BAOTAYNINH.VN trên Google News

CN Ngân hàng CSXH Tây Ninh: Uỷ thác tín dụng qua các hội, đoàn thể đạt kết quả khả quan

Cập nhật ngày: 27/01/2011 - 11:26

Nhiều hộ người dân tộc có nước sạch sử dụng từ chương trình đầu tư của NHCSXH

Năm 2010 là năm hệ thống ngân hàng tiếp tục gặp khó khăn dù nền kinh tế đang dần hồi phục sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Dù không phải là ngân hàng thương mại nhưng Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Tây Ninh cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Tuy nhiên, Ban đại diện Hội đồng quản trị cùng Ban Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã hết sức nỗ lực duy trì và phát triển nguồn vốn vay ổn định, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách. Trong đó có sự góp phần rất đáng kể của các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác tín dụng từ Chi nhánh NHCSXH tỉnh.

Ông Trương Hồng Đức, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh cho biết, đến cuối năm 2010 tổng nguồn vốn của chi nhánh đạt là 911,7 tỷ đồng, tăng hơn đầu năm 168,2 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương là 864,4 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ gần 95% tổng nguồn vốn của chi nhánh. Riêng nguồn vốn huy động được Trung ương cấp bù lãi suất là 17,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn tăng, dư nợ cho vay cũng tăng theo. Đến cuối năm 2010, tổng dư nợ cho vay đã giải ngân đạt hơn 935,3 tỷ đồng, tăng hơn đầu năm là 191,8 tỷ đồng. Trong năm, NHCSXH tập trung vào 6 chương trình tín dụng cụ thể là: cho vay hộ nghèo; cho vay học sinh sinh viên; cho vay giải quyết việc làm; cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và cho vay chương trình thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn.

Điểm giao dịch của NHCSXH tại xã vùng sâu

Góp phần đáng kể vào kết quả cho vay tín dụng của Chi nhánh NHCSXH Tây Ninh là công tác uỷ thác cho vay qua các tổ chức hội, đoàn thể. Đến cuối năm 2010, trong tổng dư nợ toàn chi nhánh là 935,3 tỷ đồng thì có đến gần 930 tỷ đồng dư nợ từ cho vay uỷ thác qua các tổ chức. Trong đó, dư nợ cho vay uỷ thác qua Hội Nông dân là 550,7 tỷ đồng, dư nợ cho vay uỷ thác qua Hội Liên hiệp Phụ nữ là 273,3 tỷ đồng, dư nợ uỷ thác qua Hội Cựu chiến binh là 71,3 tỷ đồng; dư nợ uỷ thác qua Đoàn Thanh niên là 34,5 tỷ đồng… Sở dĩ hoạt động cho vay uỷ thác qua các tổ chức hội thực hiện ngày càng tốt hơn là do chi nhánh cùng các tổ chức tiếp tục duy trì, ổn định và tổ chức giao ban thường xuyên và công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục được tăng cường. Chi nhánh cũng đã cùng các hội, đoàn thường xuyên củng cố, chấn chỉnh hoạt động các tổ tiết kiệm vay vốn, mạnh dạn thay đổi các tổ hoạt động yếu kém. Đến cuối năm 2010, trên địa bàn tỉnh có 2.502 tổ tiết kiệm vay vốn- trong đó có 1.790 tổ được xếp loại hoạt động tốt, 564 tổ hoạt động khá. Đồng thời, chi nhánh cũng thường xuyên theo dõi hoạt động các đơn vị nhận uỷ thác tại cơ sở để kịp thời chấn chỉnh, hạn chế những thiếu sót. Đến cuối năm 2010, trên địa bàn tỉnh có 310 đơn vị nhận uỷ thác cơ sở, trong đó có 258 đơn vị được xếp loại hoạt động tốt, 52 đơn vị trung bình, không có đơn vị hoạt động yếu kém. Trong năm, NHCSXH Việt Nam, Chi nhánh NHCSXH Tây Ninh cùng các ngành chức năng đã thực hiện kiểm tra, giám sát 725 lượt ở các xã và hơn 3.200 lượt ở các tổ tiết kiệm vay vốn, 626 lượt ở các điểm giao dịch, 67 lượt ở các phòng giao dịch huyện và cả ở chi nhánh tỉnh… với tổng số hơn 66.000 hồ sơ được kiểm tra. Qua đó phát hiện khoảng 200 hồ sơ có sai sót và đã kịp thời chấn chỉnh.

Năm 2011, Chi nhánh NHCSXH Tây Ninh phấn đấu tăng số vốn tín dụng lên hơn 37%, trong đó vốn cho vay ở tất cả 6 chương trình tín dụng đều tăng cao hơn năm 2010. Một trong những giải pháp để đạt chỉ tiêu mà chi nhánh đề ra là tiếp tục thường xuyên kiểm tra các đơn vị uỷ thác cơ sở, đồng thời tổ chức tập huấn cho cán bộ nhận uỷ thác và tổ tiết kiệm vay vốn để việc uỷ thác ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.

Sơn Trần