Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chợ Hòa Hiệp cũ (Tân Biên):
Có hay không chuyện đất công biến thành đất tư ?
Chủ nhật: 15:39 ngày 25/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Cán bộ xã trước đây luôn giải thích rằng, thửa đất trên là đất công, không thể cấp cho cá nhân hộ gia đình, thế nhưng lại cấp được cho hộ ông Phó Chủ tịch UBND xã đương thời là một vấn đề không minh bạch…” - ông Lê Thanh Phương, ngụ ấp Hoà Bình, xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên bức xúc.

Ông Phương trên thửa đất đang tranh chấp.

Theo đơn của ông Lê Thanh Phương, trước năm 1975, cha ông là ông Lê Liên Thanh cùng gia đình đến khu vực chợ tự phát gần ngã tư Hoà Hiệp (chợ Hoà Hiệp cũ) định cư và sinh sống trên một phần đất có diện tích hơn 130m2. Khoảng đầu thập niên 90, UBND xã Hoà Hiệp có đề ra “dự án” xây dựng bãi để xe và chợ xã tại khu đất chợ tự phát nêu trên. Chính quyền địa phương thông báo đến những người dân đang sinh sống trên khu đất chợ phải giao trả mặt bằng. Theo cán bộ xã, vào thời điểm đó khu đất này là đất công do xã quản lý. 

Ông Thanh và nhiều hộ dân khác đã chấp hành chủ trương trên. Ông giao lại cho xã một phần diện tích đất khoảng 57m2 để làm mặt bằng xây dựng chợ và bãi xe. Khoảng 77m2 còn lại được gia đình ông quản lý, sử dụng. Về sau, ông Thanh để lại phần đất này cho con trai là ông Lê Thanh Phương và được UBND huyện cấp giấy CNQSDĐ.

Riêng phần đất 57m2 giao cho xã, qua nhiều năm vẫn không thấy sử dụng để xây chợ hay làm bãi xe. Thấy thửa đất ngày càng hoang phế, ông đến UBND xã yêu cầu được cấp giấy QSDĐ. Tuy nhiên, cán bộ xã giải thích rằng phần đất này vẫn còn là đất công nên không thể cấp “sổ đỏ” cho cá nhân hộ gia đình. Nhiều năm trôi qua, sau nhiều lần liên hệ và cũng được giải thích tương tự, ông Phương cất một căn chòi tạm chứa củi và bán đồ ăn sáng trên thửa đất bị bỏ hoang, định là khi nào Nhà nước sử dụng, ông sẽ tháo dỡ.

Bất ngờ, trong quá trình cất chòi, có một người tên Tạ Kim Ngân đến ngăn cản. Chị này quả quyết, thửa đất thuộc quyền sử dụng của chị, do cha mẹ là ông Tạ Minh Tòng và bà Nguyễn Thị Thuý tặng cho con gái. Trước sự việc bất thường, ông Phương liền liên hệ cơ quan chức năng để trích lục hồ sơ thì mới hay phần đất 57m2 đã được cấp “sổ đỏ” cho ông Tòng và bà Thuý vào ngày 29.12.2006, loại đất ở nông thôn, thuộc thửa số 75, tờ bản đồ 33, đất toạ lạc tại vị trí mà trước đây cha của ông Phương đã giao lại cho xã để thực hiện “dự án”. 

Ông Tạ Minh Tòng nguyên là Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Hiệp. Thửa đất số 75 được cấp cho ông Tòng vào thời điểm vẫn còn công tác tại xã. Ông Phương rất bất bình trước việc cán bộ xã đã nhiều lần giải thích thửa đất trên là “đất công” nên không thể cấp “sổ đỏ” cho gia đình, lại cấp cho hộ ông Tòng. Vừa qua, ông Phương đã nộp đơn khởi kiện tại TAND huyện Tân Biên với yêu cầu giải quyết tranh chấp về QSDĐ tại thửa số 75. Toà án đã chấp nhận thụ lý vụ kiện.    

Trong khi chờ Toà án đưa vụ kiện ra xét xử, ông Phương biết Quyết định số 425 ngày 4.12.2006 của UBND huyện Tân Biên về việc cấp 23 giấy CNQSDĐ ở nông thôn cho hộ gia đình, cá nhân tại xã Hoà Hiệp, trong đó có thửa đất số 75 cấp cho hộ ông Tòng (với lý do ông Tòng khai phá đất vào năm 1992). Ông Phương cho rằng, huyện ban hành Quyết định số 425 gây ảnh hưởng đến QSDĐ của gia đình ông, cụ thể là tại thửa đất đang tranh chấp. Hơn nữa, việc ông Tòng kê khai phần đất này do ông khai phá từ năm 1992 là không đúng, việc này có thể xác minh qua những người cao tuổi tại địa phương. 

Càng lạ lùng hơn, trong khi hầu hết 23 hộ dân có tên trong danh sách đều được cấp đất ở nơi khác ngoài khu vực chợ, hộ ông Tòng lại được cấp đất “lọt” vào vị trí đắc địa của khu chợ, tức gần ngay ngã tư Hoà Hiệp. Ông Phương đã rút đơn khởi kiện tại Toà án, chuyển sang khiếu nại Quyết định số 425 của UBND huyện. Trong khoảng thời gian chờ UBND huyện trả lời, ông Phương đồng thời nộp đơn xin ngăn chặn các giao dịch đối với thửa đất số 75, do bất động sản hiện đang có tranh chấp.

Ngày 14.6.2019, UBND huyện có Văn bản số 06 cho biết: “… Sau khi xem xét nội dung đơn của ông Phương, UBND huyện nhận thấy đơn khiếu nại về việc tranh chấp của ông không thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND huyện Tân Biên. Đề nghị ông Lê Thanh Phương gửi đơn đến TAND huyện để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật”. 

Khi nhận được Văn bản số 06 của huyện, ông Phương cũng hay tin chị Tạ Kim Ngân đã thực hiện hợp đồng chuyển nhượng hoàn tất thửa đất trên cho ông Phạm Văn Bình (hiện đang là Phó trưởng Công an xã). Hiện tại, ông Phương đang nộp đơn khởi kiện lại ông Tòng tại TAND huyện và gửi “đơn yêu cầu giải quyết” đến nhiều cơ quan khác trong tỉnh. 

“Cán bộ xã trước đây luôn giải thích thửa đất trên là đất công, không thể cấp cho cá nhân hộ gia đình, thế nhưng lại cấp được cho hộ ông Phó Chủ tịch UBND xã đương thời là một vấn đề không minh bạch. Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ việc ông Tòng kê khai khai phá đất vào năm 1992 là đúng hay sai? “Dự án” xây dựng chợ và bãi xe là như thế nào, tại sao diện tích đất của khu chợ tự phát bị thu hồi thì nhiều, mà thực tế đất dùng vào việc xây chợ lại ít, thậm chí hiện tại chợ Hoà Hiệp cũ cũng không có bãi để xe? Kể cả việc tôi đã có đơn xin ngăn chặn giao dịch tài sản đang tranh chấp, nhưng chị Ngân vẫn chuyển nhượng được thửa đất số 75 cho ông Bình?” - ông Phương nêu ý kiến.

Ông Trần Thanh Xuân, nguyên Chủ tịch UBND xã Hoà Hiệp cho biết: “Ông Tòng cho rằng ông đã khai phá thửa đất trên vào năm 1992 là không đúng. Thửa đất này trước đây do ông Lê Liên Thanh sử dụng để ươm mạ cấy lúa. Sau đó, gia đình ông Thanh không ươm mạ nữa mà dùng vào việc nuôi trồng rau muống cho đến khi giao lại cho xã. Từ trước đến nay, ông Tòng chưa từng khai phá hay sử dụng thửa đất đang tranh chấp”. Ông Đỗ Văn Rươn, một hộ dân có nhà gần chợ cũ Hoà Hiệp cũng đồng ý kiến nhận xét như ông Xuân. 

Trích lục hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Tòng (do Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Tây Ninh - Chi nhánh huyện Tân Biên cung cấp), có nhiều điểm bất thường. Cụ thể, trong hồ sơ không có phần xác nhận của các hộ dân giáp ranh, không có văn bản niêm yết công khai tại địa phương về thửa đất trước khi được cấp giấy. Có tất cả sáu chữ ký của ông Tòng trong hồ sơ này nhưng có đến hai chữ ký không giống với bốn chữ ký còn lại. Hai chữ ký khác biệt nằm tại văn bản thông báo nộp lệ phí trước bạ nhà, đất và tờ khai lệ phí trước bạ nhà, đất.

Ngoài ra, trong quá trình xác minh vụ việc theo đơn phản ánh của ông Phương, một số hộ dân hiện đang có nhà tại khu đất chợ còn than phiền về việc đã mua đất nền chợ do xã “sang mặt bằng” khoảng từ những năm 1993, 1994 nhưng đến nay vẫn không được cấp “sổ đỏ”, trong khi một số hộ dân khác có nhà liền kề lại được cấp “sổ đỏ”. Đáng nói, việc “sang mặt bằng” khu đất chợ để thu giá trị bằng vàng từ người dân được thể hiện rõ qua các biên nhận viết tay. Theo nội dung ghi trên biên nhận, cán bộ tài chính của xã vào thời điểm đó trực tiếp thu vàng, ông Tạ Minh Tòng là người ký xác nhận… 

Ngày 15.8.2019, ông Ngô Văn Cấm - Chủ tịch UBND xã Hoà Hiệp cho hay, do mới về xã nhận công tác được khoảng 3 tháng nay nên ông không nắm rõ về “dự án” xây chợ và bãi để xe. Việc ông Phương phản ánh đã có đơn xin ngăn chặn giao dịch tài sản đang tranh chấp nhưng chị Ngân vẫn sang nhượng được thửa đất trên, do trong khoảng thời gian ông Phương rút đơn khởi kiện tại Toà án thì việc sang nhượng đất của chị Ngân tiếp tục được lưu thông.

UBND xã Hoà Hiệp cũng không nhận được quyết định hay thông báo nào từ phía cơ quan có thẩm quyền về việc ngăn chặn giao dịch phần tài sản này, nên xã đã chuyển hồ sơ sang nhượng đất giữa chị Ngân và ông Bình lên cấp trên giải quyết. Riêng việc người dân đã nhận “sang mặt bằng” tại đây nhưng người được cấp “sổ đỏ”, người không được cấp là do… lịch sử để lại.

Vì sao lại có tình trạng “biến đất công thành đất tư” như trong đơn của ông Phương phản ánh, sự việc đang rất cần cơ quan có thẩm quyền vào cuộc làm rõ.

Quốc Sơn

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục