Văn hóa - Giải trí   Về Tây Ninh

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện xưa nay Bến Sỏi 

Cập nhật ngày: 14/12/2022 - 05:57

BTN - Nước sông Vàm xanh ngắt, lộng bóng mây trời cùng những dề lục bình trôi lững lờ. Dường như đất trời, mặt nước đã hoà chung một sắc xanh không tưởng, đẹp nao lòng.

Quán cà phê dưới chân cầu.

Như vậy là bạn đọc đã biết phần nào về địa danh Bến Sỏi. Một bến sông đầy sỏi đá, nổi cao trên hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông thuộc xã Ninh Điền, xã được định danh từ thời vua Thiệu Trị thứ nhất năm 1841. Bến Sỏi sau đó nằm trên tuyến đường quan trọng nhất Tây Ninh thời Pháp thuộc- đường thuộc địa (quốc lộ) số 1. Trước năm 1916, từ Sài Gòn đi Nam Vang phải theo đường này. Từ Tây Ninh đến Bến Sỏi chỉ khoảng 10km. Từ Bến Sỏi đến cửa khẩu Phước Tân chỉ 12km. Qua đấy là sang tỉnh Svay Rieng, rồi trực chỉ tới kinh đô vương quốc Campuchia…

Có bạn sẽ hỏi, tới Bến Sỏi mùa nào là đẹp nhất? Bởi thường là trong một chuyến đi sẽ có cả phần khảo sát văn hoá - lịch sử và phần thăm thú cảnh quan. Cho tới nay, theo kinh nghiệm cá nhân, tôi mới có thể trả lời rằng: Không có nơi đâu trên đất Tây Ninh có mùa hè đẹp như Bến Sỏi.

Mà cũng phải tới tháng 5.2020, tôi mới xác định được điều này, sau khi đã có cả chục lần hơn qua Bến Sỏi. Nhớ, vì đấy là khi cầu Bến Cây Ổi hợp long, anh cán bộ kỹ thuật thi công cầu rủ lên xem cho biết.

Ôi tháng 5! Con đường 781 từ thị trấn Châu Thành lên đi giữa màu nõn nà xanh của cánh đồng Xóm Ruộng lúa Xuân Hè đang thì “con gái”. Không gian ngào ngạt thơm của lúa sắp “làm đòng”. Đã vậy, lại có thêm một ao sen ai đó mới trồng, rực rỡ muôn đoá sen hồng bên bờ cà na Thái xanh mướt mát.

Có vài con rạch nhỏ dẫn nước sông vào đến sát đường, vịt bơi trắng lốp. Ra đến giữa cầu, nhìn về phía hạ lưu thấy ghe thuyền xếp lớp bên bờ thuộc ấp Nam Bến Sỏi. Lại nhìn về thượng lưu là nhô nhấp những mái nhà đủ màu tôn màu ngói trong những vuông vườn dừa hoặc tràm vàng biêng biếc chạy về xa.

Nước sông Vàm xanh ngắt, lộng bóng mây trời cùng những dề lục bình trôi lững lờ. Dường như đất trời, mặt nước đã hoà chung một sắc xanh không tưởng, đẹp nao lòng. Ấy thế mà chỉ vài phút chạy xe nữa thôi, là lại thấy một không gian hoàn toàn đổi khác.

Qua chợ Bến Sỏi thấy rực rỡ màu hoa cùng vô số loại rau củ quả tươi ngon, người tấp nập vào ra mua bán. Nhưng rộn ràng lòng người nhất là khi xe ta chạy qua vài ngôi trường học. Như Trường tiểu học Bến Sỏi gần chợ nhất. Thì tất cả đã bừng lên màu hoa phượng đỏ chói chang…

Chuyến đi ấy tôi còn gặp một điều may mắn nữa. Là khi rời Bến Sỏi rẽ về Hoà Hội, thì gặp đàn cò nhạn (còn gọi là cò ốc) bay rợp trời trên ấp Hoà Bình. Lão nông đứng ngắm cò cùng tôi bảo: - Gặp cò này là may lắm đấy! Mùa này chúng thường bay về kiếm ăn trên đoạn sông qua Bến Sỏi, phía thượng lưu cầu.

Ấy vậy mà Bến Sỏi từng là miền đất dữ, nơi giao tranh ác liệt giữa các lực lượng trong 2 thời kháng chiến. Câu chuyện đầu tiên thời cách mạng mà sách sử có ghi là chuyện bắt Tây nhảy dù ở Bến Sỏi năm 1945.

Có sách ghi là ngày 25.8, đúng ngày ta giành lấy chính quyền ở tỉnh lỵ Tây Ninh; nhưng chính xác hơn, là sách Lịch sử Công an Tây Ninh (1945-1954) (Sở Văn hoá - Thông tin Tây Ninh, năm 1996).

Đấy là: “Ngày 22.8.1945, Đại tá Pháp Henri Cédille nhảy dù xuống vùng Bến Sỏi (Châu Thành). Cédille vừa xuống đất đã bị Đội Thanh niên Tiền phong của Cao Minh Căn bắt gọn. Do ta chưa giành được chính quyền, đành giao ông ta cho Nhật.

Nhật đưa về Sài Gòn rồi thả ra, Cédille tiếp tục nhận chức Cao uỷ Pháp ở miền Nam…”. Chuyện này cũng phù hợp với nghiên cứu của Giáo sư Trần Văn Giàu trong tác phẩm Địa chí Văn hoá TP. Hồ Chí Minh.

Sách này viết: “Ngày 22 tháng 8, một bọn Pháp cùng đại tá Cédille nhảy dù xuống Tây Ninh, bị thanh niên bắt được, Nhật giành lại và đưa về Sài Gòn. Cédille đã có dịp chứng kiến cuộc khởi nghĩa tối 24, sáng 25 thành công tại Thành phố”. Thế nhưng, cũng chính là Cédille- Cao uỷ Pháp đã dựa thế quân Anh-Ấn vào giải giáp quân Nhật tại Nam bộ, để tiếp tục gây hấn tại Sài Gòn, dẫn đến sự kiện Nam bộ kháng chiến ngày 23.9.1945.

Như thế là Bến Sỏi đã được ghi nhận với chiến công đầu tiên của chính quyền cách mạng Tây Ninh non trẻ. Do vậy, sau ngày Pháp chiếm lại Tây Ninh (8.11.1945) thì miền đất này, cùng với Thanh Điền, Ninh Điền đã trở thành những tiền đồn đầu tiên của cách mạng.

Trong những năm 1946, 1947, 1948 dù giặc Pháp và các đội quân tay sai thực hiện chính sách và thủ đoạn “tam quang” hết sức gắt gao, vùng căn cứ kháng chiến ở huyện Châu Thành vẫn hiên ngang tồn tại. Sách Truyền thống đấu tranh cách mạng Châu Thành (Ban Tổng kết chiến tranh- Tỉnh uỷ Tây Ninh, năm 1986) có đoạn: “Tháng 10.1947, vào buổi chiều bọn thực dân Pháp cho 3 máy bay ném bom xuống chợ Dương Minh Châu. Chợ… được lập tại khu rừng Bến Sỏi (Ninh Điền) để giải quyết các nhu cầu của nhân dân trong huyện.

Sau khi đồng chí Dương Minh Châu hy sinh (2.1947), lấy tên đồng chí đặt cho chợ này. Bọn Pháp ném bom xuống đây là để khủng bố tinh thần nhân dân ta, vì từ năm 1947 vùng đất Ninh Điền (Bến Sỏi) thật sự là vùng trung tâm văn hoá, khá hấp dẫn, thu hút gần hết các xã về đây, vừa để xem văn nghệ, vừa hưởng không khí độc lập tự do…”. Như vậy, đã có thời Bến Sỏi được coi như là “huyện lỵ” của lực lượng cách mạng huyện Châu Thành.

Năm 1965 chiến lược chiến tranh cục bộ mở ra, quân Mỹ ào ạt lên đất Tây Ninh, lập căn cứ ở Trảng Lớn, xã Thái Bình. Năm ấy: “Trên sông Vàm Cỏ Đông hàng trăm tàu, thuyền, bo bo chiến đấu, như một thành phố nổi, đêm đến, đèn điện sáng choang, chúng cho rải xăng bột phun lửa đốt sạch hai bờ sông…”.

Khúc sông nào vậy? Là khúc chung quanh Bến Sỏi chứ còn đâu nữa! Bến Sỏi ngập trong đau thương, lửa đạn mù trời. Thế nhưng, quân dân Châu Thành đã lập nên Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn, “bám thắt lưng địch mà đánh” ngay trên vùng đất quê hương.

Vành đai có 4 cụm chiến đấu, thì cụm III bao gồm các xã Ninh Điền, Hoà Hội (bao gồm Bến Sỏi, Cây Da, Phước Tân). Cụm III đã lập công xuất sắc trong trận Bắc Rù và Gò Nổi vào đầu tháng 3.1966: “Đây chính là trận diệt Mỹ cao nhất trong các trận (của vành đai). Trên 300 tên địch, hàng chục tên bị thương và dù chúng có binh pháo hoả lực nhiều đến cỡ nào cũng phải rút chạy…” (Lý lịch di tích- Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn, năm 2013).

Bắc Rù ở đâu vậy? Chính là ấp Nam Bến Sỏi ngày nay. Lược trích vài đoạn từ sách sử, để thấy không ở đâu lại có sự tương phản gắt gao như ở nơi này. Không ở đâu còn thấy những dấu vết của những ngày bi thương ấy nữa.

Tất cả đã trở lại bình yên, hiền hoà. Dĩ nhiên là đông vui, quy củ và hiện đại hơn vạn lần xưa. Thì đường đi lối lại đã tráng vữa xi măng hoặc bê tông nhựa. Lưới điện giăng giăng.

Bên bờ sông, vẫn có mấy lò đang rừng rực củi lửa để con người uốn cây tầm vông. Trên phía mặt đường 781, vài cửa hàng bày thêm cây kiểng bonsai ra bán. Tôi theo một chiếc phà vuông đi dọc sông Vàm, ngắm hai bên bát ngát xanh một sắc màu của ấm no và hạnh phúc.

TRẦN VŨ