BAOTAYNINH.VN trên Google News

Có hay không chuyện “chạy suất” vào Làng thanh niên lập nghiệp?

Cập nhật ngày: 05/12/2015 - 02:08

Làng thanh niên lập nghiệp Ninh Điền, huyện Châu Thành được thành lập nhằm thu hút một bộ phận thanh niên tình nguyện, thanh niên, học sinh, sinh viên khi ra trường chưa có việc làm, cùng các hộ gia đình trẻ là người dân tộc thiểu số đến lập nghiệp lâu dài, tham gia phát triển kinh tế- xã hội, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ quốc phòng dọc tuyến biên giới.

Từ năm 2009, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã ban hành quy định về tiêu chuẩn xét chọn hộ gia đình đoàn viên thanh niên tham gia xây dựng Làng thanh niên lập nghiệp Ninh Điền. Từ đó đến nay, đã có 100 hộ đoàn viên thanh niên đủ tiêu chuẩn đến lập nghiệp, được cấp đất cất nhà ở ổn định và sản xuất tổng diện tích gần 200 ha.

Thế nhưng, thời gian gần đây, nhiều bạn đọc phản ánh là có một số hộ không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được xét cấp suất lập nghiệp tại đây.

Phần đất mà vợ chồng Huỳnh Chí Hiếu được cấp tại Làng thanh niên lập nghiệp Ninh Điền hiện nay để cho bà Huệ (mẹ Hiếu) ở, còn vợ chồng Hiếu vẫn đi làm công nhân cao su ở nơi khác.

“CHẠY”  VÀO LÀNG THANH NIÊN

Bạn đọc phản ánh, vừa qua có người đã rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” khi tin lời cô L.T.X.Q- một hộ gia đình thanh niên được xét vào Làng thanh niên lập nghiệp Ninh Điền đợt 1 năm 2010, “nổ” là có nhiều mối quen biết, có thể chạy được suất vào Làng thanh niên cho những ai có nhu cầu.

Chị Oanh– một nạn nhân của cô Q cho biết, cô Q nói rằng, nếu ai được xét vào làng thanh niên, hộ gia đình sẽ được cấp một phần đất ở để cất nhà và hơn 1 ha đất sản xuất, cùng với số tiền hơn 20 triệu đồng Nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên, tiêu chuẩn xét duyệt hết sức khó khăn, nên phải quen biết mới xin được, nhất là đối với những người không đủ tiêu chuẩn.

Cô Q ra giá, mỗi suất chạy vào làng thanh niên tốn hơn 100 triệu đồng. Để tạo sự tin tưởng, cô Q giới thiệu là đã “lo” được cho một số người nhận suất tại Làng thanh niên lập nghiệp Ninh Điền.

Nghe cô Q giới thiệu, chị Oanh tin tưởng giao 60 triệu đồng mà không cần làm giấy tờ gì. Lúc đó có một nạn nhân khác là ông Tâm (ở xã Suối Dây, huyện Tân Châu) cũng đưa 50 triệu đồng cho cô Q nhưng yêu cầu cô viết giấy biên nhận và có ghi âm lại.

Trong biên nhận cô Q viết (vào tháng 5.2013) có ghi: “có nhận của ông Tâm 50 triệu đồng tiền cọc, lo giấy tờ hồ sơ qua làng TN. Khi nào hồ sơ xong, số tiền còn lại 100 triệu đồng, chú Tâm đưa hết. Nếu không lo được thì tôi sẽ trả lại số tiền cọc 50 triệu đồng. Còn nếu chú Tâm không đi là chú Tâm chịu mất cọc”.

Tuy nhiên sau đó, cả chị Oanh và ông Tâm đều không nhận được phần đất nào ở làng thanh niên, tiền đưa cho cô Q cũng chẳng thấy trả lại.

NHIỀU HỒ SƠ CÓ SAI SÓT

Trong các tiêu chuẩn để được xét duyệt vào Làng thanh niên lập nghiệp biên giới Ninh Điền có tiêu chuẩn: phải là hộ gia đình đoàn viên thanh niên, đã kết hôn, trong độ tuổi từ 18 đến 35 đối với nữ và 20 đến 35 đối với nam, chí thú làm ăn, có ý chí tự lực vươn lên trong cuộc sống.

Trong đó ưu tiên cho hộ gia đình đoàn viên thanh niên là con em gia đình chính sách, có công với cách mạng, có hoàn cảnh khó khăn; hộ gia đình đoàn viên thanh niên là bộ đội, công an xuất ngũ chưa có việc làm; hộ gia đình đoàn viên thanh niên là gia đình dân tộc thiểu số; hộ gia đình đoàn viên thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, không có đất sản xuất có xác nhận của chính quyền địa phương…

Thế nhưng, qua tìm hiểu của chúng tôi, có một số hồ sơ không bảo đảm đúng tiêu chuẩn- trong đó có hồ sơ do cô Q khoe là do mình “chạy”.

Cụ thể, hồ sơ xét duyệt cho Huỳnh Chí Hiếu và Huỳnh Khải Hoà (con của bà Phan Thị Ngọc Huệ) đều có sai sót nghiêm trọng. Minh chứng là hai giấy chứng nhận kết hôn của Hiếu và Hoà chỉ có tên hai người vợ là khác nhau, còn lại tất cả những thông tin khác như ngày tháng năm sinh, số giấy chứng minh nhân dân, địa chỉ và cả số giấy kết hôn đều giống hệt nhau, do UBND phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh cấp cùng một ngày (16.2.2009). Trong hồ sơ còn lưu giữ tại Ban quản lý dự án Tỉnh đoàn, hai giấy chứng nhận kết hôn này đều là giấy phô tô, không có chứng thực, không có cả chữ ký của vợ và chồng trong giấy kết hôn.

Mặt khác, kể từ khi nhận suất lập nghiệp tại làng thanh niên này, vợ chồng Huỳnh Chí Hiếu không hề “lập nghiệp” mà chỉ cất nhà để cho mẹ ruột là bà Huệ đến ở, còn đất sản xuất thì cho thuê. Riêng Huỳnh Khải Hoà, từ ngày nhận suất vào làng thanh niên, chỉ cất nhà có một mình, không thấy có vợ cùng ở.

Ngoài ra, còn trường hợp của hộ gia đình thanh niên Nguyễn Văn Lệ và Trần Thị Hồng Thu (em chồng cô Q) cũng gây thắc mắc cho nhiều người. Theo quy định, một hộ chỉ có một thành viên được xét vào làng thanh niên. Trước đó anh trai của Thu là Trần Văn Lộc (chồng cô Q) nằm trong hộ khẩu gia đình của ông Trần Văn Sướng đã được xét vào làng thanh niên đợt 1 năm 2010.

Tuy nhiên, đến đợt xét thứ 3 thì một thành viên khác trong hộ gia đình ông Trần Văn Sướng là Nguyễn Văn Lệ lại được xét vào làng thanh niên. Chỉ có khác là khi làm thủ tục xin vào làng thanh niên cho Nguyễn Văn Lệ thì hộ khẩu đã được đổi sổ mới, không còn tên của vợ chồng Trần Văn Lộc, do đã chuyển hộ khẩu về làng thanh niên. Nhiều người nghi ngờ chính cô Q “lo” cho anh em gia đình chồng nên mới được “ưu ái” nhận đến 2 suất tại làng thanh niên?

Riêng trường hợp của Lê Trần Đình Tài, trong hồ sơ lưu đơn xin xác nhận gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có đất sản xuất chỉ có chữ ký của Tài mà không có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú (xã Phước Vinh, huyện Châu Thành). Chỉ riêng điểm này đã không đúng với quy định về tiêu chuẩn xét vào làng thanh niên mà Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã ban hành nhưng vẫn được xét hồ sơ.

CẦN LÀM RÕ

Được sự hướng dẫn của ông Lê Đức Lực– cán bộ Ban quản lý dự án Tỉnh đoàn phụ trách Làng thanh niên lập nghiệp Ninh Điền, chúng tôi đi tìm hiểu thực tế những trường hợp sai sót mà bạn đọc phản ánh tại làng thanh niên.

Bà Phan Thị Ngọc Huệ (mẹ ruột của Hiếu) cho biết, từ ngày nhận suất vào làng thanh niên, vợ chồng Hiếu – Ngọc vẫn làm công nhân cao su cho đến nay, chỉ có bà ở đây mở quán giải khát sinh sống.

Riêng trường hợp Huỳnh Khải Hoà, lúc đầu bà Huệ nói là đã có vợ, nhưng sau đó thú thật là Hoà chưa có vợ và giấy kết hôn của Hoà được làm giả. Bà Huệ cho biết thêm, cả hai trường hợp của Hiếu và Hoà khi xin lập nghiệp ở làng thanh niên đều được cô Q “lo” hết- kể cả giấy chứng nhận kết hôn, bà đã chi cho cô Q hơn 100 triệu đồng.

Ngoài ra, theo bà Huệ thì cô Q còn lo cho gia đình anh Lệ và gia đình anh Tài được xét đến lập nghiệp tại làng thanh niên, còn số tiền bao nhiêu thì bà Huệ không nắm rõ.

Trong khi đó, anh Lê Trần Đình Tài thì cho rằng mình không biết gì, hồ sơ mẹ anh đi làm, anh chỉ đến cơ quan chức năng khi được yêu cầu ký tên vào giấy tờ để xin vào làng thanh niên

Qua vụ “lọt sổ” các hồ sơ trên, nhiều người thắc mắc: phải chăng cô Q thật sự có “khả năng” lo được suất vào Làng thanh niên lập nghiệp Ninh Điền?

Theo ông Lê Đức Lực, đây là sai sót trong quá trình xét duyệt hồ sơ, chứ không liên quan gì đến chuyện người dân tố cáo cô Q chạy suất vào làng thanh niên. Bản thân ông Lực cũng đã phát hiện ra trường hợp “có vấn đề” về giấy chứng nhận kết hôn của anh em Huỳnh Chí Hiếu và Huỳnh Khải Hoà và sai sót về một gia đình có đến 2 người được xét vào lập nghiệp ở làng thanh niên.

Riêng trường hợp của Trần Văn Lộc và Nguyễn Văn Lệ, cùng nằm trong hộ khẩu gia đình của ông Trần Văn Sướng thì nay ông mới biết, tương tự cũng như sai sót trong hồ sơ của Lê Trần Đình Tài.

Trước những sai sót trên, ông Lực cho biết sẽ báo cáo  vụ việc cho Ban Thường vụ Tỉnh đoàn xem xét, giải quyết trong thời gian tới. Bản thân ông cũng thừa nhận những thiếu sót khi đã không hoàn thành được nhiệm vụ mà Ban Thường vụ Tỉnh đoàn giao khi kiểm tra, xét hồ sơ xin vào làng lập nghiệp.

Hy vọng Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sớm vào cuộc để làm rõ những trường hợp được suất vào làng lập nghiệp mà người dân phản ánh, đồng thời làm rõ việc cô Q có “chạy suất” hay không, để kịp thời chấn chỉnh, để Làng thanh niên lập nghiệp Ninh Điền thực hiện đúng với mục tiêu đề ra.

THIÊN TÂM – THÁI HOÀ