Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đang xây dựng cơ chế nhuận bút, thù lao mới phù hợp với đặc điểm của quan hệ dân sự đối với tài sản trí tuệ trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Cơ chế mới này được ban hành sẽ thay thế các quy định về chế độ nhận bút tại Nghị định 61/NĐ-CP ngày 11.6.2002.

|
Bộ VHTTDL đang xây dựng cơ chế mới về nhuận bút, thù lao liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan - Ảnh minh họa |
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đang xây dựng cơ chế nhuận bút, thù lao mới phù hợp với đặc điểm của quan hệ dân sự đối với tài sản trí tuệ trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Cơ chế mới này được ban hành sẽ thay thế các quy định về chế độ nhận bút tại Nghị định 61/NĐ-CP ngày 11.6.2002.
Cơ chế mới này được thể hiện trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2006/NĐ-CP và quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.
Về nguyên tắc xác định, phương thức thanh toán tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất, dự thảo nêu rõ, việc trả nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất phải bảo đảm lợi ích của nhà sáng tạo, nhà sử dụng và công chúng hưởng thụ, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.
Mức nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất căn cứ vào thể loại, hình thức, chất lượng, số lượng hoặc tần suất sử dụng tác phẩm. Việc sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan và trả nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất phải có Hợp đồng bằng văn bản theo quy định pháp luật.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL chấp thuận biểu giá, phương thức thanh toán nhuận bút
Các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan xây dựng biểu giá, phương thức thanh toán nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất phù hợp với các hình thức sử dụng làm cơ sở cho việc đàm phán, thanh toán tiền.
Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan phải trình cơ quan có thẩm quyền chấp thuận biểu giá, phương thức thanh toán tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất, kèm theo ý kiến bằng văn bản của cơ quan cấp trên trực tiếp.
Dự thảo nêu rõ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL xem xét, có ý kiến chỉ đạo và ra văn bản chấp thuận trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được biểu giá, phương thức thanh toán nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất do các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan trình.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL thành lập Hội đồng tư vấn, với sự tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và đại diện các Bộ, ngành, tổ chức đại diện tập thể, đại diện nhà sử dụng, đại diện người tiêu dùng có liên quan để xem xét biểu giá, phương thức thanh toán nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất. Hội đồng tư vấn này sẽ xem xét về biểu giá, phương thức thanh toán nhuận bút ở các hình thức sử dụng khác nhau; đảm bảo sự phù hợp về biểu giá, phương thức thanh toán nhuận bút giữa các tổ chức đại diện tập thể khác nhau...
Cân bằng lợi ích giữa người sáng tạo với nhà sử dụng và công chúng hưởng thụ
Bộ VHTTDL phân tích, sở dĩ dự thảo quy định giao thẩm quyền chấp thuận thuộc Bộ VHTTDL vì như vậy Nhà nước sẽ có trách nhiệm trong việc cân bằng lợi ích giữa người sáng tạo với nhà sử dụng và công chúng hưởng thụ. Đồng thời, đảm bảo sự cân đối giữa các biểu giá của các tổ chức đại diện tập thể khác nhau; tránh tình trạng các tổ chức đại diện tập thể chạy theo lợi ích cục bộ, gây khó khăn cho nhà sử dụng, ảnh hưởng đến truyền bá, giao lưu văn hoá và nhu cầu hưởng thụ của công chúng.
Vì vậy, để từng bước chuyển đổi cơ chế hiện hành sang cơ chế mới, cần thiết có sự can thiệp của Nhà nước về việc xác định nguyên tắc xây dựng, chấp thuận biểu giá, phương thức thanh toán nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất cho việc sử dụng tất cả các đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan. Trong đó, có quy định để áp dụng trong trường hợp các bên không thoả thuận được và các quy định về cơ chế nhuận bút áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước.
Cơ chế mới này là bước chuyển tiếp cần thiết, đảm bảo quyền dân sự của các chủ thể quyền, đồng thời có sự can thiệp của Nhà nước trong giới hạn phù hợp.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo Nghị định và góp ý.
(Theo chinhphu.vn)