơn hai chục năm rồi, từ hồi tôi còn đi bán ở TP.Hồ Chí Minh. Còn sức khoẻ thì tôi vẫn còn đi bán dạo, cái nghề này sẽ theo tôi đến suốt cuộc đời, chừng nào đi không nổi nữa thì thôi. Giả sử mai mốt tôi trúng số, tôi sẽ mua đất, mở quán nhưng vẫn giữ lại chiếc xe này để đi bán, còn quán, tôi nhờ người khác đứng bán”.

Rảnh rỗi, A Lũ lấy điện thoại gọi cho người cha già để hỏi thăm, tâm sự. Anh bộc bạch: “Tôi ly dị lâu rồi, bây giờ vẫn đang ở nhà thuê một mình, số tiền dư mỗi tháng tôi gửi về cho cha. Thỉnh thoảng, tôi chạy xe về Tiền Giang thăm cha nhưng tết thì tôi vẫn đi bán bình thường chứ không về quê. Tôi thường bán ở núi Bà và Long Điền Sơn. Đứng bán suốt ngày cũng đuối lắm chứ, nhưng tết bán được nhiều nên vui”.

Anh Thư

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục