Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Có 7 địa phương phấn đấu xoá xong nhà tạm trong quý II/2025
Thứ tư: 02:30 ngày 15/01/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), có 7 địa phương đặt mục tiêu hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát trong quý II/2025. Riêng Bắc Ninh phấn đấu hoàn thành việc xoá nhà tạm, nhà dột nát ngày 3/2/2025.

Đến nay, cả nước có 58/63 địa phương đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Có 5 tỉnh, thành phố chưa thành lập Ban chỉ đạo do không còn nhà tạm, nhà dột nát, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Căn nhà mới được xây dựng theo chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang.

Trong số 58 địa phương thành lập Ban chỉ đạo, có 33 địa phương đã ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Đến nay, có 474 huyện và 6.054 xã đã thành lập Ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Theo ông Nguyễn Lê Bình, Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, có 50 địa phương hiện đã ban hành kế hoạch triển khai, phát động Phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Đến ngày 6/1/2025, có 31 địa phương tổ chức chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà đột nát với kinh phí huy động được trên 2.316 tỷ đồng. Một số địa phương đặt mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát sớm hơn yêu cầu. Tỉnh Bắc Ninh là địa phương đặt mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát sớm nhất vào ngày 3/2/2025.

Theo đăng ký với Bộ LĐTBXH, có 7 địa phương xác định hoàn thành trong quý II/2025 gồm: Lào Cai, Thái Nguyên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kon Tum, Tây Ninh, Long An. Có 12 địa phương xác định hoàn thành trong quý III/2025 gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Gia Lai, Tiền Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau. Các địa phương còn lại xác định hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát vào ngày 31/12/2025.

Theo kết quả cập nhật của 42 địa phương, đến ngày 12/1/2025, các địa phương đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 88.488 căn nhà. Cụ thể, các địa phương hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng là 5.196 căn nhà; hỗ trợ nhà ở thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia là 50.909 căn nhà; hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát là 28.783 căn nhà.

Còn theo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đến ngày 2/1/2025, Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương đã tiếp nhận trên 72,4 tỷ đồng hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát (trong đó, đã bao gồm 62 tỷ đồng các đơn vị đăng ký ủng hộ tại Lễ phát động ngày 13/4/2024). Ngày 22/11/2024, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương đã phân bổ 13,26 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 240 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau (202 xây mới và 38 sửa chữa).

Bộ Quốc phòng đi đầu trong huy động nguồn lực hỗ trợ kinh phí xây dựng 9.200 căn nhà, với số tiền là 460 tỷ đồng cho 5 địa phương (Quảng Trị, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lào Cai và Nghệ An); hoàn thành chuyển kinh phí (400 tỷ đồng) cho địa phương; đồng thời hỗ trợ kinh phí xây dựng 13.120 căn “Nhà Đồng đội” và “Nhà Đại đoàn kết”. Bộ Công an phấn đấu đến trước Tết Nguyên đán, hỗ trợ hoàn thành khoảng 1.000 căn nhà cho người nghèo tại 14 tỉnh đón tết. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tích cực vận động các tổ chức tín dụng hỗ trợ bổ sung trên 83,95 tỷ đồng cho công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tại các địa phương nâng tổng mức hỗ trợ từ khối ngành ngân hàng là 1.083,95 tỷ đồng.

Một số địa phương có có cách làm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện như Hà Giang đã chỉ đạo bố trí mặt bằng sạch, bố trí nơi ở tạm cho hộ dân trước khi xây dựng, hình thành Tổ thanh niên chuyên chở vật liệu hỗ trợ người dân xóa nhà tạm, nhà dột nát; Tuyên Quang đã ứng trước kinh phí để các hộ xây dựng nhà ở…

Chỉ bàn làm, không bàn lùi

Để hoàn thành mục tiêu xoá khoảng 226.000 nhà tạm, nhà dột nát còn lại trong năm 2025, ông Nguyễn Lê Bình cho rằng: Theo chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ, các địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025 với phương châm chỉ bàn làm, không bàn lùi, địa phương chủ động triển khai và chịu trách nhiệm chính về kết quả xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương.

Các địa phương khẩn trương phê duyệt kế hoạch cụ thể, tập trung chỉ đạo rà soát, thống kê đầy đủ hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát; tổ chức giải ngân ngay đối với các nguồn lực được hỗ trợ, huy động; làm việc với các nhà đầu tư đã cam kết hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện; cử cán bộ đầu mối để cập nhật, cung cấp thông tin về kết quả xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương; bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực, xử lý nghiêm các vi phạm.

Hàng ngày, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo của địa phương cập nhật, báo cáo kết quả xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn gửi cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo trung ương theo phần mềm báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã gửi các địa phương. Các địa phương khẩn trương trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí để hỗ trợ nhà ở người có công, nhà ở thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia làm cơ sở để các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp xây dựng kế hoạch các đoàn kiểm tra để Ban Chỉ đạo đi kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát tại các địa phương. Các bộ, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nhận hỗ trợ các địa phương khẩn trương chuyển kinh phí vào đầu mối và số tài khoản tiếp nhận của cơ quan Mặt trận Tổ quốc tỉnh mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cung cấp để triển khai thực hiện.

Các địa phương kịp thời nắm bắt khó khăn vướng mắc ở các địa phương để tháo gỡ; phổ biến, biểu dương, khen thưởng cách làm hay, gương điển hình trong hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Nguồn Báo Tin tức

Tin cùng chuyên mục