Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Có đến 11 nguyên nhân gây ô nhiễm nước sông Vàm Cỏ Đông
Thứ sáu: 23:55 ngày 28/05/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sở TN&MT cho biết có 11 nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm chất lượng nước sông Vàm Cỏ Ðông, trong đó, nguyên nhân chính là suốt thời gian dài (những năm 1995 - 2010), dòng sông phải tiếp nhận lượng lớn nước thải của các cơ sở chế biến công nghiệp (mì, cao su, mía đường) chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn xả ra.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, nước thải đô thị cũng là một trong những nguyên nhân khiến nước sông Vàm Cỏ Ðông bị ô nhiễm. Ảnh: rạch Gò Kén, thị xã Hoà Thành

Theo phản ánh của Báo Tây Ninh, thời gian qua, lục bình lại tiếp tục tấn công sông Vàm Cỏ Ðông, cản trở dòng chảy, gây khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hoá và ảnh hưởng đến nguồn nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất của người dân.

Bên cạnh đó, nước sông bị ô nhiễm dẫn đến tình trạng cá trên sông chết hàng loạt. Trước tình hình trên, mới đây, ngày 20.5.2021, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp, với sự tham gia của các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố để chỉ đạo các biện pháp quản lý nước sông và xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Ðông.

Chất lượng nước sông cải thiện qua từng giai ðoạn

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), để giám sát và bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Vàm Cỏ Ðông, từ năm 2006 đến nay, Sở đã phối hợp với tỉnh Long An và Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện quan trắc chất lượng nước sông Vàm Cỏ Ðông. Từ năm 2006 - 2012 lấy mẫu 15 vị trí quan trắc nước mặt với tần suất 4 lần/năm; từ năm 2013 đến nay lấy mẫu 27 vị trí quan trắc với tần suất 12 lần/năm, riêng vào mùa khô (từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau) tăng tần suất quan trắc tại một số vị trí quan trọng một lần/ngày để theo dõi diễn biến chất lượng nước lưu vực sông Vàm Cỏ Ðông.

Hiện nay, tỉnh đã đầu tư lắp đặt 4 trạm quan trắc nước mặt tự động, liên tục tại 4 vị trí trên lưu sông Vàm Cỏ Ðông (cầu Thái Hoà, cầu Gò Chai, cầu Gò Dầu, rạch Trưởng Chừa) truyền tải dữ liệu về trung tâm điều hành ghi nhận dữ liệu đặt tại Sở TN&MT để theo dõi diễn biến chất lượng nước sông hằng ngày; vào lúc 16 giờ 30 phút truyền dữ liệu về Trung tâm Giám sát điều hành kinh tế - xã hội của tỉnh và Bộ TN&MT theo quy định.

Năm 2021, Sở TN&MT tiếp tục lắp đặt 2 trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động, liên tục tại rạch Cái Bắc và bến đò Lộc Giang (vị trí đầu và cuối sông Vàm Cỏ Ðông) để giám sát chất lượng nước xuyên biên giới và liên tỉnh.

Sở TN&MT cho biết, so sánh QCVN 08-MT:2015/BTNMT, cột B1- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mặt dùng cho mục đích tưới tiêu thuỷ lợi hoặc các mục đích khác có yêu cầu chất lượng nước tương tự, thì chất lượng nước các con suối, rạch thuộc lưu vực sông Vàm Cỏ Ðông trên địa bàn tỉnh qua các giai đoạn (từ năm 2006 - 2010, 2011 - 2015, 2016 - 2020) có cải thiện. Tuy nhiên, thời điểm cuối mùa khô và đầu mùa mưa (tháng 4, 5), chất lượng nước sông Vàm Cỏ Ðông suy giảm, không đạt quy chuẩn quy định và được cải thiện dần khi mùa mưa đến.

Qua phân tích, đánh giá cụ thể, Sở TN&MT cho biết có 11 nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm chất lượng nước sông Vàm Cỏ Ðông, trong đó, nguyên nhân chính là suốt thời gian dài (những năm 1995 - 2010), dòng sông phải tiếp nhận lượng lớn nước thải của các cơ sở chế biến công nghiệp (mì, cao su, mía đường) chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn xả ra. Ðiều này dẫn đến lòng sông tích tụ lượng bùn đáy rất lớn, có nơi bề dày chứa bùn từ 3-4m, tạo ra hiện tượng yếm khí, làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm như Amoni (NH3), Nitrit (N-NO2).

Trong tháng 4 và 5 (đầu mùa mưa thường có những trận mưa lớn trên diện rộng, cuốn theo nhiều tạp chất, chất bẩn, bùn tích tụ, tồn đọng từ các cống rãnh (tại các khu đô thị, khu dân cư) chảy vào hệ thống kênh rạch, mương thoát nước và đổ ra sông Vàm Cỏ Ðông làm gia tăng mức độ ô nhiễm. Dưới tác động của dòng chảy cũng như thuỷ triều đã khuấy động lòng sông, tạo mùi hôi và làm nước sông thay đổi màu.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của ngành chức năng còn hạn chế, chưa chặt chẽ, trách nhiệm quản lý về môi trường của các cấp chính quyền cơ sở chưa phát huy hết hiệu quả nên vẫn còn một vài doanh nghiệp lén lút xả nước thải xử lý chưa đạt quy chuẩn ra môi trường.

Bên cạnh đó, tình trạng lục bình phát triển mạnh vào mùa khô gây cản trở giao thông đường thuỷ, đặc biệt là các phương tiện có công suất nhỏ, ảnh hưởng đến việc đi lại của nông dân làm nông nghiệp ở hai bên bờ sông. Từ năm 2008, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện xử lý lục bình; khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đưa ra nhiều phương án thực hiện như: tháo dỡ cọc chà hai bên bờ sông; vận động người dân không cắm cọc chà, khoanh nuôi cá hai bên bờ sông và các kênh, rạch; tổ chức trục vớt, đuổi đẩy, xử lý lục bình trên sông…

UBND tỉnh đã phân công, phân cấp và chỉ đạo các ngành, địa phương có giải pháp quyết liệt trong việc trục vớt lục bình trên các tuyến sông, rạch thuộc phạm vi hành chính; nghiêm cấm các hoạt động thả chà trên kênh, sông, rạch để nuôi cá; hỗ trợ, hướng dẫn người dân tận dụng cây lục bình để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ hoặc làm phân bón.

Với quyết tâm của các sở, ngành, chính quyền các cấp và sự đồng hành của doanh nghiệp, vào mùa khô, lục bình trên sông giảm nhiều so với trước đây, bảo đảm được luồng ghe, tàu lưu thông. Tuy nhiên, có nhiều thời điểm tại các khúc sông gấp khúc, nơi giao nhau giữa 2 dòng thuỷ triều có lục bình dày đặc, và đều được xử lý nhanh chóng.

Tăng cường giám sát chất lượng nước sông Vàm Cỏ Ðông

Ðể bảo vệ sông Vàm Cỏ Ðông, Sở TN&MT và các sở, ngành, UBND các huyện Châu Thành, Gò Dầu, Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng, Hoà Thành triển khai đồng loạt các giải pháp. Trong đó, chú trọng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, kiểm soát các nguồn thải công nghiệp.

Theo đó, các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện 3 kế hoạch, gồm: bảo vệ môi trường nguồn nước sông, suối, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh cuối mùa mưa năm 2020; bảo vệ môi trường nguồn nước sông, suối, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh mùa khô năm 2020-2021 và bảo vệ môi trường nguồn nước sông, suối, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh đầu mùa mưa năm 2021.

 Qua đó, đã triển khai 3 đợt giám sát các nguồn thải xả ra lưu vực sông Vàm Cỏ Ðông, mỗi đợt giám sát hơn 40 nguồn thải, đã xử lý vi phạm 6 cơ sở với tổng số tiền 771 triệu đồng (trong đó có 1 cơ sở vi phạm xả nước thải chưa xử lý ra hệ thống sông Vàm Cỏ Ðông). Ngoài ra, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường ra quyết định xử phạt hành vi xả nước thải chưa xử lý đạt quy chuẩn ra môi trường đối với 2 doanh nghiệp ở khu vực thượng nguồn sông Vàm Cỏ Ðông với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng.

Công tác xử lý lục bình thời gian qua được tỉnh và các ngành, địa phương tập trung xử lý đã có hiệu quả.

Thời gian tới, Sở TN&MT phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện, thị, thành phố tiếp tục triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021 đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn liên ngành kiểm tra chuyên đề việc đầu tư xây dựng, vận hành, lắp đặt thiết bị các công trình xử lý nước thải đối với các chủ nguồn thải từ 500m3/ngày.đêm­ xả ra hệ thống sông, rạch trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các cơ sở xả nước thải gây ô nhiễm môi trường, kiên quyết đình chỉ hoạt động nếu cơ sở tái phạm.

Tiến hành rà soát, thống kê, kiểm tra, đánh giá chất lượng nước thải phát sinh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhỏ lẻ, các cơ sở rửa xe, sửa xe, dịch vụ ăn uống, chợ ở đô thị, khu dân cư; giao chính quyền địa phương các cấp tăng cường giám sát, vận động các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ có phát sinh nước thải phải xử lý sơ bộ trước khi đấu nối vào hệ thống thu gom, thoát nước của đô thị.

Yêu cầu các chủ nguồn thải có lưu lượng xả nước thải từ 500m3/ngày.đêm ký cam kết thực hiện lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục theo quy định trước ngày 31.12.2021 và truyền dữ liệu về Sở TN&MT quản lý. Quá thời hạn nêu trên, nếu chủ nguồn thải nào không thực hiện thì xem xét xử lý theo quy định.

Ðẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại các đô thị ở Tân Biên, Châu Thành, thành phố Tây Ninh, Hoà Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng, khu đô thị Mộc Bài - Bến Cầu.

Về lâu dài, Sở TN&MT sẽ nghiên cứu, đề xuất phương án nạo vét bùn đáy sông Vàm Cỏ Ðông; phương án sử dụng nước hồ Dầu Tiếng, kênh thuỷ lợi đấu nối về sông Vàm Cỏ Ðông tại các vị trí trọng điểm, thường xảy ra ô nhiễm để đẩy rửa khi cần thiết; nghiên cứu những mô hình tận dụng cây lục bình làm nguyên liệu sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ hoặc làm phân bón, tạo thu nhập cho người dân.

Minh Dương - Thiên Tâm

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục