BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện thời sự

Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước hôm nay

Cập nhật ngày: 31/08/2020 - 00:59

BTN - Đúng ba phần tư thế kỷ về trước, ngày 2 tháng 9 năm 1945 trong cuộc mít-tinh có hàng chục vạn người tham dự tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Theo bài tường thuật của nhà báo Hồng Hà, đăng trên báo Cứu Quốc của Mặt trận Việt Minh - lực lượng cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo vừa tiến hành tổng khởi nghĩa thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tám, giành lại độc lập cho dân tộc ta trên toàn cõi đất nước: “…

Sau lễ chào cờ và hát quốc ca, Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Nội vụ, bước tới micrô giới thiệu Hồ Chí Minh, Người được chào mừng bằng những tiếng hô vang dội: “Độc lập! Độc lập!”. Hồ Chí Minh vẫy tay trước khán thính giả trong vài phút, đoạn nâng hai bàn tay lên để kêu mọi người im lặng. Bằng giọng Nghệ Tĩnh đặc trưng, Hồ Chí Minh bắt đầu đọc Tuyên ngôn Độc lập. Đọc đến giữa chừng, Hồ Chí Minh hỏi: “Tôi nói, Đồng bào có nghe rõ không?” và đám đông đồng thanh hô vang “Rõ!”.

Trong bản Tuyên ngôn độc lập do Bác Hồ soạn thảo và tuyên đọc trước quốc dân đồng bào, sau khi nhắc lại thực trạng hơn 80 năm thực dân Pháp “đến cướp nước ta, áp bức đồng bào ta”, đã nêu rõ bối cảnh của cuộc Tổng khởi nghĩa: “Mùa Thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng Minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật.

Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói. Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không “bảo hộ” được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật”.

Đoạn cuối bản Tuyên ngôn Độc lập khẳng định: “Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”.

Sau “cuộc lễ khai quốc” ấy, suốt 30 năm tiếp theo, toàn thể dân tộc ta đã thể hiện ý chí, quyết tâm sắt đá ấy bằng những thắng lợi vĩ đại qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ nối đuôi nhau xâm lược nước ta. Rồi đến 45 năm kể từ ngày thắng lợi hoàn toàn, toàn thể dân tộc ta không chỉ giữ vững quyền tự do, độc lập ấy, mà còn đem hết tâm lực xây dựng, phát triển đất nước đúng theo lòng mong muốn của vị cha già dân tộc.

Nhân Quốc khánh 2.9 năm nay, nhìn lại 75 năm bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam độc lập, chúng ta hết sức tâm đắc với lời nhận định của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cách nay gần 2 năm nhân kỷ niệm 89 năm thành lập Đảng (3.2.1930 - 3.2.2019): “…Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Có phải đây là một kỳ tích trong bối cảnh nước ta đứng trước những bề bộn khó khăn và tình hình thế giới có nhiều biến động mạnh mẽ, phức tạp? Điều quan trọng hơn là qua đây đã cho chúng ta thêm nhiều bài học kinh nghiệm quý”.

 Và mới cách đây vài ngày, nhân dịp Quốc khánh lần thứ 75 của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ông Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã dành riêng một bài phát biểu chúc mừng, nội dung có đoạn như sau: “Tôi xin gửi lời chúc mừng nồng hậu nhất tới Chính phủ và Nhân dân Việt Nam nhân Quốc khánh lần thứ 75 của các bạn.

Việt Nam là thành viên tích cực của Liên Hợp Quốc kể từ khi gia nhập tổ chức này vào năm 1977. Các nam và nữ quân nhân của các bạn đang góp phần vào sứ mệnh gìn giữ hoà bình của LHQ. Các bạn cũng đang đi đầu trong việc đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đây sẽ là nền tảng vững chắc cho Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững 2030.

Tầm nhìn và tham vọng của chương trình nghị sự phát triển bền vững này sẽ vô cùng quan trọng khi chúng ta hồi phục từ đại dịch Covid. Với tư cách là thành viên được bầu chọn của Hội đồng Bảo an, Việt Nam cũng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc duy trì hoà bình bền vững.

Quốc khánh lần thứ 75 của Việt Nam trùng với Năm Chủ tịch ASEAN và nhiệm kỳ tại Hội đồng Bảo an, điều này cho thấy sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của Việt Nam trên trường quốc tế. Xin hãy đón nhận lời chúc mừng tốt đẹp nhất của tôi dành cho năm ý nghĩa này”.

Lời phát biểu của vị quan chức đứng đầu cơ quan thường trực của Liên Hợp Quốc, tổ chức quốc tế bao trùm cả hành tinh nhân Quốc khánh nước ta, thực sự là sự khẳng định lại lời người đứng đầu của Đảng, nguyên thủ quốc gia kính yêu của chúng ta: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

BÀN DÂN