Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Có đến 80% nông sản xuất khẩu của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu
Thứ năm: 10:14 ngày 07/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đây là thông tin đáng chú ý được đưa ra tại Hội thảo “Hoàn thiện chính sách pháp luật phát triển thương hiệu nông sản" do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) tổ chức mới đây tại TP. Hồ Chí Minh.

Nhãn hiệu “Gạo Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn sở hữu và quản lý nhãn hiệu được bảo hộ tại 22 quốc gia. (Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, nông sản Việt Nam có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu, sức sáng tạo của người nông dân. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh thấp, giá thành cao, chất lượng không ổn định, thương hiệu không có.

Việt Nam có gần 11.000 sản phẩm OCOP, có nhiều sản phẩm trời phú, nhưng sự nhận diện thương hiệu trên thị trường quốc tế còn thấp. Giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt con số đáng kể, tuy nhiên chất lượng, năng lực cạnh tranh kém.

Vì vậy, theo ông Tiệp, việc xây dựng thương hiệu rất quan trọng giúp nâng cao giá trị năng lực cạnh tranh của nông sản Việt.

Bà Nguyễn Mai Hương, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam năm 2022 đạt 53,22 tỷ USD. Trong đó, 11 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; 7 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD gồm gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, cà phê, gạo, cao su, hạt điều, rau quả.

“Nông sản Việt Nam có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới (Mỹ, EU, Nhật Bản) và có đến 90% nông sản vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác.

Đặc biệt, 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu”, Phó giám đốc IPSARD thông tin.

Đại diện IPSARD cho rằng, ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm hơn tới việc tham gia vào chương trình thương hiệu quốc gia, số lượng doanh nghiệp tăng lên qua từng năm. Qua 8 kỳ xét duyệt (năm 2022) đã có 325 sản phẩm của 172 doanh nghiệp được công nhận là thương hiệu quốc gia. Nhưng có chưa tới 30 doanh nghiệp có sản phẩm nông, lâm thủy sản.

Theo bà Hương, vấn đề xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản được đề cập nhiều nhưng vẫn chung chung, chưa cụ thể; chưa có chiến lược, chương trình tổng thể đặc thù cho nông sản; chưa có sự kết nối, điều phối giữa các bên liên quan... Do đó, đến nay, mới chỉ có hai sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam gồm nhãn hiệu “Cao su Việt Nam” (năm 2016) và nhãn hiệu “Gạo Việt Nam” (năm 2018).

Nguồn baoquocte

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục