BAOTAYNINH.VN trên Google News

UBND tỉnh chấn chỉnh tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền:

“Cò” đất xếp “cánh” 

Cập nhật ngày: 16/09/2019 - 10:22

BTN - Thực tế, nếu nói “cò đất” không còn thì chưa chắc. Do không “kiếm ăn” được như trước nên họ “nằm yên” chờ thời cơ. Đến một lúc nào đó, chỉ cần thấy thị trường nhà đất nóng lên, họ lại “trở mình”, tiếp tục hoạt động.

Nhiều văn phòng dịch vụ nhà đất tại xã Phước Đông, huyện Gò Dầu đã đóng cửa (ảnh chụp ngày 13.9).

Mới năm ngoái, khi thị trường bất động sản chợt nhiên nóng sốt, nhiều người chuyển sang làm “cò đất”. Đơn giản là, chỉ cần môi giới thành công một vài vụ, thu nhập có khi bằng cả năm đi làm những công việc bình thường khác. Có người làm “cò đất”, coi như là nghề chính, nhưng cũng không ít làm theo kiểu tài tử, rảnh rỗi thì môi giới chỗ này, chỗ kia, “làm chơi, ăn thiệt”. Nhiều công ty, dịch vụ nhà đất cũng nở rộ theo cơn sốt của thị trường.

Không còn là nghề béo bở

Thế nhưng, kể từ khi tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách thắt chặt việc quản lý vấn đề tách thửa, nhất là đối với đất nông nghiệp, để hạn chế tình trạng phân lô bán nền, thị trường mua bán nhà đất theo đó mà hạ nhiệt dần. Hiện nay, tại một số địa phương, việc giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các cá nhân vẫn bình thường, tuy nhiên theo một số cán bộ địa phương, cán bộ công tác trong lĩnh vực đất đai, rất nhiều “cò đất” đã chuyển nghề.

Một lãnh đạo UBND xã Phước Đông, huyện Gò Dầu- địa bàn “nóng” về thị trường nhà đất cho biết, trước đây con đường đi vào nông trường nằm cạnh Khu công nghiệp Phước Đông - Bời Lời có rất nhiều công ty dịch vụ nhà đất thuê mặt bằng để mở trụ sở giao dịch. Thế nhưng, từ cuối năm 2018, không ít nơi đóng cửa.

Một người dân địa phương cho biết, nhiều người trước đây “ăn nên, làm ra” nhờ môi giới nhà đất, giờ đã phải chuyển nghề. Nhu cầu của người dân không còn như trước đây, có khi cả tháng, “cò đất” không làm được “phi vụ” nào, đành phải kiếm nghề khác sinh nhai chứ không thể “há miệng chờ sung rụng”.

Theo lời P- một “cò đất” chuyên nghiệp lâu năm, đúng là nhiều người làm nghề môi giới mua bán nhà đất thuộc dạng “cò con” phải chuyển nghề vì thị trường nhà đất không còn “bát nháo” như xưa. Giờ không còn cảnh chỉ cần có người đăng bảng bán đất là cả chục “cò đất” chạy đến chụp ảnh rồi đăng lên mạng xã hội tự xưng là “chính chủ” rao bán với giá “trên trời”. Người dân cũng đã tỉnh táo hơn khi có người đến gặp đặt vấn đề đề nghị kêu bán đất giùm để hưởng hoa hồng. Tuy nhiên với những người “làm nghề” lâu năm, có uy tín vẫn sống khoẻ, thậm chí còn thoải mái hơn vì không còn bị “cò đất” hoành hành như trước. 

V, cũng từng làm “cò đất”, nay chuyển sang làm nghề tiếp thị cho rằng, thị trường nhà đất có dấu hiệu chững lại do bão hoà, tình trạng nhiều người mua đất với mục đích đầu cơ cũng giảm hẳn nên việc tìm, môi giới mua bán được một thửa đất để hưởng tiền hoa hồng khá vất vả. Có tháng xách xe chạy không, triền miên rao bán trên mạng xã hội nhưng cũng không làm được vụ nào. Khá nhiều người làm “cò” như anh phải chọn con đường khác để mưu sinh, không thể tiếp tục theo “nghề” khi tương lai không mấy sáng sủa.

Chờ thời?

Một cán bộ làm nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ đất đai tại một huyện cho biết, trước đây khi người dân đến hộp hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất, anh thường thấy mấy tay “cò đất” lấp ló đứng sau lưng người dân hoặc đi lảng vảng bên ngoài. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, hiếm gặp cảnh này, một số “cò đất” quen mặt cũng ít xuất hiện hơn. Đặc biệt là khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 15/2019/QĐ-UBND, “cò đất” gần như vắng bóng, dù số trường hợp xin chuyển quyền sử dụng đất không giảm, thậm chí tăng so với trước.

Hầu hết những trường hợp chuyển nhượng là thửa đất nhỏ, người dân giao dịch, chuyển nhượng cho nhau vì có nhu cầu thật sự, gần như không còn tình trạng đầu cơ, “tháng trước mua, tháng sau bán” như trước, và cũng không có dấu hiệu phân lô, bán nền có nguồn gốc đất nông nghiệp.

Chỉ riêng địa bàn thành phố Tây Ninh, tính từ đầu năm đến cuối tháng 8.2019, số lượng hồ sơ chuyển nhượng QSDĐ được tiếp nhận là 8.393 hồ sơ, cùng kỳ năm 2018 chỉ có 6.533 hồ sơ. Do đó không thể nói thị trường giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã “nguội” được.

Lý giải điều này, một cán bộ quản lý đất đai cho rằng, do sự phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu của người dân tăng, thị trường chuyển nhượng nhà đất tăng là điều tất yếu. Tuy nhiên, giao dịch của người dân về chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có nhiều thay đổi, nhất là khi tỉnh có các chủ trương thắt chặt quản lý, tình trạng tách thửa đất nông nghiệp ngày càng đi vào nề nếp. Người dân nắm được các quy định pháp luật, tự liên hệ cơ quan có thẩm quyền xem xét tình trạng pháp lý thửa đất cần mua, không cần phải nhờ đến “cò đất”.

Tình trạng quảng cáo bán đất trên mạng xã hội cũng đã giảm bớt, không còn rầm rộ như trước đây (ảnh minh hoạ).

Thực tế, nếu nói “cò đất” không còn thì chưa chắc. Do không “kiếm ăn” được như trước nên họ “nằm yên” chờ thời cơ. Đến một lúc nào đó, chỉ cần thấy thị trường nhà đất nóng lên, họ lại “trở mình”, tiếp tục hoạt động. Bởi, nghề này không cần bỏ vốn, “hoa hồng” lại cao nên ít có “cò đất” nào dễ dàng từ bỏ.

Một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, không thể nhìn vào số lượng hồ sơ thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, tách thửa đất trên địa bàn tỉnh thời gian qua mà vội vàng nói “cò” không còn đất sống. 

Có ý kiến nhận định, thị trường bất động sản thời gian qua “nóng” nhưng chưa thật sự “sốt”, phù hợp với tốc độ phát triển của kinh tế xã hội, còn “cò đất” là một vấn đề khác. “Cò đất” hoành hành, gây nhiễu động thị trường thời gian qua xuất phát từ nhu cầu của xã hội. Điều quan trọng là các ngành chức năng có biện pháp gì để quản lý việc tách thửa đất. Quyết định số 15/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh đã chấn chỉnh tình trạng trên. Mặt khác, việc các địa phương công khai các quy hoạch về kế hoạch sử dụng đất đai cũng là một biện pháp hữu hiệu giúp thị trường mua bán nhà đất minh bạch hơn.

Thế Nhân

“Giám đốc các sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm: tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá đầy đủ tình hình triển khai thi hành pháp luật về đất đai; kịp thời tham mưu, đề xuất ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh, UBND tỉnh theo quy định của Luật Đất đai và các nghị định chuyên ngành; Xử lý nghiêm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai, xử lý dứt điểm các vi phạm, không để tồn tại kéo dài; Tập trung giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện; chủ động tiếp nhận, xử lý, giải quyết triệt để, kịp thời các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân…”.

Trích Công văn số 1815/UBND-KTTC, ngày 26.8.2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chấn chỉnh và khắc phục tồn tại hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai.


 
Liên kết hữu ích