Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ðể tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vùng sâu, vùng xa khám, chữa bệnh, gần 20 năm trước, Sở Y tế thành lập hai phòng khám đa khoa khu vực (KÐKKV) đặt tại hai vùng xa phía Bắc và phía Nam tỉnh. Tuy nhiên, có dịp trở lại tìm hiểu thực tế, chúng tôi mới thấy hai cơ sở y tế công lập này có cũng như không.
Phòng KĐKKV Tân Đông.
PHÒNG KÐKKV TRẢNG BÀNG: MỘT BÁC SĨ VỀ HƯU ÐẢM TRÁCH CẢ BA XÃ
Nhiều năm trước, hệ thống giao thông trong tỉnh còn nhiều hạn chế, gây khó khăn cho việc đi lại, khám, chữa bệnh của người dân.
Trước tình hình đó, cùng lúc với việc thành lập một loạt trạm y tế ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, Sở Y tế còn xây dựng thêm hai phòng KÐKKV.
Một phòng ở tại xã Bình Thạnh (huyện Trảng Bàng) và phòng còn lại đặt tại xã Tân Ðông (huyện Tân Châu).
Phòng KÐKKV Bình Thạnh thực hiện chức năng của trạm y tế chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân xã Bình Thạnh, đồng thời thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho người dân ba xã cánh Tây huyện Trảng Bàng: Phước Lưu, Phước Chỉ và Bình Thạnh.
Phòng khám này được xây dựng khá khang trang, gồm 20 phòng- đầy đủ các phòng chức năng, đáp ứng đủ tiêu chuẩn về cơ sở vật chất.
Về thiết bị y tế, có các máy X-quang, siêu âm, đo điện tim, xét nghiệm huyết học và sinh học, có cả một xe cấp cứu, cơ bản đầy đủ các dụng cụ y khoa theo quy định.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ mới thấy ở Phòng KÐKKV bộc lộ nhiều hạn chế. Tất cả các phòng chức năng của phòng khám này không phù hợp với quy trình tiêm chủng mở rộng theo nguyên tắc một chiều, như khám trước khi tiêm chủng, phòng chờ v.v…
Phòng KÐKKV Bình Thạnh có các máy X-quang, máy xét nghiệm huyết học và sinh học nhưng gần như không được phép sử dụng. Lý do, theo quy định hiện hành, phải có trưởng khoa ký tên vào các giấy kết quả X-quang, xét nghiệm mới đủ điều kiện được bảo hiểm y tế thanh toán chi phí chụp X-quang, xét nghiệm.
Trong khi nhiều năm qua, Phòng KÐKKV Bình Thạnh chưa có trưởng khoa, vì vậy những máy X-quang, máy xét nghiệm này bị vướng quy định, đành phải “trùm mền”, không hoạt động. Ðúng là chuyện bất hợp lý.
Về nhân sự, đội ngũ bác sĩ cũng có chuyện đáng ngạc nhiên. Một Phòng KÐKKV quy mô, hiện đại như thế, nhưng nhiều năm qua chỉ có một vị bác sĩ đảm trách.
Vị này là một bác sĩ đã về nghỉ hưu, được hợp đồng làm việc lại. Ðiều khiến mọi người cảm thấy băn khoăn là nữ bác sĩ cao niên này không chỉ làm việc ở Phòng KÐKKV Bình Thạnh mà còn đảm trách cả hai trạm y tế của hai xã Phước Lưu và Phước Chỉ.
Theo báo cáo của lãnh đạo Phòng KÐKKV Bình Thạnh tại thời điểm đoàn giám sát của HÐND tỉnh đến làm việc, vị nữ bác sĩ này được phân công trực 3 ngày tại Phòng KÐKKV Bình Thạnh, hai ngày còn lại tăng cường cho hai trạm y tế Phước Lưu, Phước Chỉ.
Với đội ngũ bác sĩ ít ỏi như thế, nên những năm gần đây, khó tránh số lượng người dân đến Phòng KÐKKV Bình Thạnh khám, chữa bệnh ngày càng giảm.
Theo báo cáo của lãnh đạo Phòng, tổng số lượt người khám, chữa bệnh năm 2015 là 9.083 lượt, năm 2016 giảm xuống còn 8.043 lượt và 6 tháng đầu năm 2017 có 4.226 lượt.
Ông Lâm Văn Tươi- Phó Phòng KÐKKV Bình Thạnh cho biết thêm, riêng khám phụ sản, 6 tháng đầu năm nay cũng có một số người đến khám thai, nhưng không có người dân nào đến sinh con tại Phòng KÐKKV này.
Trong văn bản báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về khám, chữa bệnh tại Phòng KÐKKV Bình Thạnh có nêu rõ: “Do trình độ chuyên môn (của phòng khám- NV) còn hạn chế nên những bệnh nhân chuyên khoa phải chuyển về tuyến trên.
Hiệu quả sử dụng trang thiết bị chưa cao. Phòng KÐKKV lồng ghép với Trạm Y tế, vừa thực hiện chuyên môn khám chữa bệnh ban đầu, vừa kiêm nhiệm nhiều chương trình y tế, nên còn gặp nhiều khó khăn…”.
PHÒNG KÐKKV TÂN ÐÔNG: NÓNG NHƯ LÒ SẤY
Tình hình hoạt động ở Phòng KÐKKV Tân Ðông cũng gặp khó khăn không kém. Phòng khám có 16 phòng chức năng được bố trí trong toà nhà hai tầng. Bên cạnh đó còn có những công trình phụ như nhà vệ sinh, nhà để xe và tương đối đầy đủ các trang thiết bị như máy đo điện tim, máy sinh hoá bán tự động, tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, quay ly tâm, hút đàm nhớt, điện châm, phun khí dung, siêu âm trắng đen, o-xy tự tạo, ghế nha khoa, xe cứu thương và các y dụng cụ khác.
Nhưng, thật khó hiểu là tất cả các phòng chức năng ở đây đều được xây dựng rất nhỏ hẹp. Ðơn cử như phòng sinh. Chiều dài của phòng này chỉ vừa đủ kê gọn lỏn một chiếc ghế chuyên dùng để sản phụ nằm sinh con và một hộ sinh đứng đỡ đẻ.
Vì được bố trí gọn lỏn như thế, nên trước khi được sử dụng đúng công năng, chiếc ghế này phải được xếp phần gác chân gập lại cho gọn, sản phụ mới có thể lên nằm… co chân trên ghế và người hộ sinh mới chen được vào vị trí đứng đỡ đẻ.
Sau đó phần gác chân mới được bung ra cho sản phụ đặt chân lên… Tất nhiên phía sau người đỡ đẻ không còn một khoảng trống nào để xoay xở. Chiều ngang của phòng sinh cũng hẹp gần bằng chiều dài của phòng này. Trong phòng, chiếc ghế sanh, chiếc bàn làm việc nhỏ và một vài chiếc ghế là choán hết diện tích.
Chẳng rõ, có phải vì điều kiện phòng sinh chật hẹp như thế, nên số lượng sản phụ đến đây sinh nở ngày càng giảm.
Theo số liệu báo cáo của Phòng KÐKKV Tân Ðông, năm 2015 có 8 sản phụ đến đây sinh con, sang năm 2016, số lượng sản phụ đến đây giảm xuống chỉ còn 2 người và 6 tháng đầu năm nay, số người đến sinh con bằng không (= 0).
Không chỉ riêng phòng sinh có diện tích “tum húm” như thế mà tất cả các phòng chức năng ở đây đều cùng một kích cỡ. Trong khi đó, phía sau và phía trước của tất cả các căn phòng này vẫn còn diện tích đất tuy không rộng lắm, nhưng cũng không hẹp, mỗi phía còn dư khoảng bốn, năm mét.
Nếu tất cả các phòng này được xây dựng dài và rộng ra thêm vài ba mét nữa thì hợp lý hơn.
Không những phòng ốc chật hẹp, mà tất cả các phòng chức năng ở đây còn được xây dựng theo hướng Ðông - Tây, khiến cả hai buổi sáng, chiều đều bị nắng dọi làm cho không khí trong phòng “nóng như lò sấy”.
Vì thế, toàn bộ các phòng chức năng trên lầu thường xuyên bị đóng cửa bỏ không. Tất cả các dịch vụ dồn hết xuống các phòng ở tầng trệt. Ngoài ra, ở Phòng KÐKKV Tân Ðông còn một điều không thể hiểu nổi.
Ðó là tình trạng Phòng khám khu vực này đến giờ vẫn chưa có văn bản quyết định thành lập. Chính vì thế, từ trước đến nay, tuy Phòng KÐKKV Tân Ðông vẫn hoạt động theo tiêu chuẩn Phòng KÐKKV, nhưng chỉ được thanh toán chi phí theo tiêu chuẩn của… trung tâm y tế xã.
Cụ thể, theo quy định hiện hành, chế độ tiền trực của cán bộ, nhân viên phòng KÐKKV là 65.000 đồng/ca, còn cán bộ, nhân viên ở đây là 25.000 đồng/ca. Tương tự như thế, tiền bảo hiểm y tế, đúng ra là được thanh toán viện phí, khám, chữa bệnh theo tiêu chuẩn phòng KÐKKV, nhưng trên thực tế, bệnh nhân chỉ được thanh toán theo chế độ của trung tâm y tế xã.
Bác sĩ Nguyễn Thị Vân- Trưởng Phòng KÐKKV Tân Ðông, chia sẻ: “Từ khi về nhận nhiệm vụ ở đây đến nay, tôi tìm khắp các nơi đều không thấy quyết định thành lập Phòng KÐKKV.
Chúng tôi đã nhiều lần đặt vấn đề này với lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Tân Châu và Trung tâm Y tế huyện đã hỏi lãnh đạo Sở Y tế, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng”.
Mặt khác, Phòng KÐKKV Tân Ðông có một xe cấp cứu, nhưng nhiều năm qua, không có tài xế. Mỗi lần có trường hợp cần chuyển bệnh nhân, phòng khám này phải thuê tài xế làm nghề chạy thuê bên ngoài cơ quan. Việc thuê mướn tài xế theo kiểu đột xuất như thế hiếm khi có người đáp ứng ngay được. Vì lẽ đó, nhiều năm qua, xe cấp cứu “không thường xuyên hoạt động”.
Trả lời với đoàn giám sát, Bác sĩ Nguyễn Thị Vân- Trưởng Phòng KÐKKV Tân Ðông cho biết: “Do không được quy định phụ trách xã nào nên những năm qua, phòng khám này chỉ hoạt động như một trạm y tế xã.
Thỉnh thoảng mới có bệnh nhân từ các xã lân cận như Tân Hà, Suối Ngô đến khám bệnh, nhưng không nhiều. Còn việc giám sát dịch bệnh, Phòng KÐKKV Tân Ðông chỉ chịu trách nhiệm giám sát địa bàn xã”.
Trước tình hình hoạt động của hai phòng KÐKKV kể trên, một số thành viên trong đoàn giám sát cho biết, sẽ đề nghị HÐND tỉnh xem xét xoá bỏ mô hình phòng KÐKKV và cho tồn tại như một trạm y tế xã, để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực trạng hiện nay.
Ðại Dương