Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyện Xà Ông, Xà Bà
Thứ bảy: 09:22 ngày 04/01/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đêm hăm chín tháng Chạp, đường sá đông đúc và rộn ràng hơn hẳn mọi khi.

Gia đình tôi ở cạnh quốc lộ, ngại đi chen lấn với mọi người nhưng đem ghế ra hàng ba ngồi ngó thiên hạ, xem như hưởng chút không khí tươi vui của con người và trời đất buổi giao mùa, thuận tiện ôn lại những năm tháng đã qua. Xuôi dòng hồi ức mơn man, tôi nhớ, trong một đêm giao thừa nào đó của cách đây không biết bao nhiêu năm, cũng trong lúc chờ đợi tân niên như thế này, khi mà đám con nít chạy giỡn chán chê rồi bắt đầu quậy quọ đòi ngoại phải kể chuyện cho nghe. Ngoại cười hiền, ẵm tôi - đứa cháu nhỏ nhất vào lòng rồi nhẹ nhàng cất giọng đưa chúng tôi vào chuyến du hành về quá khứ.

- Hồi xưa, xứ mình chưa được khai hoang, nổi danh là nơi rừng thiêng nước độc, rắn cọp chồn beo thì đông chớ dân cư thưa thớt không được mấy người… (*)

Cho đến khi có ông Cả cùng bằng hữu ở xa về, đem theo gia đình tới đây khai hoang lập ấp. Ông là người nhân nghĩa, danh tiếng vang xa, dân tứ xứ nghe danh, kéo về đây càng lúc càng đông, cũng xem như là một nơi sung túc thời bấy giờ.

Một bữa, trời còn chưa sáng, ông Cả đã dẫn theo đám thanh niên trai tráng đi lấn bìa rừng, mở đất làm ruộng, vô tình đào trúng động của một đôi rắn lớn toàn thân đen óng, nhìn qua thân lớn ngang ngửa cột đình. Con nhỏ hơn đoán chừng là rắn đực lập tức bò ra khỏi động, đứng thẳng nửa người như nghênh chiến, chiều cao sánh ngang hai người lớn đứng chồng lên nhau, cái đuôi to lớn mạnh mẽ vỗ nằm rạp cả một mảng cỏ cao.

Dân đinh căng mắt đề phòng, đứng tụm hết vào nhau. Bọn họ có hơi sợ nhưng chung quy đều là người gan dạ, sau một lúc định thần liền hô hào muốn xông lên đập chết đôi rắn để trừ hoạ về sau. Người cuốc người xẻng tiến tới động rắn càng lúc càng gần. Con rắn nọ tức giận phùng mang, cặp mắt sáng rực màu hổ phách trừng lên như cái chén, lưỡi thò ra thụt vào phát ra tiếng rít chói tai, dường như có thể tấn công bất cứ lúc nào.

Đúng lúc đó, ông Cả ở phía xa nghe chỗ này có động, hấp tấp chạy tới. Vừa thấy tình cảnh trước mắt, ông đã lớn tiếng ngăn cản đám trai tráng đang muốn làm liều. Mọi người nghe lời, lại lùi về phía sau lưng ông. Dường như con rắn nhận ra ông Cả là kẻ cầm đầu, mắt nó đảo một vòng rồi nhìn ông đăm đăm.

Ông Cả đã đi tứ phương, cũng đã qua hơn nửa kiếp người, chứng kiến không ít chuyện kỳ lạ trên đời, đối mặt với tình cảnh nguy hiểm vẫn giữ thái độ bình thản lạ thường. Quan sát nãy giờ, ông Cả đoán chừng đôi rắn này đã sinh linh tính, mọi chuyện còn có thể thương lượng êm xuôi. Ông tự mình đi lên, củng hai tay, kính cẩn khom người cúi đầu chào con rắn, nghiêm nghị nói:

- Thưa ngài, tôi tên Văn Trước, họ Đặng, vốn là người phương xa tới đây lập ấp. Hôm nay, vô tình mạo phạm tới, mong nhị vị bỏ qua cho. Nhưng nói cho cùng thì bây giờ chỗ này người tới người đi tấp nập, không còn an tĩnh để hai vị cùng gia đình sinh sống. Thỉnh nguyện tâm ý chúng sinh, mời hai vị cùng gia quyến dời đi nơi khác. Tôi cùng dân chúng vùng này trọn đời trọn kiếp mang ơn, chừng khi hai vị phi thăng hoá rồng, sẽ lập miếu đình thờ phụng. Lại nghĩ tới, dân tha hương tìm tới đây sinh sống trăm bề khó khăn, nhiều người đã bỏ mình nằm lại, nay đã có duyên Trời gặp gỡ, xin to gan cầu xin hai vị giúp dân tránh tai trừ hoạ thú dữ. Cẩn xin hai vị bằng lòng.

Ông Cả giữ nguyên thái độ cung kính khiêm nhường trong một lúc rồi khẽ ngẩng đầu lên nhìn thẳng về phía động rắn, ánh mắt sáng quắc, giọng nói trong phút chốc bỗng trở nên đanh cứng như thành.

- Còn bằng hai vị quyết ý không chịu buông tha, bọn tôi dù người hèn sức mọn cũng phải cố vùng vẫy mà tìm đường sống, chừng đó hai bên tổn thất nặng nề, thiết nghĩ không phải chuyện tốt đẹp gì, còn khiến hai vị tổn thất âm đức nhiều năm tu được. Huống chi mười dặm quanh đây, rừng cây đã bị san bằng gần hết, hai vị cũng đâu thể ở nơi đất trọc đồi khô mà tu thành chánh quả được, còn không bằng về nơi núi thẳm rừng xanh, sớm ngày phi thăng đắc đạo.

Nói xong lại cúi đầu xá thêm một cái, đám trai tráng thấy vậy cũng học theo, điệu bộ cung cung kính kính. Nhất thời, khắp nơi yên lặng như tờ, ai ai cũng nín thở chờ coi ý hướng của hai vị đại xà.

Rắn đực nghe xong hơi nghiêng đầu nhìn về phía hang như hỏi ý, rồi quay lại, gật đầu tỏ ý chấp nhận lời đề nghị của ông Cả, nhưng cả đôi lại không vội vã rời đi mà tiếp tục bất động nhìn chằm chằm về phía đám đông.

Ông Cả biết ý, lập tức lớn giọng đuổi đám dân đinh đi ra xa thêm nữa. Tới cách hang rắn hơn trăm thước mới ngừng. Rắn đực nhìn trái ngó phải một hồi, thấy bốn bề an tĩnh mới gọi rắn cái rời hang.

Khi rắn cái trong hang chuyển động, đôi mắt lớn màu xanh lục dần dần lộ rõ trong bóng tối mờ mờ của sương khuya. Vẩy rắn cọ sàn sạt vào đất đá tạo thành chuỗi âm thanh kéo dài không đoán được điểm dừng. Giông gió theo đó nổi lên, đám cây vốn đã ngã rạp lại bị cuốn thốc dậy, cành lá như bị ai bứt khỏi gốc quăng lên trờ bay tán loạn, chẳng bao lâu đã cuốn lại thành luồn xoáy tít mù lên tận đỉnh cây dầu cổ thụ cao hơn trăm thước, rừng cây gò đá rung chuyển ầm ầm, bụi đất mù trời như rồng cựa. Đầu rắn lớn như mâm đồng đội cái vảy màu trắng bạc lớn bằng nửa chén cơm nhô cao như hòn ngọc từ từ lộ ra trên mặt đất. Thân hình to lớn uốn lượn, bề ngang hơn ba tấc, có thể sánh ngang cây cột cái giữa đình, bề dài phỏng đoán tầm hai chục thước hơn, nhìn xa hệt như một dòng suối nhỏ đang chảy qua đất đá.

Phía Đông đã ném ra những tia sáng cam đỏ đầu tiên lên nền trời xám đen như mực loãng. Ánh nắng đầu ngày rơi xuống lớp vảy đen tuyền hình bán nguyệt, phản chiếu rực rỡ lấp lánh như cầu vồng. Theo sau là một bầy rắn đen nghìn nghịt lớn nhỏ không biết bao nhiêu con từ đâu chui ra, kích thước trên dưới cổ tay người. Tụi nó lần lượt nối đuôi nhau, thản nhiên lướt qua mặt đám người như không thấy. Trừ tiếng rắn rì rì, xung quanh không còn bất kỳ âm thanh của con vật nào, dù chỉ là ếch kêu dế gáy.

Phải cho tới khi mặt trời soi rõ mặt đất đầy rẫy cây cối ngã đổ và đất nứt đá vỡ thì con rắn cuối cùng mới khuất dạng trong những đám cây rậm rạp ở bìa rừng. Cuộc gặp gỡ hôm đó đủ khiến cho những người khai hoang xứ này cả đời nhớ mãi không quên. Và theo lời ông Cả, họ dựng cho đôi thần xà một ngôi miếu nhỏ, kính gọi là Xà Ông, Xà Bà, dân cư càng lúc càng đông, khói nhang ngày càng hưng thịnh.

Đến khi ông Cả trăm tuổi nằm xuống, người dân ghi nhớ công ơn khai hoang lập ấp, cùng nhau làm lễ an táng long trọng và lập một ngôi đình lớn để thờ. Lại ngẫm tới duyên kỳ ngộ giữa ông Cả với hai vị thần xà năm xưa, họ quyết định xây đình kề miếu, hai nơi cùng hướng mặt ra khoảnh sân chung lót gạch tàu đỏ tươi. Mỗi năm cúng chung một lễ nhỏ, cách ba năm lễ lớn kéo dài suốt ba ngày.

Lại truyền rằng sớm mơi hôm hạ huyệt, trời nổi giông lốc, cây cối đổ rạp, sấm rầm rì gầm vang, mặt đất rung rinh như sắp nứt nhưng đến trưa thì trời hửng nắng, bốn bề tĩnh lặng như không. Có người biết chuyện lan truyền rằng: Đó là nhị vị thần xà tiễn đưa người quá cố.

Qua năm, sáng sớm ngày cúng giỗ đầu cho ông Cả, mới tờ mờ sáng, già trẻ lớn bé của cả xứ đến làm lễ và thắp nhang.

Trong đình, không khí tĩnh lặng, đèn nến sáng rực. Dưới bàn thờ ông Cả, có một vị xà lớn đang nằm cuộn thành gò, người già nhận ra đó là Xà Ông, sau mấy chục năm, Ông đã lớn hơn xưa không biết bao nhiêu mà kể. Thấy người tới, Ông chỉ hơi hí mắt ra nhìn một lượt rồi tiếp tục khép mi như đang ngủ say. Còn Xà Bà, đang uốn vòng quanh cây cột cái chính giữa đình, từng vòng dán sát vào nhau, lớp vảy đen óng ánh uốn lượn che khuất toàn bộ màu sơn đỏ tươi của cột cái. Xà Bà từ trên cao nhìn xuống bằng ánh mắt của đấng bề trên, nửa thân lại để soãi, uốn lượn dưới nền gạch. Hai vị thấy người tới đông đảo vẫn dửng dưng như không, không hề có động thái gì khác lạ.

Các cụ cao niên đoán chừng hai vị xà về đây ăn giỗ ông Cả nên mới thắp nhang vái lạy, nói lời cảm tạ ơn đức hai vị, những người khác cũng cung kính lần lượt tiến vào. Hai vị ngự đến giờ ngọ thì đi.

Cũng kể từ đó, cứ ba năm một lần, Xà Ông, Xà Bà lại về thăm dân xứ này vào ngày giỗ lớn của ông Cả. Dần dần thành lệ, biết hai vị không sát sanh, người ta cũng không còn sợ nữa mà chủ động đón rước từ bìa rừng vào đến tận đình. Cứ vậy kéo dài thêm mấy chục năm, cho tới năm đó, ngày giỗ ông Cả mưa gió rần trời, chỉ có một mình Xà Ông về thăm dân, để lại một miếng vảy thất thải (**) rồi từ đó về sau không xuất hiện nữa. Người ta đồn đoán hai vị đã mất trong bom đạn chiến tranh, cũng có người cãi rằng hai vị đã tích đủ công đức nên đã đắc đạo, hoá rồng bay lên trời, ở trên trời hô mưa gọi gió, làm thần làm thánh cứu giúp chúng sanh…

Nhiều năm đã trôi qua, câu chuyện của ngoại đã hết từ lâu, tôi đã lớn, bụi thời gian đã phủ mờ tháng ngày xưa cũ, những câu chuyện xa xôi đó chẳng ai còn có thể nói được đúng sai, thực hư thế nào, cuối cùng chỉ còn lại quá khứ hào hùng của dân ta thời khai hoang lập ấp là sống mãi…

Trong không khí se se của đêm giao mùa, những tiếng bùm bụp vang lên giòn giã, từng chùm sáng sặc sỡ lao lên nở tung, thắp sáng rực cả trời đêm. Năm mới đã tới rồi.

Đ.P.N

(*) Chuyện kể dựa vào tích rắn thần ở đền thờ Ông Cả Đặng Văn Trước ở Trảng Bàng được dân gian lưu truyền

(**) Thất thải: ánh sáng bảy màu

Tin cùng chuyên mục