BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cô bé giàu nghị lực

Cập nhật ngày: 30/04/2009 - 06:24

Em Võ Kim Tuyến

Khi tôi đến thăm thì thấy em quần vo quá gối, đang lúi húi bên đống quần, áo, mền, chiếu thật to và bốc mùi vô cùng khó ngửi. Em bẽn lẽn “Cô ngồi chơi tí, mà ngồi xích vô nhà ấy, không quen, cô không chịu nổi đâu. Con vừa đi bán về, tranh thủ giặt đồ cho mẹ để chiều còn đi học…”.

Căn nhà đại đoàn kết ở số 115 ấp Long Khương, Long Thành Nam, huyện Hoà Thành- do Báo Người Lao Động xây tặng hãy còn mới lắm nhưng nội thất chẳng có gì quý ngoài chiếc ti vi khá to và cây quạt đứng. Sau mới biết, hai món ấy cũng là do các nhà hảo tâm từ thành phố HCM mang đến tặng cho. Chúng dành riêng cho người mẹ bệnh tật triền miên của em, phần em và hai người anh trai thì phải chịu trận mỗi ngày trong cái nóng hầm hập toả xuống từ mái tole thấp tè.

Em tên Võ Kim Tuyến, sinh năm 1995, hiện là học sinh lớp 7, Trường THCS Trường Tây. Hoàn cảnh gia đình của em vô cùng khốn khó: cha mất, mẹ bệnh nằm một chỗ gần 10 năm nay vì căn bệnh thiếu máu não, mọi sinh hoạt đều cần có người giúp đỡ. Hai anh trai phải đi làm thuê làm mướn cả ngày. Tuyến một buổi đi học còn một buổi đi bán vé số phụ thêm vì tiền công làm mướn của hai anh không đủ chi tiền thuốc men cho mẹ làm sao đủ tiền ăn hằng ngày. Năm, sáu năm nay mọi việc ăn uống, tắm táp, tiểu tiện… của mẹ đều diễn ra tại chỗ và đều do Tuyến một tay chăm sóc, lo liệu. Bảy năm liền Tuyến đều là học sinh tiên tiến dù cảnh nhà như vậy. Em tự nhủ phải gắng học lên để có cơ hội cứu giúp mẹ.

Mẹ của Tuyến than thở:“Tôi sống đây mà cũng coi như chết rồi, vì có nuôi được con bé đâu. Chỉ mong sống với con tới ngày nó học hết lớp 12 và cũng mong làm sao cho nó học được tới đó. Cuộc đời không có chữ sẽ không làm được gì cả, nên tôi khuyên hai anh nó ráng lo cho em đi học. Vậy mà mấy ngày nay mệt mỏi quá, lại thêm tụi nó không có việc làm…”.

Quần lúc nào cũng vo trên gối, mồ hôi nhễ nhại, đánh vật với công việc nhà dưới cái nắng thiêu đốt của mùa hè, nhưng nụ cười vẫn trên môi Tuyến: “Có gì đâu, thì việc nhà mình, mình làm thôi”. Trong nụ cười trẻ thơ ấy, tôi bắt gặp một ý chí quyết tâm vươn lên chiến thắng số phận. “Con chỉ mong mẹ sống được tới khi con học hết lớp 12 vì nhà con nghèo, hai anh phải nghỉ học sớm, ít chữ quá, xin đi làm việc gì cũng khó. Bây giờ có cực nhọc gì con cũng ráng được hết”.

THUỲ TRANG