Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đại hội đảng
Có dấu hiệu hạ nhiệt
10/12/2019 - 08:33

(BTN) - Một chủ xe tải chuyên mua cát về bán lại các cửa hàng vật liệu xây dựng cho biết, giá cát sông mua tại một bãi cát ở khu vực cầu Bến Đình, huyện Bến Cầu khoảng 350 ngàn đồng/m3 - giảm khoảng 50 ngàn đồng so với trước.

Một bãi cát trong hồ Dầu Tiếng trước thời điểm UBND tỉnh có chủ trương tạm dừng khai thác cát (ảnh minh hoạ).

Sau hơn 7 tháng kể từ khi UBND tỉnh có chủ trương tạm dừng hoạt động khai thác cát trong khu vực hồ Dầu Tiếng, giá cát tăng đột biến gần gấp đôi, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xây dựng của người dân và doanh nghiệp…

Giá cát giảm trước thông tin cho khai thác cát trở lại

Mới đây ngày 29.11, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2678/UBND-KTTC, cho phép doanh nghiệp tư nhân Hải Hà và Công ty TNHH MTV Cát Giang khai thác cát trở lại kể từ ngày 1.12.2019. Đồng thời, Sở TN&MT tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời chấn chỉnh, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, nhất là việc giám sát hoạt động khai thác, mua, bán, vận chuyển cát của các doanh nghiệp hoạt động trở lại kể từ ngày 1.12.2019.

Trước thông tin này, giá cát bắt đầu giảm. Theo một chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh cát, đá tại huyện Châu Thành, khoảng một tuần trước, giá cát sông nhập từ miền Tây, loại được cho là “đẹp nhất”, hơn 400 ngàn đồng/m3, giờ còn khoảng 380 ngàn đồng/m3. Một chủ xe tải chuyên mua cát về bán lại các cửa hàng vật liệu xây dựng cho biết, giá cát sông mua tại một bãi cát ở khu vực cầu Bến Đình, huyện Bến Cầu khoảng 350 ngàn đồng/m3 - giảm khoảng 50 ngàn đồng so với trước.

Lượng bán ra cũng giảm khoảng 50%. Theo một chủ doanh nghiệp kinh doanh cát, cát sông không bán chạy như trước do có thông tin cát hồ Dầu Tiếng sắp được khai thác trở lại. Nhiều người chần chừ, chờ mua cát hồ Dầu Tiếng, được xem là chất lượng cao trong xây dựng nhờ hạt cát to, độ kết dính cao.

Một chủ cửa hàng kinh doanh VLXD ở huyện Hoà Thành chia sẻ, thực tế, dù hai doanh nghiệp được tỉnh cho phép hoạt động lại từ đầu tháng 12, nhưng chắc chắn, lượng cát mà hai doanh nghiệp này khai thác không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, vì thế trong thời gian tới, các cửa hàng VLXD vẫn phải bán cát sông.

Doanh nghiệp tư nhân Hải Hà cho biết, sau khi được UBND tỉnh cho phép khai thác trở lại ở khu vực sông Tha La, doanh nghiệp này đã đăng ký giá bán cát với Sở Xây dựng 400 ngàn đồng/m3 (có xuất hoá đơn VAT) tại bãi. Mỗi ngày, doanh nghiệp chỉ khai thác và kinh doanh đúng sản lượng theo đề án đã được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền- hơn 150m3/ngày.

Trước khi được UBND tỉnh cho phép khai thác trở lại, doanh nghiệp cũng đã thực hiện đầy đủ các quy định trong hoạt động khai thác khoáng sản. Như tại bãi cát hiện nay, chỉ có một con đường duy nhất vào bãi để lấy cát và phải đi qua bàn cân tải trọng có camera giám sát, dữ liệu được lưu trữ vào máy tính… để cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra khi cần thiết. 

Tuy nhiên theo đại diện doanh nghiệp này, do thông tin về việc được khai thác cát trở lại chưa được nhiều người biết đến, nên những ngày, qua lượng khách hàng đến mua cát cũng chưa nhiều.

Một chủ cửa hàng VLXD ở thành phố Tây Ninh cho biết, các công trình xây dựng- nhất là nhà ở của người dân đang trong quá trình hoàn thiện nên nhu cầu cát khá cao. Do đó, dù mức giá cát hồ Dầu Tiếng hiện khá cao, nhiều người vẫn sẽ chờ mua. Ông hy vọng, trong thời gian tới, sẽ có thêm doanh nghiệp được khai thác cát trong khu vực hồ Dầu Tiếng để đáp ứng nhu cầu cát trên thị trường.

Siết chặt điều kiện hoạt động khai thác cát 

Theo ông Trần Minh Sơn- Phó Giám đốc Sở TN&MT, các doanh nghiệp được cho phép khai thác cát trở lại phải thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định.

Cụ thể về bến bãi, trạm cân được kết nối dữ liệu với máy tính, truy xuất được dữ liệu khi cần thiết, phải bảo đảm đường vận chuyển cát từ bến bãi qua trạm cân phải là được độc đạo. Hồ lắng được xây dựng theo thiết kế của Sở Công Thương, bảo đảm nước sau khi chảy ra đạt quy chuẩn QCVN 40 2011/BTNMT (cột A)…

Phương tiện khai thác phải có hồ sơ pháp lý đầy đủ, có ngăn chứa cát, ngăn lắng cát, hạn chế xả thải tạp chất bùn sét trở lại môi trường hồ nước; không cho phép sà lan dạng dây ngang bằng trên mặt nước. Các tàu khai thác cát có trong kế hoạch đăng ký khai thác phải gắn định vị, camera hành trình; có bản vẽ địa hình khu vực trong và ngoài mỏ đủ rộng ra các bên ít nhất 100m; hoàn thành nghĩa vụ tài chính; có thông báo hồ sơ tiếp nhận công bố hợp quy theo quy định.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải có trách nhiệm đối với mọi hoạt động khai thác cát trái phép khu vực được giao quản lý, thực hiện đầy đủ các nội dung liên quan đến hành lang bảo vệ nguồn nước và thủ tục hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động…

Theo ông Sơn, tỉnh đang xúc tiến thực hiện đề án truyền dữ liệu hoạt động khai thác, vận chuyển cát về Sở để quản lý. Trước mắt, các doanh nghiệp được cho phép hoạt động khai thác trở lại phải có trách nhiệm lưu trữ dữ liệu. Nếu trong quá trình kiểm tra, doanh nghiệp không lưu trữ dữ liệu đúng theo quy định sẽ bị xem xét xử lý.

Sẽ có thêm doanh nghiệp được phép khai thác cát trở lại?

UBND tỉnh cũng đã có Công văn số 2683/UBND-KTTC về việc cho hoạt động khai thác trong hồ Dầu Tiếng gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Theo công văn, ngày 18.4.2019, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 751/UBND- KTTC về việc tạm ngưng hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng (thời gian tạm ngưng tối thiểu là 2 tháng kể từ ngày 20.4). Ngày 10.6.2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1250/QĐ-UBND về việc thành lập tổ tác nghiệp kiểm tra, xử lý chấn chỉnh hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng.

Qua kiểm tra của tổ tác nghiệp, đến nay có 4 doanh nghiệp gồm: Chi nhánh 2 Công ty TNHH Việt Úc, Công ty TNHH Quang Vinh Tây Ninh, Công ty cổ phần xây dựng Thành Đạt, Công ty TNHH TM DV Phú Quân thuộc hồ Dầu Tiếng do Công ty TNHH KTTL Dầu Tiếng- Phước Hoà quản lý có đầy đủ các thủ tục theo quy định và đã thực hiện đầy đủ các điều kiện theo hướng dẫn của tổ tác nghiệp để được hoạt động khai thác cát trở lại…

Tàu khai thác cát hoạt động trong hồ Dầu Tiếng trước thời điểm tạm dừng khai thác cát (ảnh minh hoạ).

Theo UBND tỉnh, việc khai thác cát trở lại nhằm đáp ứng nhu cầu cát xây dựng đang khan hiếm. Hiện nay việc xây dựng cơ bản cũng như dân sinh đang gặp khó khăn do giá cát quá cao, cho phép khai thác cát trở lại còn tạo thuận lợi cho công tác kiểm tra xử lý hoạt động khai thác cát trái phép đang có diễn biến phức tạp; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định của pháp luật được hoạt động trở lại theo hướng thân thiện với môi trường.

Do đó, UBND tỉnh trao đổi với Bộ NN&PTNT, tỉnh sẽ cho hoạt động khai thác cát trở lại đối với 4 doanh nghiệp đã được UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động trong công trình thuỷ lợi trước ngày 1.7.2018 Luật Thuỷ lợi có hiệu lực gồm: Chi nhánh 2 - Công ty TNHH Việt Úc; Công ty TNHH Quang Vinh Tây Ninh; Công ty cổ phần xây dựng Thành Đạt và Công ty TNHH TM DV Phú Quân.

Hy vọng trong thời gian tới, khi 4 doanh nghiệp được UBND tỉnh chính thức cho phép hoạt động khai thác trở lại, giá cát trên thị trường sẽ tiếp tục hạ nhiệt.

Thiên Tâm

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh