Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Khoảng một tuần nay, người hâm mộ bóng đá Tây Ninh không khỏi bàng hoàng trước thông tin đội bóng tỉnh nhà rút lui khỏi Giải hạng Nhất quốc gia 2021. Thật ra, không chỉ có những người gắn bó với bóng đá Tây Ninh cảm thấy hụt hẫng mà các cổ động viên, cầu thủ nhiều nơi cũng cảm thấy sốc. Không sốc làm sao được khi mà mùa giải 2020 đội còn đứng ở vị trí nhất nhóm B và sở hữu cơ sở vật chất, lực lượng cũng như số lượng khán giả mà nhiều đội bóng khác ao ước.
CLB bóng đá Tây Ninh rút lui khỏi giải hạng Nhất để lại nhiều tiếc nuối cho người hâm mộ
Hơn tháng trước, nhiều người đã xôn xao về nguy cơ đội Tây Ninh bỏ giải. Nhưng người ta vẫn nghĩ rồi đâu sẽ lại vào đó như mọi năm. Trước đó, các đội Quảng Ninh, Cần Thơ đối diện nhiều khó khăn nhưng cuối cùng họ vẫn ổn đấy thôi. Ðến khi báo chí đồng loạt đưa tin đội bóng đã gửi văn bản lên VFF và VPF, một cầu thủ đang đá cho CLB TP.HCM sửng sốt, anh nhắn tin cho tôi: “Ðội Tây Ninh năm nay làm sao thế? Thấy CLB nơi đây chơi tốt và địa phương rất quan tâm tới bóng đá mà”.
Nhiều bạn bè ở xa đã hỏi tôi với nội dung gần giống nhau: có thật là Tây Ninh không đá hạng Nhất nữa không, và vì sao lại ra nông nỗi này?!". Nhiều cổ động viên láng giềng còn không tin đó là sự thật. “Hy vọng sẽ có phép màu ở phút 90+” - một người bạn ở Long An nói với tôi.
Ðúng vậy, không ít người ngạc nhiên, tiếc nuối. Không ai nghĩ rằng bóng đá phong trào trong tỉnh đang phát triển mạnh mẽ thì bóng đá chuyên nghiệp lại đi ngược. Biết chuyện, những cầu thủ từng khoác áo Tây Ninh rất buồn, bởi đây là một trong số các CLB mà nhiều người muốn gia nhập. Xét trong mặt bằng giải hạng Nhất thì Tây Ninh được xem là đội nằm trong nhóm “đại gia”. Thậm chí, mặt sân Tây Ninh còn đẹp hơn so với một số sân ở V.League.
Các cầu thủ kỳ cựu của Tây Ninh không tránh khỏi cảm giác bức xúc. Nhiều người tâm sự họ cảm thấy suy sụp tinh thần khi bao nhiêu công sức cố gắng của các thế hệ giờ tan thành mây khói. Có người đã dành cả thanh xuân để cống hiến cho đội bóng quê hương.
Anh em cầu thủ từng ăn, từng tập với nhau từ nhỏ cũng phải đi tìm bến đỗ mới, mỗi người một phương trời. Một số cầu thủ trẻ thì đâm ra chán nản, không biết đi đâu về đâu. Ngay cả HLV trưởng Hoàng Hải Dương cũng vô cùng thất vọng. Nhà ở tận Hóc Môn nhưng suốt cả tháng nay ông vất vả chạy lên chạy xuống để tìm cách cứu vãn tình hình, lo cho tương lai các cầu thủ.
Còn đâu những niềm vui vỡ oà?
Không thể phủ nhận rằng, từ lâu, bóng đá đã là “món ăn tinh thần” không thể thiếu của người dân Việt Nam. Ấy vậy mà, sự tan rã của đội bóng Tây Ninh lại đến quá nhanh, quá bất ngờ. Lý do mà CLB bỏ giải là vì thiếu hụt kinh phí. Song, vấn đề là Xi măng Fico-YTL đã tài trợ được 2/3 vốn điều lệ. Số tiền mà đội bóng cần thêm là 5 tỷ đồng. Dân số Tây Ninh hiện tại hơn 1 triệu người, nếu chia ra trung bình thì mỗi người chỉ cần đóng góp khoảng 5.000 đồng là đủ và tôi tin sẽ có nhiều người sẵn sàng đồng ý.
Tôi đã sát cánh cùng đội bóng suốt mười mấy năm qua. Còn nhớ các năm 2012, 2014, đội bóng nhận vé xuống hạng, chúng tôi buồn lắm. Nhưng thật tình mà nói, nỗi đau ngày hôm nay còn lớn hơn gấp mấy lần nỗi đau rớt hạng. Chắc chắn nhiều người sẽ đồng cảm với tôi khi thấy niềm tự hào của mình rơi vào tình thế này.
Còn đâu những buổi chiều cuối tuần ra sân xem bóng đá? Còn đâu những hình ảnh đội bóng bước ra sân với chiếc logo in hình núi Bà Ðen trên ngực áo? Còn đâu những tiếng reo hò cổ vũ trên khán đài? Còn đâu những niềm vui vỡ oà khi đội nhà ghi bàn thắng? Giờ đây, có lẽ nhiều người sẽ nhìn sang các tỉnh như Long An, Bình Phước, An Giang hay Ðăk Lăk mà thèm khát được xem đội bóng của mình thi đấu. Dẫu sao, người hâm mộ vẫn luôn mong chờ một ngày không xa, cái tên “Tây Ninh” sẽ quay trở lại trên đấu trường bóng đá chuyên nghiệp.
K.A