Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xung quanh dư luận đi vay tiền ngân hàng phải mua Bảo hiểm Nhân Thọ:
Có hay không chuyện “bán bia kèm lạc” ?
Thứ hai: 13:04 ngày 14/12/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, dư luận bàn tán xôn xao về tình trạng một số chi chánh ngân hàng thương mại “ép” khách hàng vay tiền phải mua bảo hiểm nhân thọ. Với nhiều người, chuyện mua bảo hiểm nhân thọ là tự nguyện, việc “ép” phải mua là điều không thể chấp nhận và gây nhiều bức xúc…

Văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Tây Ninh về chấn chỉnh tình trạng nhân viên ngân hàng “ép” khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ

MUA BẢO HIỂM NHÂN THỌ MỚI ÐƯỢC GIẢI NGÂN TIỀN VAY?

Anh D.Q.B, ngụ đường Lạc Long Quân, phường IV, thành phố Tây Ninh cho biết, gia đình anh cần vay một số tiền làm ăn. Anh đến liên hệ một chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố Tây Ninh để nộp hồ sơ xin vay thế chấp tài sản. Bên ngân hàng đã chấp nhận, cho chuyên viên tiến hành các thủ tục và thẩm định của bên thứ ba. Khi gần đến giai đoạn làm thủ tục giải ngân, nhân viên tín dụng của ngân hàng “buộc” anh phải tham gia một gói bảo hiểm nhân thọ hơn 20 triệu đồng của một công ty bảo hiểm, đại ý là: nếu anh chịu tham gia, sếp mới duyệt cho anh vay (!?).

Theo anh B, vì nôn nóng muốn có tiền làm ăn, nên 2 lần vay trước, anh “cắn răng” mua bảo hiểm nhân thọ cho vợ và con, với phí tham gia gói bảo hiểm 1 năm đóng 15 triệu đồng. Tuy nhiên chỉ sau một năm, anh không có khả năng đóng tiếp, nên xem như số tiền tham gia bảo hiểm nhân thọ “mất trắng” vì bị huỷ hợp đồng.  

Lần vay này cũng thế. Anh B bức xúc, việc “ép” anh phải mua bảo hiểm rồi mới giải ngân tiền vay là không thể chấp nhận. Anh muốn vượt qua khó khăn để sản xuất, kinh doanh, thiếu hụt vốn mới buộc lòng thế chấp nhà đất lấy 300 triệu đồng. Trong khi đó, việc sản xuất, kinh doanh chưa biết thành bại thế nào, trong khi đó vợ làm giáo viên mầm non với thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm, liệu gia đình anh có đóng nổi khoản phí bảo hiểm 20 triệu đồng/năm cho đến thời hạn chấm dứt hợp đồng hay không?

Trước việc nhân viên tín dụng “ép buộc” phải tham gia bảo hiểm nhân thọ, anh B chấp nhận mất tiền thẩm định, chi phí công chứng hồ sơ… không vay tiền nữa. Anh cũng đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng để phản ánh, đề nghị chấn chỉnh vì anh không muốn nhiều người khác khi đi vay tiền ngân hàng bị rơi vào hoàn cảnh như mình.

Chị P.T.H, ngụ phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh cũng bức xúc khi đi vay tiền tại một chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn và bị nhân viên tín dụng “ép” mua bảo hiểm nhân thọ, trong khi chị không hề có nhu cầu.

Theo chị H, chị đến chi nhánh ngân hàng thương mại trên để làm thủ tục vay 100 triệu đồng. Lúc tiếp nhận hồ sơ, nhân viên tín dụng không hề nói đến chuyện tham gia bảo hiểm nhân thọ, mà rất nhiệt tình giúp chị hoàn thành hồ sơ. Thế nhưng khi làm các thủ tục vay vốn xong, gần đến giai đoạn “giải ngân”, nhân viên tín dụng mới nói, để được giải ngân số tiền vay, chị H phải mua bảo hiểm nhân thọ với chi phí hơn 10 triệu đồng/năm. Dù ấm ức, nhưng cần tiền để làm ăn nên chị đành bấm bụng chấp nhận.

Chị H cho biết thêm, phải chi khi mới làm thủ tục vay vốn, nhân viên ngân hàng tư vấn rõ chuyện tham gia bảo hiểm nhân thọ thì khách hàng đâu có bức xúc. Ðằng này, đợi đến “phút 89”, nhân viên ngân hàng yêu cầu khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ mới giải ngân tiền- chẳng khác nào “buộc” khách hàng vào chuyện đã rồi. Do quá bức xúc, chị H phản hồi thông tin lên hệ thống ngân hàng trên, sau đó chị nhận được lời xin lỗi. Thế nhưng, bảo hiểm nhân thọ đã mua rồi, chị cũng không biết mình có đủ khả năng để đóng tiếp hay không, vì thời gian còn lại của hợp đồng quá dài, đến hơn 10 năm.

CHỈ LÀ SỰ HIỂU LẦM

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc chi nhánh ngân hàng mà anh B vay tiền cho rằng, đó chỉ là sự hiểu lầm giữa anh B và nhân viên tín dụng. Theo vị giám đốc này, hiện nay, hầu hết các chi nhánh ngân hàng thương mại đều có ký hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.

Trong đó có giao chỉ tiêu cho nhân viên ngân hàng giới thiệu khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ với doanh nghiệp bảo hiểm mà chi nhánh ngân hàng ký hợp đồng liên kết. Có nghĩa là, nhân viên ngân hàng cũng là một đại lý của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Tuy nhiên, chi nhánh ngân hàng có quy định, nhân viên ngân hàng chỉ được tư vấn, giới thiệu cho khách hàng về các gói bảo hiểm nhân thọ, khách hàng có nhu cầu mới ký hợp đồng, chứ không được “ép” khách hàng tham gia bằng mọi giá.

Sau khi nhận được phản ánh của anh B, chi nhánh ngân hàng đã mời anh đến để trao đổi. Theo đó, do nhân viên ngân hàng tư vấn không được tốt, anh B hiểu lầm và cho rằng mình bị “ép” tham gia bảo hiểm nhân thọ. Do đó, sau khi làm việc với anh B, chi nhánh ngân hàng đã giải ngân cho anh số tiền vay ngay trong ngày. Chi nhánh ngân hàng cũng làm việc với các nhân viên, yêu cầu khi tư vấn cho khách hàng về bảo hiểm nhân thọ cần phải rõ ràng, khéo léo để tránh gây ra sự hiểu lầm cho khách hàng như trường hợp của anh B.

Theo ông Hà Minh Châu-  Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh và xử lý nghiêm tình trạng nhân nhân viên các chi nhánh ngân hàng thương mại “ép” khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các chi nhánh ngân hàng phải thực hiện việc tư vấn bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng đúng theo Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Theo ông Châu, thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Tây Ninh có nhận được phản ánh của khách hàng về tình trạng này. Thế nhưng, khi làm việc thì không có bằng chứng để xử lý, do các chi nhánh ngân hàng cho rằng đó chỉ là khách hàng đến tham khảo vay tiền và nhân viên ngân hàng tư vấn, chứ không có “ép”! Tuy nhiên, ông Châu nhìn nhận, có thể trong quá trình làm hồ sơ cho khách hàng vay vốn, nhân viên tín dụng đã có những “thủ thuật” để “ép” khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ. Do đó, khi làm việc thì không có bằng chứng để xử lý.

Trước thực trạng trên, ngày 17.11.2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Tây Ninh ban hành Công văn 947/TNI-TTGSNH về việc hoạt động kinh doanh bảo hiểm và đại lý bảo hiểm. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tây Ninh yêu cầu các chi nhánh ngân hàng thương mại trong tỉnh rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống và xử lý nghiêm những trường hợp “ép”, bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác khi cấp tín dụng cho khách hàng, gắn việc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng.

Ðồng thời quán triệt, tuyên truyền, phổ biến pháp luật kinh doanh bảo hiểm đối với cán bộ tín dụng và cán bộ tham gia hoạt động đại lý bảo hiểm; thực hiện đúng quy định về việc tư vấn, vận động khách hàng tham gia bảo hiểm, lưu ý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

THẾ NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh