PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Có chính sách ưu đãi nhưng chủ trương phân luồng học sinh chưa thành công
Thứ ba: 22:53 ngày 12/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cho đến nay, vì nhiều lý do, sau hai năm ban hành, Nghị định 81 vẫn chưa áp dụng.

Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ, học sinh cấp THCS, sau khi tốt nghiệp nếu tiếp tục học lên trình độ trung cấp (trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp) không phải đóng học phí. Cho đến nay, vì nhiều lý do, sau hai năm ban hành, Nghị định 81 vẫn chưa áp dụng.

Thầy Châu Thành Trọng- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề trao bằng tốt nghiệp cho HSSV. Ảnh: Ngô Tuyết

Chính sách ưu đãi dành cho học sinh học xong cấp THCS sau khi tốt nghiệp nếu tiếp tục học lên trình độ đào tạo hệ trung cấp đã được áp dụng từ năm 2015, theo Nghị định 86 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.

Điều 7 của Nghị định 86 quy định 15 nhóm đối tượng được miễn học phí, trong đó nhóm đối tượng thứ 13 là “Người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp”. Sau khi có Nghị định 86, liên Bộ Giáo dục - Đào tạo, Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 09 hướng dẫn triển khai nghị định.

Thông tư 09 quy định, hướng dẫn chi tiết phương thức chi trả tiền miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đối với người học ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập; cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học thuộc doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức kinh tế. Trong đó, phòng GD&ĐT chịu trách nhiệm chi trả, quyết toán kinh phí cấp bù học phí và hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp bằng tiền mặt (hoặc uỷ quyền cho cơ sở giáo dục chi trả) cho cha mẹ (hoặc người giám hộ) trẻ em học mẫu giáo, học sinh tiểu học và học sinh THCS.

Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm chi trả, quyết toán kinh phí cấp bù học phí và hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ học sinh trung học phổ thông hoặc uỷ quyền cho cơ sở giáo dục chi trả. Phòng LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm chi trả, quyết toán kinh phí cấp bù học phí trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Tại Tây Ninh, từ năm 2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 73/2016/QĐ-UBND quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập; chính sách miễn, giảm học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ học kỳ II năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021 trên địa bàn tỉnh.

Ngoài các chính sách của Trung ương, Quyết định 73 của tỉnh còn bổ sung nhiều nhóm đối tượng thuộc diện được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập. Trình tự thực hiện chính sách được triển khai theo quy định tại Thông tư 09. Có thể thấy, việc thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đã được quy định cụ thể.

Theo đó, học sinh sau khi học xong lớp 9 nếu theo học tại các trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp thì được miễn học phí. Để thuận tiện, học sinh, học viên vẫn đóng học phí cho nhà trường nhưng ngân sách Nhà nước sẽ hoàn lại 100% khoản tiền này.

Theo quy định tại Nghị định 86 và Thông tư 09, học viên lớp trung cấp (là học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở, không học trung học phổ thông) đều được miễn học phí, không phân biệt học ngành nghề nào, độc hại hay không độc hại.

HSSV Trường Cao đẳng Nghề luyện tập văn nghệ. Ảnh: Tố Tuấn

Thực tế, loại hình đào tạo hệ trung cấp, đặc biệt trung cấp nghề không thực sự hấp dẫn người học, mặc dù tỷ lệ học viên tìm được việc làm sau đào tạo rất cao. Thông tin mới nhất về tình hình đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh cho thấy, năm 2020-2023 tuyển được 41.784 người, trong đó trình độ cao đẳng 1.377, trung cấp 6.427, sơ cấp 25.886, lao động nông thôn 8.094 người. Kết quả tốt nghiệp cùng thời gian trên là 34.563 người, trong đó: trình độ cao đẳng 800, trung cấp 3.135, sơ cấp 22.962, lao động nông thôn 7.666 người.

Từ năm 2020 đến nay, các trường trung cấp, cao đẳng nghề chủ động phối hợp với các trường đại học, cao đẳng trong nước thực hiện liên kết đào tạo theo hình thức học tập trung liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, đại học hoặc đào tạo trình độ đại học theo hình thức vừa làm vừa học; kết quả đã tuyển sinh được 2.589 người, trong đó đã tốt nghiệp 1.024 người (cao đẳng 121, đại học 903).  Học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp đều tìm được việc làm phù hợp, tỷ lệ có việc làm đối với các ngành nghề đào tạo trình độ cao đẳng đạt gần như 100%. Các ngành cơ khí, điện, điện lạnh, tỷ lệ người học sau đào tạo đạt từ 90% trở lên.

Sở LĐ-TB&XH nhìn nhận, chính sách xã hội hoá còn nhiều bất cập, chưa thu hút được các doanh nghiệp có tâm huyết, tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực này. Đội ngũ nhà giáo vẫn còn thiếu so với yêu cầu thực tế, một vài cơ sở ngoài công lập chưa quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, năng lực đào tạo còn nhiều hạn chế. Công tác phân luồng học sinh phổ thông vào học giáo dục nghề nghiệp vẫn còn thấp so với mục tiêu đề ra.

Nhận thức của xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp tuy có thay đổi nhưng vẫn còn định kiến, phụ huynh luôn muốn con học lên trình độ cao hơn. Các trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện chưa thực hiện đúng chức năng dạy nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng.

Cơ chế, chính sách chưa thông thoáng, hấp dẫn để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực GDNN. Đối tượng học nghề lao động nông thôn phần nhiều là nông dân làm nghề nông nghiệp, học vấn thấp, ngành nghề đào tạo đơn giản.

Đầu năm học 2023-2024, Sở GD&ĐT có văn bản yêu cầu trung tâm GDNN-GDTX phối hợp với trường THPT, phòng GD&ĐT trên địa bàn thống kê số liệu và danh sách học sinh không trúng tuyển vào học lớp 10. Qua đó, tích cực tổ chức tư vấn tuyển sinh, vận động số học sinh này ra lớp 10 tại trung tâm GDNN-GDTX bằng nhiều hình thức.

Các đơn vị nêu trên có nhiệm vụ phối hợp với các trường trung cấp, cao đẳng nghề trong và ngoài tỉnh tổ chức đào tạo các lớp trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề song song với dạy chương trình GDTX cấp THPT cho học sinh. Các trung tâm GDNN-GDTX tiếp tục thực hiện Công văn số 857/BGDĐT-GDTX ngày 31.7.2020 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn tổ chức chương trình GDTX cấp THPT kết hợp với dạy nghề tại các cơ sở GDTX.

Phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh mở các lớp cho học viên học chương trình GDTX cấp THPT văn hoá kết hợp với học nghề trên cơ sở nguyện vọng của người học và phù hợp điều kiện của các trung tâm GDNN-GDTX.

Linh hoạt bố trí thời gian, địa điểm học văn hoá và học nghề hợp lý nhưng phải bảo đảm thực hiện nghiêm túc các chương trình văn hoá và nghề, bảo đảm chất lượng dạy học; tổ chức dạy đủ các môn bắt buộc, không được cắt giảm chương trình.

Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, nếu có nhu cầu giảng dạy khối lượng văn hoá trung học phổ thông cho học sinh, sinh viên trường nghề theo Thông tư số 15/2022/TT-BGDĐT ngày 8.11.2022 của Bộ GD&ĐT quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hoá THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch giảng dạy các môn học, quyết định thời điểm tổ chức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá định kỳ cho mỗi kỳ học và thi kết thúc môn học phù hợp với điều kiện của cơ sở giáo dục nghề nghiệp kèm theo minh chứng về bảo đảm yêu cầu và điều kiện tổ chức giảng dạy.

Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo trường THCS phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa tỉnh chia sẻ dữ liệu về tuyển sinh, học sinh tốt nghiệp bậc THCS để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khai thác, tuyển sinh phục vụ công tác phân luồng. Ngày 2.8.2023, UBND tỉnh có công văn gửi Sở GD&ĐT yêu cầu tăng cường thực hiện công tác tuyển sinh, đào tạo các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp.

Chủ trương đẩy mạnh công tác dạy nghề, phân luồng học sinh sau THCS đã được tính đến từ lâu. Một cách công bằng, các cấp quản lý đã có nhiều việc làm cụ thể để tăng tỷ lệ, số lượng học sinh phổ thông đi học nghề. Tuy vậy, vì nhiều nguyên nhân, học sinh phổ thông vẫn ít đăng ký học nghề.

Sau khi tốt nghiệp THCS, phần lớn học sinh hoặc tiếp tục học lên cấp THPT hoặc dừng con đường học vấn, tham gia thị trường lao động. Một điều nữa cũng cần được nhìn nhận, đó là chính sách đào tạo, tuyển sinh đang tồn tại những mâu thuẫn.

Năm 2011, Bộ Chính trị ban hành chỉ thị liên quan đến giáo dục nghề nghiệp, trong đó có nội dung, đến năm 2015, 30% học sinh sau THCS tham gia học ở trường nghề. Trên thực tế, cho đến nay- tức thêm 8 năm- vẫn chưa đạt được tỷ lệ nêu trên.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh