BAOTAYNINH.VN trên Google News

CN chế biến cao su ở Tây Ninh: Công suất chế biến tăng vượt kế hoạch

Cập nhật ngày: 14/09/2010 - 11:01

Trong tiến trình công nghiệp hoá- hiện đại hoá tỉnh nhà, Tây Ninh luôn chú trọng công tác kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản trong tỉnh. Ngành chế biến cao su ở Tây Ninh đã có từ lâu, nhưng trước đây công suất rất nhỏ. Trong vòng 5 năm trở lại đây, tổng công suất chế biến cao su ở Tây Ninh tăng rất mạnh, chủ yếu là do tác động của giá cả cao su không ngừng tăng và thị trường tiêu thụ mở rộng.

Trong những năm qua, giá mủ cao su trên thị trường tăng mạnh đã tác động đến sự chuyển đổi từ cây trồng khác sang cây cao su tăng mạnh hơn. Năm 2005, diện tích cao su trên địa bàn Tây Ninh chỉ vào khoảng hơn 35.000 ha. Theo tốc độ tăng trưởng diện tích cao su những năm trước đó, ngành chức năng dự kiến diện tích cao su ở Tây Ninh năm 2010 đạt khoảng 45.000 ha. Thế nhưng do giá cả mủ cao su tăng vọt nên diện tích cây cao su cũng tăng “đột biến” theo. Theo thống kê từ ngành chức năng, đến nay diện tích cao su ở Tây Ninh đã tăng lên hơn 70.000 ha- tăng khoảng 2 lần so với 5 năm trước đây. Hiện nay cây cao su là một trong những loại cây có giá trị kinh tế cao nhất ở Tây Ninh, nhiều hộ nông dân trồng cao su nhanh chóng làm giàu nhờ giá cả ổn định ở mức cao và thị trường tiêu thụ cũng ổn định.

Đưa mủ cao su về nhà máy chế biến

Diện tích, sản lượng mủ cao su tăng, tất yếu kéo theo công nghiệp chế biến cao su tăng. Theo con số thống kê từ Sở Công thương, năm 2005 tổng công suất chế biến cao su trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng 50.000 tấn/năm. Trong đó hầu hết nhà máy chế biến cao su công suất khá lớn là thuộc các công ty của Nhà nước, còn tư nhân phát triển chưa nhiều. Theo tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn trước đó ngành chức năng lập quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến cao su ở Tây Ninh đến năm 2010 sẽ đạt tổng công suất khoảng 82.000 tấn/năm. Thế nhưng trong những năm gần đây giá mủ cao su tăng, diện tích cây cao su trên địa bàn tăng mạnh, sản lượng mủ cao su tăng theo, đồng thời thị trường tiêu thụ thuận lợi đã thu hút nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển công nghiệp chế biến cao su trên địa bàn tỉnh Tây Ninh tăng nhanh ngoài dự kiến. Đến giữa năm 2010, tổng công suất chế biến cao su ở Tây Ninh đã đạt khoảng 100.000 tấn/năm- vượt tổng công suất kế hoạch gần 20.000 tấn/năm. Ngoài các nhà máy đang hoạt động, hiện nay Tây Ninh còn có 3 dự án đã có chủ trương cho phép đầu tư đang xây dựng nhà máy chế biến cao su với tổng công suất thiết kế là 9.500 tấn/năm.

Song song với sự gia tăng công suất, công nghệ chế biến cao su cũng được các doanh nghiệp đầu tư đổi mới để nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Cụ thể như việc thay đổi máy ly tâm để nâng hiệu suất thu hồi mủ chính phẩm đến hơn 90% trong công nghệ chế biến mủ kem; sấy mủ cốm bằng hệ thống lò xông sấy theo công nghệ mới giảm tiêu hao nhiên liệu, bảo đảm hoạt động liên tục, ít xảy ra sự cố hư hỏng và sản phẩm ra lò đạt chất lượng cao hơn; tiết kiệm chi phí nhờ áp dụng đánh đông mủ skim… Từ đó, các loại sản phẩm cao su do các doanh nghiệp Tây Ninh chế biến ngày càng được khách hàng trong và ngoài nước tín nhiệm và thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng- từ các nước khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore… đến các nước Mỹ, Nga và một số nước châu Âu.

Sự phát triển công nghiệp chế biến lĩnh vực nào cũng sẽ kéo theo sự âu lo về vấn nạn ô nhiễm môi trường. Trong lĩnh vực chế biến cao su trước đây, không ít hộ dân cư ngụ chung quanh khu vực nhà máy chế biến cao su khiếu nại về tình trạng nhà máy gây ô nhiễm môi trường nước và không khí. Tuy nhiên, gần đây có điều đáng mừng là hầu hết nhà máy chế biến cao su đã mạnh dạn đầu tư vốn xây dựng hệ thống xử lý chất thải nên tình trạng ô nhiễm dần được hạn chế. Nói vậy để thấy rằng đã có sự nỗ lực đáng kể từ các nhà máy chế biến cao su trong việc đầu tư xử lý môi trường, chứ không có nghĩa là việc xử lý môi trường trong lĩnh vực chế biến này đã được hoàn chỉnh. Hiện nay vẫn còn một số nhà máy chế biến cao su chưa thực hiện hoàn chỉnh hệ thống xử lý, gây ảnh hưởng đến khu vực chung quanh, và đầu năm nay đã có 3 nhà máy bị đình chỉ hoạt động do gây ô nhiễm môi trường thời gian dài chưa khắc phục.

SƠN TRẦN

 

 


 
Liên kết hữu ích