BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bài dự thi Cuộc thi viết “Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tỉnh Tây Ninh năm 2018:

Cô giáo của những trẻ em nghèo 

Cập nhật ngày: 25/08/2018 - 05:35

BTN - 14 năm qua, ngôi nhà chỉ vỏn vẹn gần 20m2 của cô Trần Thị Hồng Loan (62 tuổi) ở khu phố Thanh Hà, thị trấn Gò Dầu (huyện Gò Dầu) đã trở thành lớp học quen thuộc của những trẻ em cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật. Cô giáo của lớp cũng chính là chủ ngôi nhà, người luôn lặng lẽ, tận tuỵ và hết lòng thương yêu, dạy dỗ những đứa trẻ nghèo khó.

Cô Loan dạy các em học chữ.

Cơ duyên đưa cô Loan đến với các em nhỏ này thật tình cờ. Ðó là năm 2004, khi ấy, cô đang là Chi hội trưởng Phụ nữ khu phố. Trong một lần đi khảo sát về tình trạng học vấn của các em nhỏ trên địa bàn, cô thấy còn một số em đã quá tuổi đi học nhưng chưa biết chữ do hoàn cảnh khó khăn. Vốn có trình độ đại học Ngữ văn và kiến thức căn bản về sư phạm, cô được đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thị trấn lúc đó khuyến khích mở lớp dạy chữ miễn phí cho các em.

Không chần chừ, cô Loan đồng ý ngay. Mặc dù điều kiện của cô cũng chẳng khá giả, chồng mất sớm khi 2 đứa con trai còn nhỏ dại. Một mình cô nuôi hai đứa con khi đồng lương chủ yếu dựa vào tiền buôn bán nhỏ hằng ngày, tiền phụ cấp tổ trưởng tổ tự quản, trưởng Ban công tác Mặt trận ấp. Nhưng với lòng trắc ẩn trước hoàn cảnh các em nhỏ, cô không nỡ nào từ chối.

Và từ đó, cứ từ mỗi tối thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, ngôi nhà nhỏ của cô vang lên tiếng ê a. Học trò của cô chỉ khoảng 20 em, đa số từ 10 - 15 tuổi. Các em học trễ do hoàn cảnh gia đình; có em mắc bệnh tâm thần nhẹ; có em chậm phát triển; có em ở tận miền Trung xa xôi nghỉ học giữa chừng để theo cha mẹ vào miền Nam kiếm sống. Các em theo học chủ yếu để biết đọc, biết viết, biết tính toán, học đến lớp 4 hoặc lớp 5 thì chia tay cô để đi tìm việc làm.

Vì các em đủ loại tuổi, đủ hoàn cảnh khác nhau nên cô Loan phải chia theo nhóm. Mỗi nhóm từ 3-4 em, nhóm học lớp 1, nhóm học lớp 2, nhóm thì dành cho những em học khá... Cô hướng dẫn từng em, từng em một, rồi cầm tay từng em viết chữ.

Không những dạy chữ, cô Loan còn dạy các em học hát, các trò chơi, biết lễ nghĩa. Cô còn vận động các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương hỗ trợ quà, bánh cho các em nhân dịp lễ, tết. Em Nguyễn Lương Thiện (12 tuổi, học lớp 3, bị bệnh tâm thần nhẹ) nhà ở gần Bệnh viện huyện Gò Dầu cho biết, mẹ em bán cà phê vỉa hè còn ba thì chạy xe ôm.

Từ nhỏ, Thiện đã bị bệnh nên ba mẹ không cho đi học. Thiện ở nhà phụ bà ngoài việc bán hủ tiếu. Từ khi được đến lớp học của cô Loan, Thiện rất vui vì em  đã biết đọc truyện, biết viết, biết tính toán phụ ngoại. Em còn làm quen được nhiều bạn mới. Hay như em Trần Văn Phúc, 13 tuổi, mắc bệnh chậm phát triển, đang theo học lớp 3, nói giọng ngọng nghịu. Từ nhỏ, Phúc chưa được đến trường, ba mẹ chỉ dạy em biết đếm số để đi bán vé số. Nhờ cô Loan giảng dạy, nay Phúc đã biết làm phép tính và viết được tên của mình.

Cứ thế, hết lớp này đến lớp khác, em này học xong thì em khác lại xin vô học. Tính đến đến nay, cô Loan đã dạy được hơn 200 em trên địa bàn Thị trấn biết chữ, biết viết. Nhiều em sau này tìm được việc làm ổn định như công nhân, buôn bán... Cô tâm sự, hiện các con của cô đi học xa, nên có các em nhỏ đến nhà học giúp cô cảm thấy khuây khoả nỗi cô đơn. Nhiều lúc cô cũng gặp khó khăn khi dạy các em nhỏ học. Nhưng mỗi lần nhìn thấy các em vui vẻ khoe đã biết viết, biết đọc truyện tranh là cô cảm thấy rất vui. Mỗi năm, vào dịp Quốc tế Phụ nữ 8.3, những học trò lại về thăm cô. Ðiều đó đã tạo động lực giúp cô tiếp tục theo đuổi việc dạy học.

Với sự cống hiến của cô Loan, hiện nay, đa số trẻ em cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị trấn Gò Dầu đã biết đọc, biết viết, không còn trẻ em mù chữ. Cô đã được nhận hơn 20 bằng khen, giấy khen của các ban ngành, đặc biệt là Kỷ niệm chương của Trung ương hội Khuyến học Việt Nam vì sự nghiệp giáo dục, giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu vì có thành tích trong công tác khuyến học.

Thư Trà