BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thông tin tiếp bài báo “vô tư” cất nhà trên đất lúa:

Có hay không chuyện ông M được chính quyền địa phương “ưu ái”? 

Cập nhật ngày: 03/08/2020 - 00:08

BTN - Dư luận có quyền nghi ngờ, có thể do ông B.N.M là cán bộ xã nên chính quyền địa phương đã “ưu ái” không lập biên bản xử lý, kể cả việc ông M tự ý cho làm đường trên đất lúa, cất nhà kiên cố trong khu trang trại cũng không gặp trở ngại nào.

Ông M làm đường bê tông nội bộ trong khu đất lúa.

Báo Tây Ninh phát hành ngày 31.7 có bài viết “Vô tư” cất nhà trên đất lúa”, phản ánh tình trạng nhiều người dân mua đất của ông M- ngụ xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu bằng giấy tay. Dù các thửa đất này có mục đích sử dụng là đất lúa nhưng các hộ dân vẫn “vô tư” cất nhà. Ông M còn tự ý làm 2 con đường bê tông xi măng kiên cố trong khu đất, cất nhà trong trang trại trên đất lúa nhưng cũng không bị chính quyền xử lý.

Thế nhưng, lãnh đạo UBND xã Bàu Năng cho rằng, đó là sự “lơ là” trong quản lý, chứ chính quyền địa phương không liên quan gì (!?).

Vi phạm kéo dài nhưng chỉ bị… nhắc nhở

Như chúng tôi đã thông tin trong bài viết trước, ông Huỳnh Hưng Thời- Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Năng cho biết, khi những hộ dân mua đất bằng giấy tay của ông M cất nhà, chính quyền có đến lập biên bản nhưng do thấy họ có hoàn cảnh khó khăn nên không xử phạt và cũng không làm gắt gao.

Lý giải của lãnh đạo chính quyền xã phù hợp với những gì ông M trao đổi khi chúng tôi đóng vai người đi mua đất. Ông M cho rằng chính quyền địa phương rất thương… dân nghèo, nên cứ “vô tư” mua đất, “vô tư” cất nhà, dù đó là đất lúa.

Lạ là, chính ông Huỳnh Hưng Thời- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, chính quyền địa phương từng phát hiện có trường hợp vi phạm cất nhà trên đất lúa, lập biên bản và đề nghị UBND huyện Dương Minh Châu xử phạt do vượt thẩm quyền.

Vậy tại sao, cùng có hành vi vi phạm cất nhà trái phép trên đất lúa nhưng trường hợp này thì bị lập biên bản đề nghị xử phạt, còn những người mua đất của ông M thì chỉ bị lập biên bản không hề bị xử lý? Do đó, dư luận có quyền cho rằng ông M được chính quyền địa phương “ưu ái”.

Một vấn đề nữa, đất lúa mà ông M tự làm đường rồi bán bằng giấy tay trên, có hộ dân mua từ tháng 4.2018 cất nhà, bị chính quyền xã lập biên bản yêu cầu đình chỉ. Nhưng không hiểu sao đến tháng 1.2020, trên khu đất trên lại tiếp tục “mọc” thêm 1 ngôi nhà nữa và lần này, chính quyền xã chỉ tiến hành lập biên bản yêu cầu đình chỉ thi công rồi… bỏ đó? Chỉ vài tháng sau, đến tháng 4.2020, lại một hộ dân khác cất nhà.

Lần này, chính quyền xã cũng chỉ cử cán bộ đến lập biên bản rồi… thôi. Có thể vì lẽ này nên khi trao đổi với chúng tôi, các hộ dân ở đây đều khẳng định, cứ “vô tư” mua đất, “vô tư” cất nhà, mọi chuyện đã có ông M “lo hết”.

Ông Thời cho rằng, những hộ dân vi phạm có hoàn cảnh khó khăn nên UBND xã không nỡ xử phạt. Lý do này có thể tạm chấp nhận, thế còn ông M- người bán đất? Theo thông tin mà người dân cung cấp, ông M là người khá giả ở địa phương. Rõ ràng ông M đã vi phạm khi làm đường nội bộ kiên cố bằng bê tông, cất nhà.

Những điều “khuất tất” cần được làm rõ

Dù ông M đứng ra viết giấy tay bán đất cho các hộ dân trên nhưng chủ sở hữu thật sự của khu đất là ông B.N.M (sinh năm 1995), con trai ông M, một cán bộ làm công tác đoàn thể ở xã.

Trong giấy tay bán đất, ông M đều cam kết nếu xảy ra tranh chấp, ông hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật dù ông chỉ “mua trâu vẽ bóng”, bởi về mặt pháp lý, ông không có bất cứ tư cách nào tự đứng ra bán đất, do chủ sở hữu hợp pháp theo quy định pháp luật đối với thửa đất này là ông B.N.M.

Trao đổi với người viết, ông M thừa nhận khu đất trên do ông B.N.M đứng tên và việc ông đứng ra bán bằng giấy tay là sai, ông B.N.M cũng không làm giấy uỷ quyền cho ông M bán đất.

Khu đất tại đường 3-3, ấp Ninh Thuận, xã Bàu Năng- người dân cho rằng do có cán bộ xã mua của ông M nên “vô tư” cất nhà trên đất lúa.

Khi chúng tôi đề cập, chắc chắn những căn nhà cất trên đất lúa sẽ bị ngành chức năng xử phạt hành chính, và cũng có thể buộc khôi phục lại hiện trạng. Khi đó ông M sẽ giải quyết với các hộ dân trên như thế nào, sẽ bồi thường ra sao khi mà các hộ dân trên đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để cất nhà ở? Ông M không trả lời thẳng vào vấn đề mà chỉ nói chung chung là… ông biết mình đã sai.

Một điều lạ khác là, khi lập biên bản đình chỉ việc xây nhà trái phép, UBND xã lại lập biên bản vi phạm đối với các hộ dân mà không phải là ông B.N.M, người sở hữu đất hợp pháp để có căn cứ xử lý. Thực tế, các hộ dân này không đứng tên chủ quyền đất thì lấy căn cứ đâu mà xử phạt?

Dư luận có quyền nghi ngờ, có thể do ông B.N.M là cán bộ xã nên chính quyền địa phương đã “ưu ái” không lập biên bản xử lý, kể cả việc ông M tự ý cho làm đường trên đất lúa, cất nhà kiên cố trong khu trang trại cũng không gặp trở ngại nào.

Quá trình tìm hiểu vụ việc này, chúng tôi được người dân cho biết thêm, trước đây khi phân các lô đất lúa trên đường 3-3 ấp Ninh Thuận, xã Bàu Năng để bán cho người dân cất nhà, có một cán bộ xã có thời gian công tác trong lĩnh vực đất đai mua đất của ông M. Điều này chính ông M thừa nhận khi trao đổi với chúng tôi.

Không hiểu có phải vì có cán bộ xã mua đất nên những hộ dân trên “vô tư” cất nhà trên đất lúa? Sau đó, có 2 hộ chuyển mục đích sang đất ở, mỗi hộ được 80m2, còn lại một hộ đã cất nhà lâu năm nhưng đất vẫn còn là đất lúa và không bị xử lý. Đây cũng là vấn đề cần được các ngành chức năng làm rõ để trả lời cho dư luận.

Ngay sau khi bài báo phát hành, UBND huyện Dương Minh Châu đã cử cán bộ đi tiến hành kiểm tra, cũng như yêu cầu UBND xã Bàu Năng báo cáo về những vấn đề mà bài báo phản ánh. Hy vọng, UBND huyện sẽ làm rõ mọi vấn đề để xử lý đúng quy định.

Báo Tây Ninh sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin những diễn biến mới của vụ việc đến bạn đọc.

Thiên Tâm